Các doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết hơn 1 triệu việc làm cho người lao động
Ngoài việc đầu tư trở lại nền kinh tế, chi trả quyền lợi bảo hiểm,…thị trường bảo hiểm đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các chính sách của nhà nước về lao động, việc làm và xã hội khi giải quyết hơn 1 triệu việc làm cho người lao động.
Ảnh: Nguyễn Hải
Ông Nguyễn Xuân Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, trước năm 1993, tại Việt Nam chỉ có duy nhất một doanh nghiệp bảo hiểm thuộc sở hữu của Nhà nước là Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam. Vào ngày 18/12/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 100-CP về kinh doanh bảo hiểm. Nghị định đã tạo ra khung khổ pháp lý ban đầu, rộng đường cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, chất lượng về sau.
Đến nay, thị trường bảo hiểm đã có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm). Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đều là hội viên của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tham gia chung một tổ chức có tính gắn kết, hợp tác cùng xây dựng thị trường bảo hiểm phát triển.
Theo số liệu thống kê ước cả năm 2023, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng sau: Tổng tài sản ước đạt 913.336 tỷ đồng; Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 762.580 tỷ đồng; Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 601.271 tỷ đồng; Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 190.227 tỷ đồng; Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.596 tỷ đồng; Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.467 tỷ đồng. Thị trường bảo hiểm cũng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các chính sách các nhà nước về lao động, việc làm và xã hội khi giải quyết hơn 1 triệu việc làm cho các người lao động.
Ảnh Trần Oanh
Tại lễ kỷ niệm Ngày Thị trường Bảo hiểm Việt Nam (18/12/1993 – 18/12/2023) mới đây, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết: Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm đã có những bước tiến quan trọng. Khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm được hình thành đầy đủ và đồng bộ, đảm bảo môi trường pháp lý công khai, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên thị trường. Các quy định luôn được kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển thực tế của thị trường cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Mới đây nhất, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 cùng các văn bản Nghị định, Thông tư hướng dẫn cũng đã được hoàn thiện đồng bộ để tạo cơ sở cho thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng đã chứng tỏ được sự hội nhập quốc tế sâu rộng, có những đóng góp tích cực trong khu vực và trên thế giới. Trong năm kỷ niệm tuổi 30, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị về bảo hiểm các nước ASEAN tại Thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh từ ngày 05-08/12/2023, trong đó Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính đã chủ trì và tổ chức thành công Hội nghị các Nhà quản lý bảo hiểm (AIRM) lần thứ 26, Hội nghị Hội đồng bảo hiểm các nước ASEAN (AIC) lần thứ 49 và được đại biểu các nước ghi nhận, đánh giá cao.
Trong quá trình phát triển, ngành bảo hiểm nhận diện được những khó khăn thách thức như tình trạng cạnh tranh ngày càng gia tăng; rủi ro từ yếu tố thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; đầu tư nguồn lực để ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật. Những khó khăn, thách thức này cần có sự đồng lòng, quyết tâm của các Hội viên Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng như sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành có liên quan để cùng tìm giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả.