Các doanh nghiệp được vinh danh 'Thương hiệu Quốc gia' đóng góp ngân sách hàng trăm nghìn tỷ đồng
Các doanh nghiệp được vinh danh 'Thương hiệu Quốc gia' có tổng doanh thu năm 2023 đạt 2,4 triệu tỷ đồng; tổng nộp ngân sách nhà nước khoảng 150 nghìn tỷ đồng, bảo đảm công ăn, việc làm cho trên 600 nghìn lao động; tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước'. Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ công bố sản phẩm đạt 'Thương hiệu quốc gia Việt Nam' lần thứ 9 năm 2024...
Năm 2024 có 190 doanh nghiệp với tổng số 359 sản phẩm được công nhận đạt “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” và tiếp tục gia tăng so với kỳ xét chọn lần thứ 8 năm 2022 (là 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm).
Bên cạnh việc đầu tư kinh doanh góp phần phát triển kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm, các hoạt động xã hội cộng đồng… thì nộp ngân sách cũng là một thước đo quan trọng để đánh giá những đóng góp của các doanh nghiệp cho đất nước.
Các doanh nghiệp có sản phầm được vinh danh “Thương hiệu Quốc gia” có tổng doanh thu năm 2023 đạt 2,4 triệu tỷ đồng; tổng nộp ngân sách nhà nước khoảng 150 nghìn tỷ đồng.
Trong khối các doanh nghiệp tư nhân ngành hàng tiêu dùng - gia dụng, nộp ngân sách lớn nhất là Tập đoàn Tân Á Đại Thành. Năm 2023, Tân Á Đại Thành đã đóng góp hơn 797 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Năm nay, Tân Á Đại Thành có 4 sản phẩm đạt “Thương hiệu Quốc gia”, gồm: Bồn inox, bồn nhựa, bình nước nóng và máy nước nóng năng lượng mặt trời. Theo các báo cáo nghiên cứu từ các tổ chức độc lập, các sản phẩm chủ lực này của Tập đoàn Tân Á Đại Thành đều đạt sản lượng tiêu thụ cao nhất tại thị trường trong nước.
Theo ban tổ chức, trong những năm qua, rất nhiều các doanh nghiệp dân tộc, tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, là nòng cốt, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, tiên phong trong chuyền đổi xanh, chuyên đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia.
Phát biểu tại Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch Hội đồng “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” cho biết, sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các Ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương; sự chủ động, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp với khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, Chương trình “Thương hiệu Quốc gia Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước, trở thành bệ phóng vững chắc, giúp các doanh nghiệp Việt vươn lên, kiến tạo những giá trị và sức mạnh mới cho đất nước.
Thông qua Chương trình, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt đã ý thức được vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu - được xem như là “chìa khóa” giúp gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị doanh nghiệp, bảo đảm phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế tất yếu trên phạm vi toàn cầu; từ đó, chú trọng hơn cho xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước.