Các doanh nghiệp hàng không tư nhân đề xuất gói hỗ trợ giống như đối với Vietnam Airlines

Chiều ngày 28/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức cuộc họp với tất cả các hãng hàng không, đại diện các tổ chức tín dụng có dư nợ ở ngành này, bàn về việc mở 'Gói tín dụng cho hàng không'. Hiệp hội Hàng không đã đề xuất 2 gói vay để hỗ trợ ngành.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không, ông Bùi Doãn Nề chia sẻ những khó khăn chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không thế giới và trong nước.

Với ngành hàng không Việt Nam, mức độ ảnh hưởng tiêu cực thậm chí nhiều hơn so với hầu hết các hãng hàng không của các nước đang có kết nối trực tiếp với Việt Nam.

Ngành hàng không đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có trong lịch sử hàng không.

Cụ thể, tại Vietnam Airlines, trong 2 tháng đầu năm nay, lượng hành khách vận chuyển nội địa giảm 16,1% so với thời điểm trước dịch 2019 và giảm 24,5% so với năm 2020.

Vietjet Air (VJ) ghi nhận doanh thu giảm 63% trong năm 2020. Khối lượng vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2021 giảm trên 60% so với 2019 (thời điểm trước dịch). Doanh thu trong thời kỳ cao điểm hè 2021 giảm 90% so với 2020.

Công ty đang phải gánh các khoản nợ phải trả từ 2 năm trong khi phải dừng và giảm số chuyến bay do giãn cách xã hội, trong đó có những khoản phải trả do thanh tóa trái hiếu dài hạn với lãi suất cao.

Từ 2020 đến nay, Bamboo Airways (QH) ước tính thiệt hại doanh thu gần 16.000 tỉ đồng (năm 2020: 9.000 tỉ đồng; 8 tháng năm 2021: 6.500 tỉ đồng).

Hay như tại Pacific Airlinnes, năm 2020, sản lượng khai thác chỉ đạt 38,8%, doanh thu chỉ đạt 30% so với năm 2019; 8 tháng đầu năm năm 2021 chỉ bằng 30,4%, doanh thu chỉ bằng 13% so với năm 2019 (trước Covid-19).

Tương tự, doanh thu năm 2020 của Tổng Công ty Quản lý bay chỉ bằng 40,96% so với năm 2019. Sang năm 2021, lượng điều hành máy bay tiếp tục giảm so với năm 2020.

Các doanh nghiệp Dịch vụ kĩ thuật thương mại, đào tạo, sản xuất suất ăn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ như các công ty suất ăn Hàng không, những tháng đầu năm 2021, sản lượng chỉ bằng khoảng 10 % so với đầu năm 2020, khi dịch bệnh chưa bùng phát.

Trong khi đó, những khoản chi phí cố định vẫn phải chi trả nhưng doanh thu giảm khiến cân đối dòng tiền khó được đảm bảo, khiến tính thanh khoản bị giảm. Nhiều khoản nợ không thể được thanh toán đúng hạn. Mỗi ngày, các hãng hàng không phải chi trả trên 100 tỉ đồng. Trong thời gian ngừng bay, máy bay nằm tại các sân từ 80 - 90 %.

Mỗi tháng Vietjet phải trang trải 3 tỉ đồng tiền lương và 80 tỉ đồng thuê máy bay, trả lãi ngân hàng, thanh toán cho các dịch vụ đầu vào cố định, duy tu, bảo dưỡng máy bay...

Tổng các khoản nợ quá hạn và vay ngắn hạn của Vietjet tới 30/6/2021 lên tới 13.800 tỉ đồng.

Nhìn chung, dịch bệnh kéo dài vượt mọi dự đoán. Số đợt bùng phát trong thời gian gần đây có xu hướng gần nhau hơn và thời gian ngừng hoạt động vào các đợt bùng phát có xu hướng kéo dài, phức tạp hơn, dần trở nên vượt quá khả năng chủ động của doanh nghiệp.

Trước bối cảnh khó khăn chung, Hiệp hội các doanh nghiệp hàng không đề xuất NHNN hỗ trợ 2 gói vay để vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay.

Thứ nhất, các hãng hàng không tư nhân kiến nghị NHNN được tiếp cận gói vay áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0 % như đã áp dụng với Vietnam Airlines, với quy mô vốn từ 4.000 tỉ đồng. Thời hạn vay tối đa 3 năm.

Thứ hai, các hãng hàng không thuộc hiệp hội mong muốn được vay gói hỗ trợ 25.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất (Ngân sách cấp bù lại suất 4 %), thời hạn 3 - 4 năm.

Tuấn Thủy

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/cac-doanh-nghiep-hang-khong-tu-nhan-de-xuat-goi-ho-tro-giong-nhu-vietnam-airlines-59838.html