Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng

Khó tiếp cận vốn ngân hàng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp.

Nhằm tăng cường công tác kết nối, hợp tác và cùng phát triển của các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất về vốn – tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, chiều 24/8, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội) tổ chức Chương trình kết nối “Các giải pháp vốn - Tín dụng”.

Gỡ “nút thắt” tiếp cận tín dụng và hấp thu vốn của nền kinh tế

Gỡ “nút thắt” tiếp cận tín dụng và hấp thu vốn của nền kinh tế

Mặc dù tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong năm lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được Ngân hàng nhà nước triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kết quả tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn; tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp phải những khó khăn, bất cập.

Tại buổi kết nối, các đại biểu đến từ trung tâm, đại diện các ngân hàng thương mại, bảo hiểm, Hiệp hội, doanh nghiệp, đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp cho vốn - tín dụng khiến tín dụng tăng thấp.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME) - cho biết, hiện nay, số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội đang hoạt động chiếm số hơn 98% trên tổng số các doanh nghiệp toàn thành phố.

Nguyên nhân lớn nhất là hiện các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm.

Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.

Mặt khác, đa số các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian qua, có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế, dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống.

Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, các doanh nghiệp mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. “Hiện tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15 - 20%, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.

Về điều kiện cho vay, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản.

Đối với doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, muốn vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần cung cấp hồ sơ, lịch sử thanh toán, công nợ, có đối tác uy tín hợp tác lâu dài thì sẽ được ưu tiên.

Theo ông Đinh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng SHB, sở dĩ doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận tín dụng là vì họ còn thiếu năng lực kinh nghiệm.

“Các doanh nghiệp này thường duy trì 2 hệ thống báo cáo tài chính, sổ sách kế toán. Ngân hàng khi thẩm định năng lực, tính khả thi của phương án sẽ thấy báo cáo tài chính như vậy có độ tin cậy thấp, không đánh giá được năng lực kinh doanh của khách hàng. Hai là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động đơn lẻ, xây dựng phương án kinh doanh chưa có cơ sở chứng minh tính khả thi của phương án nên gửi hồ sơ khó đánh giá để cho vay, đặc biệt doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo”, đại diện SHB cho hay.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Đinh Ngọc Dũng cho biết, SHB đang tiếp tục rà soát và sửa đổi quy trình thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt khoản vay, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngân hàng cũng tích cực nghiên cứu thị trường và thực hiện “may đo” sản phẩm phù hợp từng nhóm khách hàng để khách hàng tiếp cận vốn dễ hơn.

Tại buổi kết nối Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cũng đã trao quyết định kết nạp hội viên mới của Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên mới giới thiệu về tiềm năng, mong muốn của mình.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-doanh-nghiep-nho-va-vua-van-kho-khan-trong-viec-tiep-can-von-ngan-hang-268514.html