Các doanh nghiệp startup xe điện đã chứng minh Warren Buffett đúng
Nhìn vào kết quả kinh doanh của các startup xe điện gần đây, thật khó để không đồng tình với quan điểm của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett.
Ngành công nghiệp ô tô quá khó khăn. Đó là câu trả lời của tỷ phú Warren Buffett cho câu hỏi về những cơ hội khi thế giới chuyển sang xe điện tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Tập đoàn Berkshire Hathaway. Nhìn vào kết quả kinh doanh của các startup xe điện gần đây, thật khó để không đồng tình với quan điểm của vị tỷ phú 92 tuổi này.
Polestar Automotive là nhà sản xuất ô tô mới nhất hạ triển vọng cho năm 2023 sau kết quả kinh doanh quý 1/2023. Volvo Cars, một trong những cổ đông lớn của Polestar cho biết cần thêm thời gian để hoàn thiện phần mềm cho nền tảng sản xuất mới mà Polestar sẽ sử dụng cho chiếc xe thể thao đa dụng mới của mình. Polestar 3 sẽ được tung ra thị trường vào năm 2024 thay vì cuối năm nay như kỳ vọng trước đây của giới chuyên gia.
Giám đốc điều hành Thomas Ingenlath cũng cho biết, điều kiện thị trường đang xấu đi, đồng nghĩa là công ty Thụy Điển này không thể bù đắp sự suy giảm đó bằng cách bán thêm những chiếc xe mui trần Polestar 2 hiện có của họ. Ông nói nhằm ám chỉ đến chiến lược giảm giá của Tesla rằng: Chúng tôi không có ý định bán ô tô ra thị trường bằng bất kỳ giá nào chỉ để đạt được mục tiêu số lượng mà chúng tôi từng công bố.
Lên sàn chứng khoán thông qua một SPAC vào tháng 06/2022, Polestar thực sự là một trong những công ty khởi nghiệp EV thành công nhất hiện nay. Đó là bởi vì họ có thể dựa vào tài sản của các cổ đông chi phối, Volvo và Geely của Trung Quốc, dù điều này đã đặt Polestar vào tình thế phụ thuộc vào các cổ đông. Chẳng hạn, Polestar 2 được sản xuất tại một nhà máy của Volvo ở Trung Quốc và Polestar 3 sắp tới sẽ được sản xuất ở cả Trung Quốc và một nhà máy của Volvo ở Ridgeville.
Các startup ở California như Lucid Group và Fisker cũng hạ dự báo sản lượng của họ gần đây. Nhà sản xuất xe sedan hạng sang Lucid đã đầu tư hơn 1 tỷ USD trong khi chỉ giao được 1.406 xe trong quý đầu tiên do nhu cầu suy yếu của người tiêu dùng. Fisker chỉ mới bắt đầu giao ô tô, mặc dù ít nhất họ có lợi thế là đối tác sản xuất có kinh nghiệm với nhà sản xuất hợp đồng Magna International.
Trong khi đó, Rivian Automotive đã xoa dịu các nhà đầu tư bằng cách bám sát mục tiêu sản xuất 50.000 xe vào trong năm 2023. Họ cũng thu hẹp khoản lỗ gộp hàng quý nhanh hơn dự kiến, xuống còn khoảng 75.000 USD cho mỗi chiếc xe bán ra, sau khi đã mạnh tay cắt giảm chi phí. Giá cổ phiếu của Rivian đang có xu hướng tăng, trái ngược với Lucid, Fisker và startup xe tải đang gặp khó khăn, Nikola - công ty vừa thông báo bán cổ phần của nhà máy ở châu Âu.
Sau khi sụt giảm chóng mặt trong vòng 18 tháng qua, cả Rivian và Lucid đều có giá trị thị trường khoảng 13,1 tỷ USD, nhưng Rivian có nguồn vốn lớn hơn, vì vậy giá trị doanh nghiệp của họ nếu không tính khoản đó chỉ là 4,9 tỷ USD, còn giá trị doanh nghiệp của Lucid là 12,5 tỷ USD. Trên cơ sở đó, cổ phiếu của Rivian có vẻ hấp dẫn hơn nhiều, cùng với mức giá khoảng 98.000 USD cho mỗi chiếc ô tô mà họ dự kiến sản xuất trong năm nay. Con số này thấp hơn nhiều mức giá 1,2 triệu USD cho mỗi chiếc ô tô của Lucid.
Tuy nhiên, cổ phiếu của Rivian vẫn cực kỳ rủi ro khi công ty này đã chi tiêu hàng tỷ đô la mỗi quý trên đường hướng tới mục tiêu tạo ra lợi nhuận gộp đầu tiên vào cuối năm 2024. Ngay cả với 11,2 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền, họ sẽ cần phải huy động nhiều vốn hơn nữa, nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Lucid có thể là một lựa chọn tốt hơn cho các nhà đầu tư, nhưng điều đó đi kèm với rủi ro là cổ đông chi phối đến từ Arab Saudi từ bỏ thị trường đại chúng và biến nó thành công ty tư nhân.
Công ty Polestar tạo ra lợi nhuận gộp có lẽ là cơ hội tốt nhất để họ tồn tại. Nhưng việc hạ triển vọng mới đây là một lời nhắc nhở rằng vẫn còn nhiều điều nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.