Các doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn vượt khó, duy trì hoạt động
Trong hơn 300 dự án đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), hiện đã có 143 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho gần 35.000 lao động. Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của tình hình thế giới và trong nước đã tác động tiêu cực lên nhiều ngành sản xuất trọng điểm tại đây như lọc hóa dầu, thép, xi măng, bao bì... Trong bối cảnh nhiều khó khăn ấy, các doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực bằng nhiều giải pháp để duy trì hoạt động, ổn định việc làm cho người lao động; đồng thời nắm bắt tình hình, tín hiệu mới để gia tăng sản xuất khi thị trường tiêu thụ 'ấm' lên.
Hệ thống bồn chứa dầu của Tổng kho Xăng dầu Anh Phát chủ động dự trữ hàng hóa cung ứng cho thị trường.
Cùng gặp khó khăn chung của thị trường khi đơn hàng suy giảm, để duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 600 lao động không phải là điều dễ dàng với Nhà máy sản xuất bao bì Đại Dương của Công ty CP Khoáng sản Đại Dương. Tuy nhiên, xác định mục tiêu của năm 2023 là ổn định, bảo đảm thu nhập cho người lao động, đơn vị đã nỗ lực duy trì các đơn hàng truyền thống, chấp nhận giảm lợi nhuận, chờ thị trường khởi sắc. Ông Hồ Văn Trung, Giám đốc Nhà máy sản xuất bao bì Đại Dương, cho biết: "Tín hiệu thị trường, đơn hàng cũng đã có dấu hiệu tốt hơn trong quý III. Hiện nay, nhà máy đang tập trung sản xuất 2 đơn hàng lớn cho Nhà máy xi măng Long Sơn và Tập đoàn xi măng Vissai. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất để chuyển hàng cho đối tác, nhà máy cũng ưu tiên việc sản xuất lưu kho hàng hóa để thu nhập của công nhân đạt trung bình 6 - 7 triệu đồng/tháng".
Sản xuất dăm gỗ và gỗ viên nén cũng là những mặt hàng chịu tác động tiêu cực của thị trường hiện nay. Ông Lê Đức Thái, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Văn Lang YUFUKUYA chia sẻ: “Nhà máy có dây chuyền dăm gỗ công suất 150.000 tấn/năm và dây chuyền viên nén công suất 500.000 tấn/năm nhưng dự ước vận hành không đạt công suất. Nguyên nhân đối với hàng dăm gỗ là do thị trường Hoa Kỳ và EU kiểm soát chặt với nguồn nguyên liệu gỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong khi đó các mặt hàng này của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua đối tác trung gian Trung Quốc trước khi đi tới thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Mặt hàng viên nén cũng giảm sản lượng tiêu thụ do cắt giảm nhu cầu dùng cho lò đốt tại các nước”. Theo đại diện DN này, để duy trì được hoạt động sản xuất, công ty đi theo xu hướng tìm kiếm thêm các đối tác tiêu thụ là nhà máy nhiệt điện và đã xuất bán được một số đơn hàng, đáp ứng được gần 2/3 kế hoạch doanh thu và giữ ổn định việc làm cho 50 lao động, với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.
Đáng kể, tại KKTNS hiện nay, hai dự án công nghiệp chủ lực, quy mô lớn là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn có đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng đều đã nỗ lực vượt khó để sản xuất ổn định trong thời gian qua. Trước khi đi vào bảo dưỡng lần đầu (25-8), Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tổ chức vận hành công suất tối đa, tạo nguồn dự trữ tại các bể chứa để công tác xuất bán sản phẩm dự kiến chỉ bị dừng hơn 20 ngày trong 55 ngày thực hiện bảo dưỡng tổng thể. Đặc biệt, 2 nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn đã khắc phục mọi điều kiện về nguyên liệu, xử lý sự cố để vận hành, phát tối đa công suất lên lưới điện quốc gia những tháng vừa qua.
8 tháng năm 2023, trong bối cảnh khó khăn cả thị trường đầu vào và đầu ra của sản xuất, ngành công nghiệp của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng. Trong đó, một số sản phẩm công nghiệp tại các DN trong KKTNS tăng cao với cùng kỳ như: xăng động cơ (12%), dầu nhiên liệu (18%), dầu mỡ (70%), benzen (26%), sản xuất điện (74%), dầu ăn (3,9%)... đã trở thành động lực chính và bù đắp sự thiếu hụt của một số sản phẩm truyền thống, đưa chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 7,14% so với cùng kỳ.
Theo tổng hợp từ Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN tại KKTNS vẫn cơ bản được duy trì, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Cùng với nỗ lực duy trì sản xuất của các DN, Ban Quản lý KKTNS và các Khu công nghiệp cũng đang theo sát diễn biến hoạt động của DN để kịp thời tham mưu cho các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đơn vị cũng đang tập trung đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư sớm đi vào hoạt động, gia tăng thêm năng lực sản xuất và sản phẩm mới. Năm 2023, KKTNS và các khu công nghiệp phấn đấu mục tiêu tổng giá trị sản xuất của các DN đạt 265.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 26.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm thêm cho khoảng 10.000 lao động.