Các đội bóng Việt Nam khó vươn tầm châu lục

Dù được đầu tư lớn, CLB Nam Định vẫn cho thấy sự lép vế tại Cúp C2 châu Á. Căn bệnh cố hữu của các đội bóng Việt Nam khi ra đấu trường châu lục một lần nữa tái phát.

Thực trạng đáng buồn

Tối 19/2, CLB Nam Định sẽ có chuyến làm khách trước CLB Sanfrecce Hiroshima (Nhật Bản) trong trận lượt về vòng 1/8 AFC Champions League 2 (Cúp C2 châu Á). Với việc đã thất bại 0-3 ở lượt đi ngay tại sân Thiên Trường, cơ hội đi tiếp dành cho nhà đương vô địch V-League là cực nhỏ.

Cầu thủ Nam Định (phải) tranh chấp bóng với cầu thủ Sanfrecce Hiroshima ở trận lượt đi vòng 1/8 Cúp C2 châu Á.

Cầu thủ Nam Định (phải) tranh chấp bóng với cầu thủ Sanfrecce Hiroshima ở trận lượt đi vòng 1/8 Cúp C2 châu Á.

Việc Nam Định nhiều khả năng phải sớm dừng bước là điều đáng tiếc bởi thày trò HLV Vũ Hồng Việt đụng phải đối thủ quá mạnh. Nhưng một lần nữa điều này cũng cho thấy, các đội bóng Việt Nam vẫn quá lép vế khi bước ra sân chơi châu lục.

Trong lịch sử, đại diện Việt Nam chỉ có hai lần vào bán kết AFC Cup (tiền thân của Cúp C2 châu Á) là B.Bình Dương năm 2009 và Hà Nội FC năm 2019. Riêng đấu trường AFC Champions League (Cúp C1 châu Á), các đại diện tới từ Việt Nam thậm chí chưa từng vượt qua vòng bảng.

Thực tế, Nam Định mùa này nhận nhiều kỳ vọng khi đầu tư mạnh mẽ, tăng cường một loạt ngoại binh cùng thái độ nghiêm túc. HLV Vũ Hồng Việt giữ thói quen sử dụng 7-8 ngoại binh cho các trận đấu ở đấu trường châu Á.

Tuy nhiên, kinh nghiệm, sự từng trải và lọc lõi là điều Nam Định còn thua xa các đối thủ mạnh. Điều này không khó hiểu bởi nhà đương kim vô địch V-League cùng B.Bình Dương, Hà Nội FC… đều chưa được tích lũy bằng việc thường xuyên tiến sâu khi chinh chiến tại sân chơi lớn.

Vì sao chưa có dấu ấn?

Theo chuyên gia Hoàng Văn Phúc, Giám đốc kỹ thuật CLB Hà Nội, dù Nam Định không còn nhiều cơ hội tiến sâu nhưng việc đội bóng thành Nam có ý tưởng, dám chơi là điều đáng mừng cho bóng đá Việt Nam.

"Mùa này Liên đoàn bóng đá châu Á thay đổi điều lệ, không hạn chế ngoại binh và Nam Định đã cho thấy họ chịu chơi khi chiêu mộ gần chục cầu thủ ngoại. Ý tưởng như vậy là tốt, sẽ là cú hích cho các đội bóng khác khi có cơ hội ra đấu trường châu lục, nhưng giữa ý tưởng tới thực tế vẫn còn khoảng cách rất xa", ông Phúc phân tích.

Cũng theo ông Phúc, Nam Định chưa thể tạo dấu ấn bởi các ngoại binh chưa có nhiều thời gian chơi bóng đủ dài cùng nhau để gắn kết. Ngoài ra, chất lượng một số ngoại binh chưa thực sự đủ tốt để chinh chiến ở cúp châu Á.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Hồng Thanh, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, đánh giá về thành tích của các đội bóng Việt Nam ở đấu trường châu Á, nên đặt trong bức tranh chung Đông Nam Á.

"Tại châu Á, bóng đá Đông Nam Á rõ ràng lép vế so với Đông Á, Tây Á nên thành tích của khu vực Đông Nam Á từ trước tới nay vẫn hạn chế. Bóng đá Việt Nam những năm qua có những bước tiến nhất định nhưng chỉ là so với chính mình, so với các quốc gia trong khu vực, còn so với châu lục vẫn còn khoảng cách lớn.

Nền bóng đá như vậy thì đương nhiên các CLB cũng không thể cạnh tranh với những đội bóng tới từ Đông Á, Tây Á, dù chúng ta cũng sử dụng ngoại binh", ông Thanh nêu quan điểm.

Cần đầu tư dài hạn

Khi Báo Giao thông đặt câu hỏi, các đội bóng Việt Nam cần làm gì để cải thiện thành tích tại châu Á, chuyên gia Hoàng Văn Phúc trả lời, muốn chơi tốt khi ra đấu trường châu lục, bắt buộc phải đầu tư mạnh mẽ và liên tục trong nhiều năm để tạo nền tảng vững chắc. Điều này phụ thuộc vào khát vọng của các ông chủ bởi hiện tại các CLB Việt Nam vẫn gần như sống nhờ vào nguồn tài chính của người đứng đầu.

Cùng quan điểm nhưng ở góc nhìn rộng hơn, ông Nguyễn Hồng Thanh cho rằng, không dễ để ngày một ngày hai các đội bóng Việt Nam gây tiếng vang khi ra sân chơi châu lục.

"Trung Quốc rất chú trọng bóng đá, họ có cả tỷ dân, tài chính không phải nghĩ, mọi môn thể thao đều xuất sắc nhưng bóng đá vẫn chưa phát triển mạnh. Ở Đông Nam Á, Thái Lan cũng đầu tư mạnh nhưng kết quả thu lại không tốt hơn Việt Nam.

Thế nên, bóng đá Việt Nam nếu thực sự muốn làm được điều gì đó tại đấu trường lớn thì cần có một kế hoạch bài bản, nâng tầm thể trạng cầu thủ tới khả năng kỹ chiến thuật", ông Thanh bày tỏ.

Ông Thanh lấy dẫn chứng Nhật Bản, Hàn Quốc có thể thi đấu ngang ngửa với các đội châu Âu, Nam Mỹ, đó là nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào huấn luyện và có sự chung tay của cả Nhà nước, các doanh nghiệp, người dân trong chiến lược phát triển bóng đá.

"Tương tự, bóng đá Việt Nam đang chưa có được nền tảng vững vàng nên phải vừa làm vừa học hỏi các mô hình của Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi từng dự nhiều chương trình của FIFA, họ đều nhắc tới Nhật Bản như là một điểm sáng của bóng đá thế giới. Nhưng muốn học họ, trước mắt bóng đá Việt Nam vẫn cần thu hút thêm đầu tư, cần thêm nhiều tập đoàn lớn rót tiền cho bóng đá, bằng không sẽ rất khó", ông Thanh chia sẻ.

Nam Định nguy cơ mất ngôi đầu V-League 2024-2025

CLB Nam Định hiện đang dẫn đầu V-League 2024-2025 với 24 điểm, hơn hai đội xếp ngay sau là Thanh Hóa và Thể Công Viettel lần lượt 1 và 2 điểm nhưng đá nhiều hơn 1 trận. Như vậy, thày trò HLV Vũ Hồng Việt có nguy cơ mất ngôi đầu vào tay một trong hai đối thủ trên sau tối 19/2 khi Thanh Hóa đá với Quảng Nam còn Thể Công Viettel đá với Công an Hà Nội ở hai trận đá bù vòng 11.

An Khuê

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cac-doi-bong-viet-nam-kho-vuon-tam-chau-luc-192250217221038318.htm