Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương trong tỉnh

Chiều 19/4, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra một số công trình trọng điểm phòng chống lụt bão và thiên tai tại các địa phương trong tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn kiểm tra Kè hữu sông Vạc đoạn từ K24+769 - K25+669 huyện Kim Sơn. Ảnh: Anh Tuấn

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn kiểm tra Kè hữu sông Vạc đoạn từ K24+769 - K25+669 huyện Kim Sơn. Ảnh: Anh Tuấn

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại các huyện: Yên Khánh, Kim Sơn, Yên Mô.

Tham gia đoàn công tác có đồng chí Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Giao thông -Vận tải; Ban quản lý Dự án Đầu tư XDCT Nông nghiệp và PTNT tỉnh...

Tại huyện Kim Sơn, đoàn đã kiểm tra thực tế tại Kè hữu sông Vạc đoạn từ K24+769 - K25+669. Hiện trạng, tuyến đê kè hữu Vạc đoạn từ K24+769 - K 25+669 được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2014 theo dự án Nâng cấp đê Bình Minh II. Năm 2021 trong quá trình thi công Âu Kim Đài đã làm thu hẹp mặt cắt của sông, tăng vận tốc dòng chảy và đổi hướng dòng chủ lưu gây xói lở chân đê hữu sông Vạc khu vực lân cận cửa âu, vị trí xói lở gần nhất cách chân đê 1,2m tạo thành hàm ếch, gây nguy cơ mất an toàn cho tuyến đê.

Đoàn đã nghe lãnh đạo huyện Kim Sơn báo cáo về tuyến đường kè 2 bên bờ sông Hồi Thuần đoạn từ cầu Hồi Thuần đến cống Hồi Thuần được đầu tư và xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 2009; hằng năm do ảnh hưởng của mưa bão đã làm tuyến kè bờ sông tả sông Hồi Thuần bị hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và giao thông trên địa bàn.

Tại huyện Yên Khánh, đoàn công tác đã kiểm tra tại Cống Đọ, Xã Khánh Thiện và cống Cầu Đầm. Cống Đọ được xây dựng năm 1982; hiện trạng cống xuống cấp; kết cấu bằng đã xây đã bị vỡ, lở; nhiều vị trí xuất hiện tình trạng rò qua thân cống; mái kè thượng, hạ lưu cống bị sụt lún; bê tông dàn van bị nổ, khi vận hành rung lắc; mặt cống yếu không đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua cống.

Đoàn kiểm tra cống Đọ tại xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh. Ảnh: Anh Tuấn

Cống Cầu Đầm, Xã Khánh Cường, được xây dựng năm 1965; hiện trạng cống xuống cấp; kết cấu bằng đá xây, lốc lở nghiêm trọng hèm cống, tường đầu phía thượng lưu cống và thân cống, có thời điểm bật cánh cống ra khỏi hèm cống khi có độ chênh lệch mực nước thượng, hạ lưu; sân sau hạ lưu cống bị sói sâu khoảng trên 2m so với sân cống gây sạt lở dọc bờ bên phía Nam cống, ảnh hưởng đến nhà một số hộ gia đình phía bờ Nam hạ lưu cống.

Tại huyện Yên Mô, đoàn đã khảo sát thực tế tại Đê hồ Yên Thắng và Đê hữu sông Vạc. Qua kiểm tra cho thấy đê hồ Yên Thắng, đoạn từ Bình Hào, xã Yên Thắng đến Eo Bát, xã Yên Thành, đoạn đê có chiều dài 2,5 km; mặt đê bị nứt gãy, nhiều vị trí bị phá hủy không đảm bảo an toàn cho hồ chứa và an toàn giao thông.

Đoàn kiểm tra dự án nâng cấp Đê Hữu sông Vạc, đoạn từ Cầu Rào xã Yên Phong đến ngã ba sông Bút, xã Yên Từ, huyện Yên Mô.

Đê hữu sông Vạc đoạn từ cầu Rào, xã Yên Phong đến ngã ba sông Bút, xã Yên Từ, đoạn đê có chiều dài 3,7km được nâng cấp từ năm 2002; mặt đê chưa đủ cao trình thiết kế, gồ ghề lồi lõm, nhiều vị trí tạo rãnh rất khó khăn cho việc tuần tra đê cũng như giao thông của người dân.

Tại các địa điểm kiểm tra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà và đoàn công tác đã khảo sát thực tế, nắm bắt tình hình và nghe lãnh đạo các địa phương, các ngành có liên quan phân tích làm rõ thực trạng của các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn. Đồng thời đề xuất các phương án xử lý đảm bảo đúng kỹ thuật, an toàn cho mùa mưa bão sắp tới.

*Chiều cùng ngày, đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai năm 2022 tại địa bàn thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư và thành phố Tam Điệp.

Tham gia đoàn có các đồng chí: Lê Hữu Quý, TVTU, Bí thư Thành ủy Ninh Bình; Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; Công ty TNHH Một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đoàn kiểm tra thực trạng cống Ninh Phong 1. Ảnh: Minh Đường

Tại thành phố Ninh Bình, đoàn đã tiến hành kiểm tra thực trạng cống Bích Đào (xây dựng năm 1990), cống Ninh Phong I (xây dựng năm 1973). Đây là những công trình được xây dựng từ lâu, hiện trạng xuống cấp; bị vỡ, lở nhiều, rò qua thân cống; mái kè thượng lưu cống sụt lún nhiều. Hiện, nay đã xuống cấp không đảm bảo yêu cầu chống lũ.

Tại Hoa Lư, đoàn đi thị sát tuyến đê sông Vó đoạn qua xã Ninh An và xã Ninh Vân. Đây là tuyến đê do UBND huyện quản lý. Hiện trạng đê chưa đạt cao trình theo tiêu chuẩn, thân đê bằng đất đầm chặt. Đáy sông bị bồi lắng, dòng chảy bị ách tắc, giải pháp khắc phục là nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Vó.

Đoàn kiểm tra tuyến đê sông Vó đoạn qua xã Ninh An và xã Ninh Vân. Ảnh: Minh Đường

Tại thành phố Tam Điệp, đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai của tỉnh đi khảo sát tuyến kênh thoát nước phía Đông Nam Quốc lộ 1A (phường Nam Sơn). Tuyến kênh có chiều 300m là kênh đất, 240m là kênh kè đá, kênh có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho 45 ha đất canh tác và 235 hộ gia đình sinh sống tại tổ 16 và tổ 18 phường Nam Sơn. Hiện nay đã hư hỏng, xuống cấp, lòng kênh hẹp, đáy kênh lồi lõm thường xuyên gây ngập úng khi có mưa lũ gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Tiếp đó, đoàn đi thị sát thực trạng tuyến đường Chi Lăng (từ Quốc lộ 1A đến đường Ngô Thì Sỹ) có chiều dài 3.052m. Hiện quy mô mặt đường hẹp, nhiều vị trí kết cấu mặt đường bị vỡ nứt, xuất hiện ổ gà, hố cao su; hệ thống thoát nước đầu tư xây dựng chưa đồng bộ nên với mật độ xe lưu thông như hiện tại.

Đoàn kiểm tra tại thành phố Tam Điệp. Ảnh: Minh Đường

Cũng trên địa bàn thành phố, đoàn đi kiểm tra tuyến đê sông Bến Đang (đoạn từ đền Đức Thánh Cả đến đình Quang Hiển) thuộc địa bàn phường Tân Bình. Với chiều dài 2 km, hiện trạng mặt đê có nhiều vị trí bị lún, lõm; mái đê nhiều vị trí bị sụt lún, sạt lở. Đặc biệt, đoạn trước cửa đền Đức Thánh Cả sạt lở nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn tuyến đê trong mùa mưa lũ.

Tại các điểm đến, đoàn kiểm tra đã lắng nghe những đề xuất, kiến nghị, phương án sửa chữa, khắc phục từ các cấp, ngành và địa phương.

Đối với một số công trình cụ thể mà các huyện, thành phố kiến nghị, đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ngành liên quan nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án phù hợp, hiệu quả, lập hồ sơ dự án cho từng công trình để trình tỉnh xem xét, đảm bảo cho công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn.

Bên cạnh đó, theo phân cấp quản lý các địa phương cũng phải chủ động các phương án khắc phục, sửa chữa tập trung cho các công trình chống thiên tai đang xuống cấp nghiêm trọng đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão 2022.

Cùng với đó, đoàn kiểm tra đề nghị các địa phương phải khẩn trương rà soát lại toàn bộ công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai trước mùa mưa bão, chủ động triển khai thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ".

*Chiều 19/4, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra một số công trình trọng điểm phòng, chống lụt bão và thiên tai tại huyện Gia Viễn và Nho Quan. Cùng đi có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc làm việc với huyện Gia Viễn. Ảnh: Trường Giang

Làm việc tại huyện Gia Viễn, đoàn đã nghe báo cáo tình hình PCLB & TKCN năm 2021, phương hướng năm 2022, việc ký hiệp đồng với các lực lượng quân đội tham gia PCTT, TKCN trên địa bàn huyện.

Theo đó, trong năm 2021, Gia Viễn đã triển khai đồng bộ các giải pháp PCTT, TKCN trên địa bàn, đặc biệt đã tập trung chỉ đạo công tác chống lũ, bảo vệ các công trình PCLB trên sông Hoàng Long, không để tình huống đột xuất bất ngờ xảy ra.

Về phương hướng năm 2022: Gia Viễn tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê, kè, cống, công trình thủy lợi; xác định các trọng điểm xung yếu để có biện pháp tu bổ xử lý kịp thời, tăng cường công tác kiểm tra ngăn chặn kịp thời các vi phạm đê điều, các ẩn họa trên các tuyến đê và công trình PCTT. Rà soát, bổ sung các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, vật tư, lực lượng tuần tra, canh gác đê, lực lượng xung kích PCTT cấp xã, hiệp đồng lực lượng với các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ PCTT, TKCN trên địa bàn, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt cho công tác PCTT, TKCN.

Qua nghe báo cáo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Gia Viễn là một địa bàn trọng điểm, nếu để xảy ra mất an toàn trong PCTT&TKCN sẽ thiệt hại lớn; nhất là thiệt hại trong sản xuất công nghiệp. Do vậy, đồng chí yêu cầu huyện Gia Viễn phải xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác PCTT và TKCN. Tiến hành kiểm tra, rà soát các trọng điểm, trọng yếu trên tất cả các tuyến đê, kè, cống trên địa bàn; có phương án, giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến độ các công trình PCLB đang được thi công; hoàn chỉnh lại các phương án PCTT, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm "4 tại chỗ"; xây dựng biện pháp quản lý tổng thể các tuyến đê đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, cần có giải pháp cưỡng chế, xử lý xe quá khổ quá tải di chuyển trên các tuyến đê.

Đối với những đề xuất kiến nghị của huyện, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở NN & PTNT và các cơ quan có liên quan rà soát lại và báo cáo về UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất. Trong đó tính toán phương án phòng, chống lụt cho khu Công nghiệp Gián Khẩu để đảm bảo an toàn cho sản xuất, kinh doanh; thanh tra, kiểm tra các vi phạm về đê điều.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại khu vực cống Tân Hưng, xã Gia Hưng. Ảnh: Trường Giang

Tiếp đó, đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại khu vực cống Tân Hưng, xã Gia Hưng: trước tình trạng xuống cấp nhiều năm của cống, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình NN & PTNT tỉnh đã có Dự án xử lý cấp bách cống Tân Hưng, xây dựng cống mới trên nền đất cũ dài 30,2m, cao trình đáy cống là 3,6 và cao trình trần cống là 5,8m; dự kiến thực hiện xong vào năm 2023.

Đoàn cũng đã đi kiểm tra tại khu vực đập Tràn Lạc Khoái xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn; đây là một trong những khu vực có vị trí xung yếu trong công tác PCLB của huyện, với năng lực và khả năng chống bão, lũ ngày càng được cải thiện rõ rệt.

Tại huyện Nho Quan, đoàn đã đến kiểm tra trạm bơm Nho Phong, xã Đức Long, đây là trạm bơm đang được đầu tư, xây mới với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng, góp phần khắc phục tình trạng xuống cấp nhiều năm như trước đây.

Đoàn cũng đã đến kiểm tra khu vực đập dâng Thác La, xã Thạch Bình, hiện nay thân đập chính đang bị rò rỉ từ thượng lưu về hạ lưu; Sân tiêu năng tràn tự do bằng đá xây bị lốc lở nhiều chỗ, ảnh hưởng đến quá trình vận hành của đập.

Đoàn kiểm tra khu vực đập dâng Thác La, xã Thạch Bình. Ảnh: Trường Giang

Làm việc tại huyện Nho Quan, đoàn đã nghe lãnh đạo UBND huyện báo cáo phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Theo đó, toàn huyện hiện có trên 40km đê sông, có 2 tràn sự cố trên đê Đức Long - Gia Tường - Lạc Vân, mỗi tràn dài 200m và 1 tràn phân lũ trên đê Hữu Hoàng Long. Ngoài ra có hơn 60km đê bao, 78 trạm bơm công suất từ 320 đến 4.000m3/giờ/máy; 38 hồ đập lớn nhỏ.

Về phương hướng PCTT và TKCN năm 2022, Nho Quan quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quyết định của Trung ương và của tỉnh về công tác này; đồng thời chỉ đạo kiểm tra xác định rõ các trọng điểm xung yếu, đôn đốc thực hiện nghiêm công tác chuẩn bị "4 tại chỗ", công tác hậu phương, công tác TKCN của các xã, thị trấn. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo giữa các cấp, các ngành…. Đảm bảo công tác PCTT&TKCN năm 2022 đạt kết quả cao.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc ghi nhận công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện của huyện Nho Quan trong PCTT&TKCN đã đảm bảo nghiêm túc và đạt nhiều kết quả tích cực. Khẳng định Nho Quan là địa bàn phức tạp nhất của tỉnh trong công tác PCTT&TKCN vì có địa hình đa dạng, ngoài lũ lụt còn có cháy rừng, sạt lở, hạn hán.

Đồng chí Chủ tịch đề nghị huyện Nho Quan trong thời gian tới, quan tâm vận hành an toàn hồ đập; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai; rà soát các điểm xung yếu nhất là trên các tuyến đê và có phương án phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, đơn vị; đề nghị nghiên cứu, tính toán hàn khẩu đập Hồ Thường Sung, tích nước vừa phục vụ tưới tiêu, vừa phát triển du lịch.

Đối với những đề xuất kiến nghị của huyện, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở NN & PTNT và các cơ quan có liên quan rà soát lại và báo cáo về UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Nguyễn Thơm- Minh Đường- Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/cac-dong-chi-lanh-dao-tinh-kiem-tra-cong-tac-phong-chong/d20220419180045877.htm