Các dòng họ liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương và các chúa tại địa bàn Cao Bằng

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, các cộng đồng dân cư có quan hệ dòng họ, quan hệ thân tộc đã có công lớn trong công cuộc đấu tranh để thiết lập một nhà nước độc lập tự chủ từ xa xưa và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp, giàu mạnh ngày nay.

Cao Bằng là một tỉnh miền núi, biên giới nhưng dân số khá đông, cư dân đa số là các dân tộc thiểu số ít người, các dân tộc ở Cao Bằng gồm rất nhiều dòng họ khác nhau. Qua khảo sát các tại các địa phương trong tỉnh, xã ít nhất có 7 dòng họ, xã nhiều có hơn 40 dòng họ. Các dòng họ từ xưa đến nay đều có lịch sử sinh sống lâu dài, tồn tại khắp các địa bàn trong tỉnh, đoàn kết, trung thành và gắn bó với các triều đại để cùng bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước.

Qua gia phả một số dòng họ cho biết, có dòng họ đã có lịch sử lâu đời, được sử sách ghi chép, có cả tên tuổi, sự nghiệp của các vị thủy tổ sáng lập dòng họ hoặc các vị viễn tổ, còn lưu lại danh tiếng hiển hách làm rạng danh cho dòng họ mình.

Ở Cao Bằng có rất nhiều dòng họ phổ biến và đông nhân khẩu như các họ: Hoàng, Nông, Mạc, Lý, Đinh, Lương, Lục, Trương, Đàm, Phạm, Hà, Dương... Các dòng họ cư trú tại Cao Bằng từ khởi thủy đến nay, mỗi thời kỳ, các dòng họ đều gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại, gắn liền với các nhân vật lịch sử tiêu biểu, nổi tiếng qua các thời kỳ, được lịch sử ghi lại, trở thành tiềm thức và sống mãi trong lòng dân. Ngay từ thời tiền sử, ở Cao Bằng đã có nhiều dòng họ liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương và các chúa trong truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua), hầu hết các dòng họ đó đều có số lượng dân số đông đảo và cư trú khắp địa bàn trong tỉnh.

Khi chưa sáp nhập các xã trước năm 2020, cả tỉnh có 199 xã thì họ Hoàng liên quan đến chúa Hoàng Tiến Đạt, cư trú tại 173 xã, phường; họ Nông liên quan chúa Nông Quang Thạc, cư trú tại 153 xã, phường; họ Lý liên quan đến chúa Lý Kim Đán, cư trú tại 97 xã, phường; họ Lương liên quan chúa Lương Ngọc Tặng, cư trú tại 92 xã, phường; họ Lục liên quan chúa Lục Văn Thắng, cư trú tại 75 xã, phường; họ Trương liên quan chúa Trương Thiết Vận, cư trú tại 75 xã, phường; họ Đàm liên quan chúa Đàm Viết Dũng, cư trú tại 70 xã, phường; họ Hà liên quan đến chúa Hà Thành Giáng, cư trú tại 60 xã, phường; họ Lê liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương, cư trú tại 49 xã, phường; họ Lâm liên quan đến chúa Lâm Tuyền Thượng, cư trú tại 36 xã, phường. Riêng họ Âu liên quan đến tộc người Tây Âu (Âu Việt, Âu Lạc ) cư trú tại 12 xã, phường trong tỉnh.

Trong quan hệ dòng họ, các dòng họ đều là những thực thể gắn kết chặt chẽ, thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực của đời sống, từ không gian cư trú đến nghề nghiệp và trên nhiều phương diện khác, nhất là phương diện tinh thần. Sự gắn kết dòng họ thể hiện chủ yếu ở các khía cạnh tinh thần, rõ nhất là với những sợi dây ràng buộc thông qua gia phả và việc thờ cúng tổ tiên, các nghi lễ và sự kiện lớn trong chu kỳ đời người.

Cùng với gia phả cũ, nhiều dòng họ thường xuyên bổ sung, để cho con cháu dễ hình dung, hiểu biết về lai lịch dòng họ, nhiều dòng họ lập thêm sơ đồ phả hệ, có đủ bàng hệ và trực hệ, qua sơ đồ phả hệ, mọi thành viên dễ dàng nhận ra mối quan hệ của mình với các thành viên khác trong họ. Từng chi phái ở một số dòng họ ghi chép thế, thứ lớp trước, lớp sau khá cụ thể. Họ Hoàng ở phường Đề Thám, một trong những họ lớn nhất ở Cao Bằng, lập được bản gia phả từ rất xa xưa, có cả các cụ từ viễn tổ, thể hiện đầy đủ các đời theo trật tự bàng hệ và trực hệ rất rõ ràng, phân chia thành các chi, mỗi chi lại có các nhánh riêng.

Cùng với việc lập gia phả để lại cho con cháu hiểu rõ tông phái, gia tộc dòng họ, khá nhiều dòng họ còn thể hiện rõ vai trò trên nhiều phương diện, như vai trò của dòng họ trong chu kỳ đời sống một đời người, trong quan hệ giữa các dòng họ, trong việc hình thành nhân cách, đạo đức, trong việc bảo vệ các quyền lợi, bảo vệ văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dòng họ… Vai trò của dòng họ và vai trò của trưởng họ của một số dòng họ còn được thể hiện trong nhiều sinh hoạt của dòng họ.

Một số họ còn đặt tông quy, gia huấn cho con cháu. Gia phả họ có nhiều điều răn dạy con cháu trong nhà với những quy định rất rõ ràng, những việc được làm và những việc không được làm với các thành viên trong dòng họ.

Đền Hoàng Lục tại xã Đình Phong (Trùng Khánh) thờ An Biên tướng quân Hoàng Lục - vị tướng người Cao Bằng có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống. Ảnh Thế Vĩnh

Đền Hoàng Lục tại xã Đình Phong (Trùng Khánh) thờ An Biên tướng quân Hoàng Lục - vị tướng người Cao Bằng có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống. Ảnh Thế Vĩnh

Cùng với việc thể hiện vai trò, vị trí trong nội bộ dòng họ và với các mối quan hệ tại địa bàn cư trú để góp phần xây dựng làng nước, các dòng họ ở Cao Bằng còn thể hiện rõ trách nhiệm với các triều đại trong đấu tranh bảo vệ làng, nước. Điểm lại các thời kỳ lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước, từ khi nước ta giành được độc lập đã xuất hiện rất nhiều vị tiền nhân có đóng góp lớn, mà các vị đó đều có các dòng họ liên quan đến các chúa của Thục Phán - An Dương Vương. Ngay từ cuộc kháng chiến chống quân Tần (từ 218 - 214 trước công nguyên), tướng Lý Bính đã chỉ huy quân và dân Cao Bằng tiêu diệt hơn 300 tên giặc, là trận chiến diệt được nhiều giặc nhất, góp phần làm nên chiến thắng quân Tần ngay trên mảnh đất Cao Bằng. Đến cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược (1075 - 1077), dũng tướng Nùng (Nông) Trí Cao đã cùng Lý Thường Kiệt thực hiện phương châm “tiên phát chế nhân”, chủ động tấn công tiêu diệt binh lực của chúng, khi quân Tống đang chuẩn bị xuất phát, sau đó Hoàng Lục tiếp tục chặn đánh quân Tống sang khi chúng tràn sang Cao Bằng, gây cho chúng nhiều thiệt hại, góp phần vào chiến thắng quân xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (1285), dũng tướng Hoàng Thắng Hứa chỉ huy quân dân các dân tộc ở Cao Bằng đánh tan các cánh quân của chúng khi xâm phạm vùng đất Cao Bằng. Tiếp theo trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Nông Đắc Thái “vi thần”, Bế Khắc Thiệu “vi vương” tại Cao Bằng đã phối hợp cùng nghĩa quân Lê Lợi đánh tan quân Minh, trong đó trận chiến Nà Khuổi (9/1426), Nông Đắc Thái vừa chỉ huy vừa có tài cung nỏ đã có công lớn làm nên trận chiến thắng lớn nhất, góp phần đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi.

Đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta và tiến đánh Cao Bằng (10/1886), chúng liên tục bị nghĩa quân của Lãnh binh Lương Tuấn Tú, rồi Lục A Sung và nhiều nghĩa binh khác ở khắp các vùng trong tỉnh chặn đánh thường xuyên, phải mất 10 năm sau mới tạm chiếm được Cao Bằng. Sau đó nhân dân Cao Bằng kiên trì, bền bỉ đấu tranh…, tiến tới việc thành lập được Đảng Cộng sản để lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, sau đó là kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, rồi kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đó, xuất hiện và nổi trội lên nhiều người mang dòng máu truyền thống của các chúa từ thời kỳ Thục Phán - An Dương Vương như: Hoàng Đình Giong, Hoàng Như… đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục đấu tranh, góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc… Đồng chí Hoàng Đình Giong vinh dự được Đảng, Nhà nước công nhận là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí Thượng tướng Đàm Quang Trung, Thượng tướng Vũ Lập (Nông Văn Phách), Trung tướng Đàm Ngụy… là những vị tướng xuất sắc trong cả kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mỗi trận đánh đều làm cho kẻ thù hồn bay, phách lạc.

Liên quan với các dòng họ tại kinh đô Cổ Loa, có thể nói từ trước đến nay giữa kinh đô Cổ Loa và kinh đô Nam Bình nói riêng và Cao Bằng nói chung luôn có sợi dây liên hệ về nhiều mặt, trong các họ của các chúa thời kỳ Thục Phán - An Dương Vương, hiện nay tại Cổ Loa còn có rất đông các hộ gia đình mang các dòng họ liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương và các chúa, như họ Hoàng, họ Trương, họ Hà… Còn họ Lê là họ của Thục Phán - An Dương Vương cũng đang cư trú khá nhiều tại Cổ Loa, hiện nay các dòng họ trên không chỉ cư trú ở Cổ Loa mà các xã xung quanh đều cư trú khá đông.

Các dòng họ liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương và các chúa của Thục Phán - An Dương Vương, dù cư trú ở đâu hay thời kỳ nào đều là những người có mặt trong đoàn quân tiên phong, từ những ngày đầu mở cõi quốc gia, nên đã có nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước từ buổi bình minh của lịch sử của dân tộc. Ngày nay các con cháu của các dòng họ vẫn mang dòng máu truyền thống của tổ tiên, tiếp tục cùng nhau thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với quốc gia, ra sức phấn đấu gìn giữ, xây dựng Cao Bằng ngày càng thịnh vượng, góp phần cùng các dòng họ trong cả nước xây dựng nên đất nước Việt Nam giàu mạnh, hạnh phúc, văn minh.

Hồng Viễn

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/cac-dong-ho-lien-quan-den-thuc-phan-an-duong-vuong-va-cac-chua-tai-dia-ban-cao-bang-3176584.html