Các dự án an toàn thông tin mạng, an ninh mạng sẽ được ưu tiên bố trí vốn

Chính phủ sẽ ưu tiên bố trí vốn đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông do các bộ, ngành, địa phương chủ trì phù hợp với Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông. Trong đó có nhóm dự án an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 805/QĐ-TTg ngày 7/8/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng căn cứ quy định tại Điều 45 Luật Quy hoạch, bao gồm các nội dung chính: Dự án đầu tư công; dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công; kế hoạch sử dụng đất; chính sách, giải pháp về thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch và về phát triển, sử dụng nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.

 Các dự án an toàn thông tin mạng, an ninh mạng sẽ được ưu tiên bố trí vốn. Ảnh minh họa

Các dự án an toàn thông tin mạng, an ninh mạng sẽ được ưu tiên bố trí vốn. Ảnh minh họa

Cụ thể, về dự án đầu tư công: Ưu tiên bố trí vốn đầu tư công sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông do các bộ, ngành, địa phương (Bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh/thành phố) chủ trì phù hợp với Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông. Trong đó:

Thứ nhất, nhóm các dự án hạ tầng thông tin và truyền thông ưu tiên đầu tư do Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì, tổ chức, điều phối: Nhóm dự án hạ tầng bưu chính, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về bưu chính;

Nhóm dự án hạ tầng số, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về viễn thông;

Nhóm dự án ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin;

Nhóm dự án công nghiệp công nghệ thông tin, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ thông tin;

Nhóm dự án an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

Thứ hai, nhóm các dự án hạ tầng thông tin và truyền thông ưu tiên đầu tư do các bộ, ngành, địa phương (Bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh/thành phố) chủ trì, tổ chức, điều phối:

Nhóm dự án hạ tầng số, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về viễn thông;

Nhóm dự án ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin;

Nhóm dự án công nghiệp công nghệ thông tin, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ thông tin;

Nhóm dự án an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bao gồm cả các dự án phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

Về các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công bao gồm nhóm các dự án hạ tầng thông tin và truyền thông ưu tiên đầu tư do các doanh nghiệp thực hiện, cụ thể:

Nhóm dự án hạ tầng bưu chính;

Nhóm dự án hạ tầng số, bao gồm cả các dự án cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước về viễn thông; (3) Nhóm dự án ứng dụng công nghệ thông tin;

Nhóm dự án công nghiệp công nghệ thông tin;

Nhóm dự án an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

Trước đó, Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024.

Đối với hạ tầng số, tới năm 2025, mạng băng rộng cố định bảo đảm 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập Internet với tốc độ trung bình 01 Gb/s. Mạng băng rộng di động tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G; 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh. 100% các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo có thể truy nhập Internet với tốc độ tối thiểu 1Gb/s.

Bên cạnh đó là thực hiện triển khai, đầu tư thêm 2 - 4 tuyến cáp viễn thông quốc tế; Hình thành và triển khai các trung tâm dữ liệu quốc gia, tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia, các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng và 1 - 2 trung tâm dữ liệu khu vực phục vụ nhu cầu của các trung tâm tài chính Việt Nam và cho khu vực, quốc tế.

Tới năm 2030, hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s. Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo. Đồng thời phát triển thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế. Phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quy mô lớn theo tiêu chuẩn xanh, kết nối và chia sẻ tạo thành mạng lưới các cụm trung tâm dữ liệu nhằm thúc đẩy công nghiệp dữ liệu lớn, trong đó hình thành tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-du-an-an-toan-thong-tin-mang-an-ninh-mang-se-duoc-uu-tien-bo-tri-von-post306961.html