Các dự án điện phải dứt khoát từ chối công nghệ gây ô nhiễm
Các chuyên gia về môi trường cho rằng, nếu phát triển bằng cách xây dựng hàng loạt dự án nhiệt điện như hiện nay mà không có giải pháp quyết liệt để bảo vệ môi trường thì trong tương lai Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng.
Báo cáo về Chuyên đề Bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than (NĐT) Việt Nam của Tổng cục Môi trường nêu rõ, hiện nay các nhà máy NĐT đang cung cấp khoảng 35% tổng sản lượng điện cả nước và có chiều hướng tăng nhanh trong giai đoạn tới. Theo Quy hoạch điện VII Điều chỉnh, đến năm 2020, NĐT sẽ chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất, năm 2025 chiếm khoảng 55% và năm 2030 sẽ là 53,2%.
Tính đến thời điểm này, cả nước đang có 64 dự án NĐT, trong đó, 26 dự án đang vận hành, 15 dự án đang triển khai, 13 dự án đã xác định chủ đầu tư và 10 dự án đang tìm chủ đầu tư. Riêng 20 nhà máy NĐT hiện đang hoạt động có tổng công suất đạt 14.675MW, mức tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm, lượng tro, xỉ thải mỗi năm khoảng 15,8 triệu tấn.
Điều đáng nói là các nhà máy này chủ yếu sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống, với thông số hơi dưới đã tới hạn và cận tới hạn do nguồn than nội địa của Việt Nam sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện có chất lượng thấp.
Cũng theo báo cáo này, các nhà máy NĐT của nước ta chủ yếu sử dụng công nghệ đốt than phun (PC) và công nghệ lò tầng sôi (CFB). Trong quá trình xây dựng và vận hành, những nhà máy này sẽ phát sinh nhiều vấn đề về môi trường, cụ thể như: lượng nước thải sau làm mát lớn với nhiệt độ cao ảnh hưởng đáng kể tới hệ sinh thái; khối lượng tro, xỉ phát sinh lớn, hiện đang tồn tại ở các bãi chứa khoảng 23 triệu tấn. Trên thực tế, các nhà máy nhiệt điện chỉ mới tiêu thụ được khoảng 25 - 30% tổng lượng tro, xỉ thải ra, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ nước từ bãi thải ra môi trường, gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm.
Bên cạnh đó, những trung tâm điện lực như Vĩnh Tân, Duyên Hải đã phát sinh một số sự cố môi trường liên quan trong quá trình hiệu chỉnh thiết bị, vận hành gây ô nhiễm môi trường do khí thải từ nhà máy, bãi thải xỉ. Trong bối cảnh năng lượng tái tạo chưa phát triển, việc bảo đảm môi trường khi vận hành các nhà máy NĐT đang là bài toán khó đối với các nhà quản lý hiện nay.
Đánh giá về công tác bảo vệ môi trường của các nhà máy NĐT, ông Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho rằng, thời gian qua, nhiều nhà máy NĐT đã cố gắng cải tiến công nghệ, tăng cường công tác bảo vệ môi trường để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên trên thực tế, ô nhiễm môi trường vẫn là vấn nạn mà nước ta chưa thể giải quyết.
Vừa qua, Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 19 nhà máy NĐT, đồng thời kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình về bảo vệ môi trường đối với 4 nhà máy. Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều nhà máy còn vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường, thậm chí có nhà máy còn để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đơn cử như: tháng 4/2015, Nhà máy NĐT Vĩnh Tân 2 gây ra sự cố môi trường khi bụi phát tán trực tiếp ra môi trường tại khu vực bãi thải xỉ khô; Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí và Phả Lại trong quá trình vận hành đã để xảy ra sự cố tràn nước từ bãi xỉ ra môi trường do mưa kéo dài…
Chỉ lựa chọn những dự án đáp ứng tiêu chí bảo vệ môi trường
Trong giai đoạn vận hành ban đầu của các nhà máy NĐT, bộ phận lọc bụi tĩnh điện thường khó hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, làm phát sinh bụi, khói gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Hiện Việt Nam đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt than có nhiệt độ hơi siêu tới hạn và trên siêu tới hạn, sử dụng than nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Tài đánh giá, công nghệ này là một giải pháp tốt để bảo vệ môi trường vì nó sẽ giảm bớt việc tiêu hao nhiên liệu, từ đó giảm phát thải tro xỉ, khí thải. Để có thể lọc được bụi và tro bay một cách hiệu quả nhất, hiệu suất của nhiệt điện phải đảm bảo đạt được 99%, khi đó hàm lượng bụi sẽ giảm từ 4.900 Mg xuống còn 2.200 Mg.
Trong thời gian tới, để bảo đảm môi trường trong xây dựng, vận hành các nhà máy NĐT, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, cần cải tiến công nghệ đốt, nâng cao hiệu suất, chất lượng của các hệ thống lọc bụi tĩnh điện; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát tải lượng, nhiệt độ, nồng độ bụi SO2, NO2, CO trước khi phát tán ra môi trường. Tái sử dụng nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đã qua xử lý cho các mục đích như: phun bụi kho than, bãi thải xỉ, tưới cây để tiết kiệm nhu cầu nước sạch của nhà máy và hạn chế xả ra môi trường.
Đối với những dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cần yêu cầu chủ dự án phải có phương án tiêu thụ, xử lý tro, xỉ than đồng thời với việc xây dựng nhà máy để giảm diện tích của bãi thải xỉ… Về lâu dài, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn về môi trường đối với các nhà máy NĐT để bảo đảm phát triển bền vững. Các nhà máy cần thực hiện công khai, minh bạch những thông tin về môi trường, trong đó chủ động công khai thông tin về quy trình sản xuất, các loại chất thải phát sinh. Ngoài ra, phải có lộ trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện cũ, hiệu suất thấp; cải tạo, nâng cấp nhà máy có công nghệ lạc hậu. Đặc biệt, cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo.
Tại Hội thảo “Bảo vệ môi trường trong các dự án nhiệt điện và quy hoạch sử dụng biển giai đoạn hiện nay” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Tiêu chí bảo vệ môi trường trong các nhà máy nhiệt điện phải được đặt lên hàng đầu. Với các dự án nhà máy NĐT, bất cứ hoạt động nào, từ thi công đến vận hành đều sẽ được theo dõi sát, lấy chất lượng môi trường trước khi thi công để làm cơ sở đánh giá, có hệ thống giám sát kịp thời. Riêng với nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và Duyên Hải, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Công thương đã thống nhất sẽ xem xét giám sát từng khâu, từng công đoạn.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, xu hướng hiện nay của các nước phát triển là xây dựng năng lượng tái tạo. Điều này cũng có nghĩa là những công nghệ không thân thiện với môi trường ở đó sẽ bị đẩy sang các nước đang phát triển như Việt Nam. Trong bối cảnh này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đặt ra tiêu chí lựa chọn công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên nước, bảo đảm phải là công nghệ xanh dựa trên trình độ tiên tiến. Ngoài ra, Bộ cũng đã thống kê các công nghệ hiện nay. Hầu hết các công nghệ lạc hậu sẽ được đưa vào danh mục các dự án cần giám sát đặc biệt, sắp tới sẽ công bố danh mục này dựa trên đánh giá công nghệ, tiêu chí thân thiện môi trường.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới Chính phủ sẽ xem xét lựa chọn công nghệ hiện đại để đảm bảo hiệu quả đầu tư, thân thiện với môi trường; đồng thời sẽ tính đến phương án tái chế, tái sử dụng xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện để làm vật liệu xây dựng.
Còn đối với hoạt động của các dự án khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để xem xét kỹ lưỡng, nhất là vấn đề công nghệ, công tác bảo vệ môi trường trước khi tham mưu Chính phủ cho phép có đầu tư dự án hay không. Về nguyên tắc, các phương án đầu tư sẽ được lựa chọn trên cơ sở đánh giá tổng thể, đánh giá trình độ công nghệ và ý kiến tham gia của các địa phương liên quan đến dự án.