Các dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã phát gần 2,6 tỷ kWh điện
Đến ngày 23/5, có 81/85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất hơn 4.500 MW gửi hồ sơ đàm phán giá và 29 dự án đã phát điện lên lưới với công suất 1.577 MW.
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến ngày 23/5, có 81/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp (điện mặt trời, điện gió) với tổng công suất hơn 4.597 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện.
Trong đó, có 72 dự án với tổng công suất 4.128 MW đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 của Bộ Công Thương, tương đương 754-908 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tùy loại nguồn điện mặt trời hoặc điện gió.
Chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 63/72 dự án. Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 63 dự án với tổng công suất hơn 3.429 MW.
Có 29 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất hơn 1.577 MW đã hoàn thành thủ tục công nhận vận hành thương mại (COD), phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 23/5 đạt gần 2,6 tỷ kWh.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 85 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 4.600 MW đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại. Điều này khiến các dự án không kịp hưởng giá điện cố định (FIT) vào cuối nâm 2020, phải đàm phán giá điện với EVN theo khung giá Bộ Công Thương ban hành.
Đến nay, có 32 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình, 37 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy, 41 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Sau hơn một năm, vẫn còn 4 dự án với tổng công suất hơn 136 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán giá điện. Các dự án này không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm và phải đàm phán với EVN theo khung giá phát điện của Bộ Công Thương đưa ra với giá thấp hơn 20-30% so với trước đây.