Các dự án đường bộ áp cơ chế đặc thù sẽ được triển khai như thế nào?
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 16 triển khai Nghị quyết 106 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Theo Nghị quyết 16, UBND các tỉnh Thái Bình, Cao Bằng chịu trách nhiệm trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình; dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư với tỷ lệ vốn nhà nước lần lượt không quá 80% và 70%.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường bộ tại điều 3 của nghị quyết, trước ngày 15/2, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất giao cơ quan chủ quản để tổng hợp, trình Thủ tướng.
Từ đó, Chính phủ sẽ ban hành quyết định cá biệt giao UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với các dự án tại Phụ lục II.
Đồng thời, giao một UBND cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công đối với các dự án tại Phụ lục III của Nghị quyết số 106.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu: "Bảo đảm năng lực hoạt động xây dựng của cơ quan, tổ chức và năng lực hành nghề hoạt động xây dựng của các cá nhân tham gia thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng như đã cam kết. Bố trí toàn bộ kế hoạch vốn để thực hiện các dự án theo quy định để hoàn thành các dự án, dự án thành phần đúng tiến độ".
Trường hợp phát sinh các yếu tố làm tăng quy mô, tổng mức đầu tư dự án, địa phương chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác (đối với phần tăng thêm) để triển khai hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã cam kết.
Các địa phương này chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo trì đối với tuyến đường bộ trong quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Đối với các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư tại Phụ lục II, Phụ lục III của nghị quyết, sau khi được Thủ tướng giao làm cơ quan chủ quản, các địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư trong thời gian nghị quyết có hiệu lực.
Là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án, các địa phương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí; chịu trách nhiệm về đề xuất Thủ tướng quyết định giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản.
Để bám sát quá trình thực hiện, Thủ tướng yêu cầu theo dõi, đánh giá, giám sát kết quả thực hiện theo lĩnh vực quản lý; báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm kể từ ngày Nghị quyết số 106 có hiệu lực. Bên cạnh đó, báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 106 trước tháng 8/2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.
"Khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "xin-cho", gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực đối với người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp; trì trệ, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, khả thi, đồng bộ.
Các tỉnh được phân cấp căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, hướng dẫn nhà thầu thi công, tự lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông đối với mỏ cát, sỏi lòng sông nằm ở đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nhà thầu thi công chịu trách nhiệm đối với kết quả đánh giá.
7 dự án giao địa phương làm chủ đầu tư (Phụ lục II):
Dự án đủ thủ tục đầu tư:
- Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành
Dự án chưa đủ thủ tục đầu tư:
- Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La.
- Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
- Dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang.
- Dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu - Dự án 1: (Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C, đoạn qua địa phận TP Cần Thơ và đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua TP Cần Thơ).
- Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 26B, tỉnh Khánh Hòa.
- Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước.
Phụ lục III
Danh mục dự án đường bộ qua các địa phương giao một địa phương làm cơ quan chủ quản
Các dự án đủ thủ tục đầu tư:
- Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
- Dự án xây dựng tuyến đường TP Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối Na Hang, Tuyên Quang.
- Dự án xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.
- Dự án cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu.
- Dự án mở rộng đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến Long An
- Dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng
- Dự án cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông - Tây và cầu Gành Hào
- Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1
- Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (giai đoạn 1).
Các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư:
- Dự án cầu Đình Khao nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre theo hình thức đối tác công - tư.
- Dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang.
- Dự án mở rộng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.
- Dự án cầu Cửa Đại thuộc tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang.
- Dự án cầu Cổ Chiên 2, kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh.