Các dự án mở đường nghìn tỷ ở Bình Dương được đưa vào sử dụng trong năm 2024
Các dự án giao thông trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội tại tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2024, gồm Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; đường Tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng; Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746; Cầu Bạch Đằng 2.
Một trong những dự án giao thông quan trọng kết nối với TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên là Nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 13.
Quốc lộ 13 đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài hơn 60km được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã được đưa vào khai thác nhiều năm qua với quy mô 6 làn xe.
Tuy nhiên, gần đây, với tốc độ tăng trưởng và đô thị hóa quá nhanh, tuyến Quốc lộ 13 bị quá tải, nhất là đoạn cửa ngõ tiếp giáp giữa Bình Dương với TPHCM. Từ đó, Bình Dương thực hiện dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 thêm 2 làn xe (mở rộng về bên phải, hướng từ TPHCM đi Bình Dương) để tuyến đường đạt quy mô 8 làn xe, nền đường rộng 40,5m.
Từ tháng 4/2022, Bình Dương mở rộng đoạn Quốc lộ 13 từ giáp TPHCM đến đường Lê Hồng Phong (giáp TP Thủ Dầu Một) dài gần 13km. Từ nút giao đại lộ Tự Do đến đường Lê Hồng Phong sẽ giao với đường Vành đai 3 TPHCM.
Việc Bình Dương mở rộng Quốc lộ 13 lên 8 làn xe sẽ cộng hưởng với các dự án vành đai và cao tốc, tạo sức ảnh hưởng và mang lại hiệu quả cao nhất. Tổng kinh phí dự án này là gần 1.400 tỷ đồng.
Dự án tiếp theo là đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng được chia thành 4 dự án thành phần với tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng. Tuyến đường sau khi đưa vào sử dụng sẽ nâng cao hiệu quả khai thác và phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của 3 huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung.
Khi toàn tuyến đi vào hoạt động sẽ kết nối các tuyến giao thông chính, như: ĐT.746, ĐT.741, ĐT.750, ĐH.502, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh Bình Dương theo định hướng quy hoạch của tỉnh và Chính phủ.
Điểm đầu của tuyến đường đặt tại ngã 3 Tân Thành với đường ĐT.746 (cách trụ sở UBND xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên khoảng 100m). Điểm cuối tuyến đặt tại thị trấn Lai Uyên (huyện Bàu Bàng). Đoạn qua huyện Bắc Tân Uyên dài 9,32km, đoạn qua huyện Phú Giáo dài 29,38km và đoạn qua huyện Bàu Bàng dài 8,648km với tổng chiều dài toàn tuyến gần 48 km, quy mô 6 làn xe. Dự án khởi công từ năm 2021.
Tiếp theo là dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 có chiều dài tuyến 11,4 km, điểm đầu tại ngã ba xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên và điểm cuối tại ngã ba phường Hội Nghĩa, thành phố Tân Uyên. Đây là tuyến huyết mạch dẫn vào Khu công nghiệp VSIP III, kết nối đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và tuyến đường Vành đai 4 TPHCM.
Đường được thiết kế tốc độ 80 km/h cho các đoạn ngoài đô thị và 50 - 60 km/h cho những đoạn qua đô thị. Chiều rộng nền đường là 38m với 6 làn xe, dải phân cách giữa, dải an toàn và lề đường lát gạch vỉa hè cho đoạn qua đô thị. Đoạn ngoài đô thị đắp kết cấu sỏi đỏ dày 25 cm.
Tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ vốn ngân sách, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 866 tỷ đồng, còn lại là chi phí xây lắp. Dự án khởi công vào cuối năm 2022.
Một trong những dự án giao thông quan trọng kết nối tỉnh Bình Dương và Đồng Nai là dự án cầu vượt sông Đồng Nai mang tên cầu Bạch Đằng 2. Cầu Bạch Đằng 2 có tổng chiều dài 945,81m, điểm đầu trùng với điểm cuối dự án Xây dựng đường dẫn vào cầu phía Bình Dương, điểm cuối giao với tuyến đường Hương Lộ 7 phía Đồng Nai. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 490 tỷ đồng. Dự án khởi công vào ngày 30/12/2021.
Cầu Bạch Đằng 2 có ý nghĩa quan trọng trong kết nối vùng. Người dân Bình Dương có thể di chuyển gần tới sân bay Long Thành.
Ngoài các dự án kể trên, trong năm 2024, tỉnh Bình Dương triển khai các bước để đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng, khác gồm: Dự án đường ven sông Sài Gòn; Nút giao Sóng Thần; Nâng cấp mở rộng đường An Bình, kết nối cầu vượt Sóng Thần; Xây dựng hầm chui tại nút giao Ngã năm Phước Kiến; Cảng An Tây; Cảng An Sơn.