Các dự án trọng điểm ở Bình Dương gặp khó giải phóng mặt bằng, tái định cư
Mặc dù đã bố trí đủ nguồn vốn để triển khai các dự án, nhưng tiến độ các dự án trọng điểm ở Bình Dương đang gặp khó giải phóng mặt bằng...
Năm 2026 hoàn thành đường Vành đai 3, Vành đai 4
Ngày 28/3, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương đang dồn lực triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều dài 26,06km; trong đó, đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km đã được xây dựng với quy mô 6 làn xe ô tô, đoạn chưa đầu tư dài 10,76km.
Đoạn qua địa bàn tỉnh chia thành 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 5 (xây lắp) có chiều dài xây dựng 11,43km (nút giao Tân Vạn dài 2,53km, đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn kể cả cầu Bình Gởi dài 8,9km); Dự án thành phần 6 (giải phóng mặt bằng) có chiều dài thực hiện đền bù 10,76km2.
Dự án thành phần 5 đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn xong 11 nhà thầu lập thiết kế kỹ thuật - dự toán; đang thực hiện công tác khảo sát, lập trình, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán.
Dự án thành phần 6 cơ bản hoàn thành nhiệm vụ so với kế hoạch và mốc tiến độ đạt yêu cầu, đã hoàn thành bàn giao mốc GPMB ngoài thực địa, đang kiểm kê đo đạc ngoài thực địa.
Đến nay, tỉnh đã ban hành thông báo thu hồi đất đạt 99%. Hiện, UBND TP Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, TP Dĩ An đã và đang trình thẩm định đơn giá đất theo quy định. Dự kiến ngày 15/6 sẽ khởi công dự án; thi công cơ bản hoàn thành, thông xe tuyến chính cao tốc trong năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Dự án Xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có điểm đầu tuyến là cầu Thủ Biên, điểm cuối tuyến là sông Sài Gòn, tổng chiều dài tuyến khoảng 48,3km.
Các đoạn tuyến đã đầu tư có chiều dài 22,64km, gồm 4 đoạn: Đoạn cầu Thủ Biên - Đất Cuốc dài 12,96km; đoạn qua Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP) IIA dài 1,36km, đoạn từ KCN Mỹ Phước 3 - cầu Thới An dài 6,76km; đoạn cầu Thới An - ĐT748 dài 1,56km.
Các đoạn tuyến chưa đầu tư có chiều dài 25,66km, gồm 03 đoạn: Đoạn Đất Cuốc đến đường ĐT742, dài 14,53km; đoạn từ KCN VSIP IIA - KCN Mỹ Phước 3 dài 4,07km; đoạn đường ĐT748 - sông Sài Gòn, dài 7,06km.
Đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn theo hình thức PPP.
Cụ thể, giai đoạn 1: đoạn từ cầu Thủ Biên - Đất Cuốc (dài khoảng 12,96km) thực hiện đầu tư 4 làn xe cao tốc đầy đủ và đường song hành hai bên (hiện hữu); đoạn Đất Cuốc đến đường ĐT742 (dài khoảng 14,53km) thực hiện GPMB quy mô 74,5m, đầu tư 04 làn xe cao tốc và đường song hành 2 bên tại khu vực có dân cư; đoạn từ ĐT742 đến cầu Thới An (dài khoảng 12,2km) giữ nguyên hiện trạng các đoạn đã được đầu tư (lộ giới 62m, 10 làn xe); đối với đoạn từ KCN VSIP IIA - KCN Mỹ Phước 3 dài khoảng 4,07km, thực hiện GPMB với quy mô 62m, đầu tư đồng bộ theo các đoạn đã đầu tư trước đây (quy mô 10 làn xe); đoạn từ cầu Thới An đến sông Sài Gòn (dài khoảng 8,62km) thực hiện GPMB quy mô 74,5m, đầu tư 04 làn xe cao tốc và đường song hành tại khu vực có dân cư.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.331 tỷ đồng (trong đó chi phí GPMB khoảng 8.667 tỷ đồng, chi phí xây dựng và các chi phí khác là 11.664 tỷ đồng). Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2026.
Giai đoạn 2, đầu tư hoàn thiện 8 làn xe cao tốc hoàn chỉnh theo quy hoạch (riêng đoạn từ ĐT742 đến cầu Thới An dài 12,2km) đầu tư 4 - 6 làn xe cao tốc đầy đủ trên cao theo quy mô mặt bằng hiện trạng.
Khó khăn trong định giá đất bồi thường, tái định cư
Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành gồm: Đoạn nối cao tốc dài khoảng 8,8km từ cầu Gò Dưa đến đường Vành đai 3 và đoạn cao tốc dài khoảng 60,4km.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án. UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo hình thức PPP.
Giai đoạn 1, đoạn thuộc tỉnh Bình Dương dài 0,35km do tỉnh Bình Dương thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh Bình Dương với quy mô đầu tư đường đô thị, 8 làn xe. Đoạn cao tốc từ cầu Khánh Vân đến ranh tỉnh Bình Phước (dài khoảng 45,6km) GPMB quy mô lộ giới 60m; đầu tư 4 làn xe cao tốc đầy đủ và đường song hành qua các vị trí dân cư; chi phí đầu tư khoảng 16.196 tỷ đồng (trong đó GPMB khoảng 7.388 tỷ, chi phí xây dựng và các chi phí khác khoảng 8.808 tỷ).
Giai đoạn 2, đoạn dẫn cao tốc từ đường Độc Lập - Vành đai 3 thực hiện một số giải pháp kỹ thuật trên tuyến như xây dựng cầu vượt - hầm chui trên các đường ngang, đường nhánh, hạn chế giao cắt nhằm nâng tốc độ khai thác đoạn tuyến này lên tốc độ 80km/h. Đoạn cao tốc từ đường Vành đai 3 đến tỉnh Bình Phước đầu tư đường cao tốc hoàn thiện với quy mô 06 làn xe cao tốc, 02 làn dừng khẩn cấp, bao gồm các nút giao.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, mặc dù đã bố trí đủ nguồn vốn để triển khai các dự án nhưng tiến độ triển khai các dự án đang gặp khó khăn trong công tác xác định giá đất bồi thường GPMB; xây dựng các khu tái định cư tại địa bàn Thuận An, Dĩ An.
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sáng 28/3, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng, các dự án trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là các tuyến đường Vành đai 3, 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành cần thực hiện tốt chính sách tái định cư, đền bù giải tỏa.
“Đến tháng 6/2023, phải thông qua kế hoạch chỉnh trang đô thị trên địa bàn tỉnh, nhất là tại địa bàn các thành phố; Rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các dự án tái định cư trên địa bàn tỉnh; giải quyết dứt điểm các dự án có nhiều khiếu kiện kéo dài. Phấn đấu trong tháng 6 phải khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, cuối năm 2023 khởi công đường Vành đai 4, đầu năm 2024 khởi công đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành”, ông Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo.