Các 'gã khổng lồ' công nghệ cạnh tranh gay gắt vì kho nội dung phục vụ lĩnh vực AI

Các 'gã khổng lồ' công nghệ đang cạnh tranh để có được kho nội dung khổng lồ cần thiết nhằm đào tạo trí tuệ nhân tạo.

Biểu tượng Microsoft. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng Microsoft. Ảnh: AFP/TTXVN

Giám đốc điều hành công ty phần mềm Microsoft Satya Nadella cho biết, các "gã khổng lồ" công nghệ đang cạnh tranh để có được kho nội dung khổng lồ cần thiết nhằm đào tạo trí tuệ nhân tạo và phàn nàn rằng Google đang khóa nội dung bằng các thỏa thuận đắt tiền và độc quyền với các nhà phân phối sản phẩm.

Làm chứng trong một phiên tòa mang tính bước ngoặt của Mỹ chống lại đối thủ Google, vụ kiện chống độc quyền lớn đầu tiên do Mỹ đưa ra kể từ khi kiện Microsoft vào năm 1998, ông Nadella đã làm chứng cho những nỗ lực của các tập đoàn công nghệ khổng lồ trong việc xây dựng thư viện nội dung để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn của họ.

Các thỏa thuận phân phối là cốt lõi trong cuộc chiến chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ đối với Google. Chính phủ nói rằng Google, hiện chiếm khoảng 90% thị trường công cụ tìm kiếm, đã chi trả bất hợp pháp 10 tỷ USD hàng năm cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Apple và các nhà mạng không dây như AT&T và các hãng khác để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên thiết bị của họ. Sức ảnh hưởng trong lĩnh vực tìm kiếm khiến Google trở thành "kẻ tấn công" nặng nề trên thị trường quảng cáo béo bở, thúc đẩy lợi nhuận của công ty này.

Ông Nadella cho biết, việc xây dựng trí tuệ nhân tạo cần có sức mạnh tính toán hoặc máy chủ và dữ liệu để đào tạo phần mềm. Ông nói rằng sẽ "có vấn đề" nếu các công ty khác đạt được thỏa thuận độc quyền với các nhà sản xuất nội dung lớn.

Ông Nadella cũng làm chứng rằng Microsoft đã tìm cách đặt công cụ tìm kiếm Bing của mình làm công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại thông minh iPhone do Apple sản xuất nhưng đã bị từ chối.

Trong khi đó, ông John Schmidtlein, luật sư trưởng của Google, lập luận rằng Microsoft đã mắc một loạt sai sót chiến lược khiến Bing không thể có được chỗ đứng, bao gồm cả việc không đầu tư vào máy chủ hoặc kỹ sư để cải thiện Bing và không nhận thấy được cuộc cách mạng di động. Ông Schmidtlein cũng cho biết, thành công của Microsoft trong việc trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên một số mẫu điện thoại như Verizon năm 2008, BlackBerry và Nokia năm 2011 - đã kết thúc với kết quả tương tự: người dùng bỏ qua Bing và thực hiện phần lớn tìm kiếm của họ trên Google.

Trên máy tính xách tay, hầu hết sử dụng hệ điều hành Microsoft, Bing là công cụ tìm kiếm mặc định và có thị phần dưới 20%.

Nadella trở thành CEO của Microsoft vào năm 2014, rất lâu sau khi "gã khổng lồ" công nghệ này phải đối mặt với vụ kiện chống độc quyền liên bang. Cuộc tranh chấp tại tòa án khi đó kết thúc bằng một thỏa thuận được giải quyết năm 2001, đã buộc Microsoft phải chấm dứt một số hoạt động kinh doanh và mở ra cơ hội cho các công ty như Google.

Khi Google, được thành lập vào năm 1998, trở thành công cụ tìm kiếm hàng đầu trong ngành, cả hai công ty trở thành đối thủ lớn của nhau. Cả hai đều có trình duyệt, công cụ tìm kiếm, dịch vụ email và một loạt tính năng trùng lặp khác. Gần đây, họ đã trở thành đối thủ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, với việc Microsoft đầu tư mạnh vào OpenAI và Google xây dựng chatbot Bard AI cùng các khoản đầu tư khác./.

Minh Trang (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-ga-khong-lo-cong-nghe-canh-tranh-gay-gat-vi-kho-noi-dung-phuc-vu-linh-vuc-ai/309932.html