Các 'gã khổng lồ' công nghệ Trung Quốc đổ bộ vào Hàn Quốc

Xiaomi, Alibaba, Huawei và loạt ông lớn công nghệ Trung Quốc đang tăng tốc đầu tư vào Hàn Quốc. Sự trỗi dậy ồ ạt này khiến giới công nghiệp Hàn cảnh giác về nguy cơ đánh mất 'chủ quyền công nghệ'.

Gian hàng của Alibaba tại hội chợ xuất nhập khẩu ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 15/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Gian hàng của Alibaba tại hội chợ xuất nhập khẩu ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 15/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Thời báo Hàn Quốc (koreatimes.co.kr), trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, một làn sóng đầu tư mới từ các “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc đang đổ bộ mạnh mẽ vào Hàn Quốc – một cường quốc công nghiệp và công nghệ lâu đời. Không chỉ dừng lại ở thương mại điện tử, các doanh nghiệp này đang mở rộng sự hiện diện trên nhiều lĩnh vực, từ thiết bị điện tử, điện toán đám mây, đến cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và thậm chí là ngành bán dẫn. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Liệu Hàn Quốc có thể giữ vững "chủ quyền công nghiệp" trước dòng vốn và chiến lược sắc bén từ các đối thủ láng giềng?

Từ cửa hàng bán lẻ đến hệ sinh thái công nghệ

Động thái gần đây nhất là việc Xiaomi, thương hiệu thiết bị gia dụng và điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc, tuyên bố mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Seoul. Tọa lạc tại trung tâm thương mại sầm uất IFC Mall, cửa hàng không chỉ là nơi trưng bày và bán hơn 260 sản phẩm (bao gồm điện thoại thông minh Xiaomi 15 và Smart Band 10) mà còn tích hợp dịch vụ sửa chữa và bảo trì ngay tại chỗ.

Andrew Li, Tổng giám đốc khu vực Đông Á của Xiaomi, nhấn mạnh rằng Hàn Quốc có “ý nghĩa chiến lược” trong kế hoạch mở rộng bán lẻ của hãng. Mục tiêu cốt lõi của Xiaomi là xây dựng một hệ sinh thái kết nối “con người, ô tô và nhà cửa”, và cửa hàng mới này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn đó. Việc mở cửa hàng đầu tiên sau khi thành lập công ty con tại Hàn Quốc vào tháng 1 cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Xiaomi trong việc chinh phục thị trường đầy tiềm năng này. Tổng giám đốc Xiaomi Hàn Quốc Jony Wu cũng khẳng định sẽ mở thêm nhiều cửa hàng khác trên khắp Hàn Quốc.

Không chỉ riêng Xiaomi, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc khác cũng đang đẩy mạnh hoạt động tại Hàn Quốc.

Về điện toán đám mây: Tuần trước, Alibaba Cloud, một đơn vị của Tập đoàn Alibaba, tuyên bố sẽ mở trung tâm dữ liệu thứ hai tại Hàn Quốc. Dù không tiết lộ chi tiết về quy mô đầu tư, động thái này cho thấy nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp Hàn Quốc đối với dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) và tầm nhìn chiến lược của Alibaba đối với thị trường này.

Về thiết bị gia dụng: Dù Hàn Quốc là quê hương của những thương hiệu lớn như Samsung và LG, Roborock – công ty nhà thông minh Trung Quốc – vẫn đang thống trị thị trường máy hút bụi robot với thị phần đáng kinh ngạc, gần 50%. Công ty này đang nỗ lực củng cố vị thế dẫn đầu bằng cách mở thêm các cửa hàng chính hãng và ra mắt sản phẩm mới.

Về cơ sở hạ tầng CNTT: Huawei đang từng bước mở rộng sự hiện diện trong lĩnh vực thiết bị trung tâm dữ liệu. Công ty này được cho là đã hoàn thành chứng nhận của Cơ quan nghiên cứu vô tuyến quốc gia cho bốn loại bộ chỉnh lưu, một thiết bị thiết yếu cho cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu, và đang tham gia đấu thầu với mức giá thấp hơn 20% so với đối thủ cạnh tranh.

Những tín hiệu đáng lo ngại

Dòng vốn và sự mở rộng của các công ty công nghệ Trung Quốc không phải lúc nào cũng được đón nhận một cách dễ dàng. Một số sự việc gần đây đã dấy lên mối lo ngại về khả năng duy trì chủ quyền của các ngành công nghiệp nội địa Hàn Quốc.

Trong ngành bán dẫn, công ty không có nhà máy sản xuất Zinitix của Hàn Quốc đang vướng vào một cuộc tranh chấp quyền quản lý. Cổ đông lớn nhất của họ, Halo Microelectronics có trụ sở tại Trung Quốc, hiện nắm giữ 34,32% cổ phần và đang tìm cách thay thế ban lãnh đạo, bổ nhiệm công dân Trung Quốc vào hội đồng quản trị.

Tương tự, gã khổng lồ trò chơi Nexon cũng dính vào tin đồn về khả năng bị Tencent mua lại. Mặc dù Tencent đã phủ nhận, sự việc này cho thấy mối lo ngại sâu sắc trong ngành về việc một trong những nhà phát triển game hàng đầu của Hàn Quốc có thể rơi vào tay Trung Quốc.

Trước đó, lĩnh vực thương mại điện tử đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền tảng Trung Quốc như AliExpress và Temu. Theo dữ liệu từ Wiseapp, hai ứng dụng này lần lượt trở thành ứng dụng mua sắm lớn thứ hai và thứ tư tại Hàn Quốc vào tháng 2 năm nay, trong khi các đối thủ nội địa như 11street và Gmarket lại ghi nhận lượng người dùng trung bình hàng tháng sụt giảm.

Một quan chức trong ngành của Hàn Quốc đã bày tỏ quan ngại: “Các công ty công nghệ Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện của họ trên khắp cơ sở hạ tầng, dịch vụ và bán lẻ thông qua việc mở cửa hàng và đầu tư”. Ông cũng nhấn mạnh rằng đã đến lúc Hàn Quốc cần cân nhắc các biện pháp để tránh lặp lại "kịch bản tương tự đã diễn ra trong lĩnh vực thương mại điện tử".

Có thể thấy, sự hiện diện của các công ty Trung Quốc không chỉ đơn thuần là đầu tư. Với nguồn vốn mạnh và chiến lược giá cạnh tranh, họ đang tạo ra một sức ép lớn, buộc các doanh nghiệp Hàn Quốc phải tìm cách thích ứng và đổi mới để bảo vệ vị thế của mình trên sân nhà.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-ga-khong-lo-cong-nghe-trung-quoc-do-bo-vao-han-quoc-20250630164951568.htm