Các gia đình đã có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ con, em

Đây là tín hiệu tích cực trong báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em vừa được Sở Tư pháp Hà Nội ban hành.

Theo Sở Tư pháp Hà Nội, từ khi Luật Trẻ em được ban hành, việc phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua các đạo luật liên quan đến trẻ em đã được Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội chú trọng triển khai. Trong 5 năm qua (từ 2015-2019) đã có khoảng 150 hội nghị tập huấn bồi dưỡng kỹ năng kiến thức cho khoảng hơn 30 nghìn lượt người bao gồm thanh thiếu niên, cho giáo viên dạy giáo dục công dân các trường THPT, THCS, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, hội viên hội phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số.... trên địa bàn TP.

Sở Tư pháp cũng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và các nội dung pháp luật có liên quan trên phương tiện thông tin đại chúng như báo PL&XH… Nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên địa bàn như thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” trên địa bàn TP Hà Nội thu hút 924.783 bài dự thi (trong đó có hơn 200.000 trên tổng số 924.783 bài dự thi là người dưới 18 tuổi).

Cùng với đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp ngoài thực hiện tư vấn pháp luật trực tiếp tại trụ sở còn tăng cường thực hiện tư vấn pháp luật tại các trường học, các địa bàn dân cư nơi thường xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em như: Huyện Ba Vì, huyện Chương Mỹ, huyện Hoài Đức. Các Chi nhánh của Trung tâm có trụ sở tại 11 quận, huyện trên địa bàn TP luôn chủ động nắm bắt tình hình nhanh chóng tham gia trợ giúp pháp lý khi có bất kỳ trường hợp xâm hại trẻ em nào xảy ra trên địa bàn.

Điển hình như vụ án Cao Mạnh Hùng dâm ô trẻ em ở quận Hoàng Mai, thầy giáo Nguyễn Đình Lê dâm ô học sinh ở huyện Hoài Đức. Từ tháng 8-2016 đến tháng 6-2019, Trung tâm đã cử trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 225 trường hợp trẻ em bị xâm hại. Với đối tượng được trợ giúp pháp lý là trẻ em bị xâm hại Trung tâm luôn bố trí các trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là luật sư có kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý trẻ em để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em bị xâm hại.

Cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” trên địa bàn TP Hà Nội đã thu hút hơn 200.000 bài dự thi của người dưới 18 tuổi, trong đó nhiều em đã đạt giải cao. Qua việc tham gia cuộc thi, các em có dịp tìm hiểu các kiến thức, quy định của pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em. (Ảnh minh họa)

Cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Hình sự năm 2015” trên địa bàn TP Hà Nội đã thu hút hơn 200.000 bài dự thi của người dưới 18 tuổi, trong đó nhiều em đã đạt giải cao. Qua việc tham gia cuộc thi, các em có dịp tìm hiểu các kiến thức, quy định của pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em. (Ảnh minh họa)

Việc giải quyết nuôi con nuôi được ngành tư pháp tham mưu cho UBND TP giải quyết theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi của trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em được nhận làm con nuôi. Trong 5 năm triển khai thi hành, TP Hà Nội đã đăng ký nuôi con nuôi trong nước là 786 trẻ em và đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là 219 trẻ em, công tác giải quyết nuôi con nuôi trong nước trên địa bàn TP đã đạt những kết quả nhất định về số lượng, công tác nuôi con nuôi trong nước giữ mức độ ổn định.

Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ, quyết liệt của các ngành, các cấp, trong đó có đóng góp của công tác tuyên truyền, Sở Tư pháp cho biết, nhận thức của người dân về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em đã được nâng lên một bước, các gia đình có ý thức cao hơn về việc bảo vệ con, em mình trước nguy cơ xâm hại tình dục.

Phát huy những kết quả đạt được, đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nhận thức của người dân trong phòng, chống xâm hại trẻ em, công tác tuyên truyền tiếp tục được Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và triển khai thường xuyên trong thời gian tới.

Nguyên An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cac-gia-dinh-da-co-y-thuc-cao-hon-trong-viec-bao-ve-con-em-160300.html