Các gia tộc siêu giàu tăng đầu tư chống biến đổi khí hậu

Các gia tộc giàu có nhất thế giới đang đẩy mạnh đầu tư cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu bằng cách phân bổ hàng nghìn tỉ đô la Mỹ vào các tài sản bền vững gồm năng lượng tái tạo như điện gió và điên mặt trời.

Các văn phòng đầu tư gia đình, nơi quản lý tài sản của các cá nhân siêu giàu, đang phân bổ tiền nhiều hơn vào các khoản đầu tư bền vững, chú trọng yếu tố ESG. Ảnh: moghrabi

Các văn phòng đầu tư gia đình, nơi quản lý tài sản của các cá nhân siêu giàu, đang phân bổ tiền nhiều hơn vào các khoản đầu tư bền vững, chú trọng yếu tố ESG. Ảnh: moghrabi

Rebecca Gooch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Deloitte Private, đơn vị tư vấn doanh nghiệp gia đình của hãng kiểm toán Deloitte, cho biết trên toàn cầu, gần một nửa số văn phòng gia đình, nơi quản lý tài sản của những người siêu giàu, đang đầu tư vào sự bền vững.

“Biến đổi khí hậu là một vấn đề có quy mô lớn đến mức nhiều nhà đầu tư bền vững nhận ra rằng, vấn đề này không thể giải quyết một cách hiệu quả nếu chỉ dựa vào các chính phủ, vì vậy, đòi hỏi phải huy động nguồn lực tư nhân”, Gooch giải thích.

Bà nói, điều đó có nghĩa là nhiều văn phòng gia đình, nắm giữ hàng nghìn tỉ đô la Mỹ đang tìm cách bù đắp phát thải carbon. Điện gió và điện mặt trời là những khoản đầu tư hấp dẫn nhất, tiếp theo là địa nhiệt, năng lượng sóng và nhiên liệu sạch hydro.

Theo nghiên cứu của Liên minh Đầu tư bền vững toàn cầu (GSIA), lĩnh vực bền vững đang phát triển nhanh chóng với 30,3 nghìn tỉ đô la phân bổ vào các tài sản bền vững trên khắp thế giới.

Giá cổ phiếu của các công ty năng lượng sạch phục hồi trong tháng qua sau khởi đầu tồi tệ trong năm nay do lãi suất cao và mối lo ngại về việc ứng viên Tổng tống đảng Cộng hòa Donald Trump, người hoài nghi về biến đổi khí hậu, sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm. Một số nhà đầu tư lo, nếu trở lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ loại bỏ các khoản trợ cấp và giảm thuế cho năng lượng sạch trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được Tổng thống Joe Biden ban hành năm 2022.

Kể từ ngày 10-5, Chỉ số năng lượng sạch toàn cầu của S&P, theo dõi cổ phiếu của 100 công ty trên toàn cầu, bao gồm các nhà sản xuất tuốc pin gió và tấm pin mặt trời, tăng nhanh hơn so với Chỉ số ngành năng lượng trên thị trường chung toàn cầu của S&P, theo dõi cổ phiếu của các nhà sản xuất nhiên liệu họa thạch gồm Shell và TotalEnergies, tới 12 điểm phần trăm.

Theo nghiên cứu của ngân hàng Barclays, các quỹ đầu tư môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng chứng kiến dòng vốn chảy ròng vào vào tháng 5, lần đầu tiên hút ròng sau 6 tháng. Các quỹ này được rót thêm 1,5 tỉ đô la trong tháng trước.

Nghiên cứu của ngân hàng UBS đối với 320 văn phòng đầu tư gia đình, kiểm soát tài sản hơn 600 tỉ đô la, cho thấy giới siêu giàu đang ngày càng cân nhắc tính bền vững khi đánh giá triển vọng hoạt động kinh doanh dài hạn.

Theo báo cáo về văn phòng đầu tư gia đình toàn cầu của UBS, công bố hồi tháng 5, hơn một nửa (57%) trong số 246 văn phòng được hỏi cho biết biết tính bền vững là một yếu tố trong các quyết định kinh doanh

“Ngày nay, nhiều văn phòng đầu tư gia đình coi tính bền vững là yếu tố then chốt cho cả danh mục đầu tư và hoạt động kinh doanh của họ”, Benjamin Cavalli, người đứng đầu bộ phận khách hàng chiến lược của UBS Global Wealth Management nói.

Một báo cáo khác về văn phòng gia đình của Deloitte Private chỉ ra rằng, 46% văn phòng đầu tư gia đình trên toàn thế giới hiện tham gia đầu tư bền vững, tăng từ 42% vào năm 2021.

Báo cáo này khảo sát 354 văn phòng gia đình trên toàn cầu từ tháng 9 đến tháng 12-2023. Theo báo cáo, châu Âu đang dẫn đầu về đầu tư bền vững với 57% văn phòng gia đình trong khu vực hiện tham gia đầu tư lĩnh vực nà, tiếp theo là châu Á-Thái Bình Dương (52%).

Ngược lại, các văn phòng gia đình ở Bắc Mỹ đang thu hẹp quy mô, với 26% tham gia đầu tư bền vững, giảm từ mức 34% vào năm 2021. Điều này có thể là do nhà đầu tư đánh giá các khoản đầu tư bền vững mang lại lợi nhuận thấp hơn so với các lựa đầu tư truyền thống.

Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý tài sản nhấn mạnh rằng, ủng hộ chống biến đổi khí hậu và tính bền vững đã trở thành một chiến lược đầu tư chủ đạo. Các quỹ ESG đang mang lại hiệu suất lợi nhuận ngang ngửa với các các quỹ truyền thống.

“Mọi người nhận thức rõ hơn rằng biến đổi khí hậu là một rủi ro toàn cầu lớn trong dài hạn và đây có thể là một trong những rủi ro chính đối với nhà đầu tư”, John Roe, người đứng đầu quỹ đa tài sản của Legal & General Investment Management (LGMI), một trong những quỹ quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, nói. Trong những năm gần đây, LGIM đã ra mắt một số quỹ ESG.

Các công ty quản lý tài sản khác, chẳng hạn như M&G Investments (Anh) cũng đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bền vững. Công ty này đã thực hiện một loạt khoản đầu tư bền vững, gồm khoản đầu tư 30 triệu bảng vào Công ty xây dựng nhà ở bền vững Greencore (Anh) hồi tháng 3. Greencore đang đặt mục tiêu xây dựng 10.000 ngôi nhà phát thải carbon thấp.

Dù vậy, lĩnh vực bền vững hiện đối mặt với nhiều thách thức. Các công ty quản lý tài sản và quỹ ESG có thể bị kiện nếu đưa ra những tuyên bố sai lệch hoặc gây hiểu lầm về lợi ích môi trường từ sản phẩm của họ, Gooch của Deloitte cảnh báo.

Tuy nhiên, Gooch nhấn mạnh, xu hướng hướng tới các sản phẩm bền vững hơn có thể sẽ phát triển mạnh mẽ khi một thế hệ cá nhân giàu có mới tiếp quản quyền kiểm soát hoạt động đầu tư của gia đình họ.

Theo Financial Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-gia-toc-sieu-giau-tang-dau-tu-chong-bien-doi-khi-hau/