Các giá trị văn hóa báo chí

Trong quá trình hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng, việc hình thành nên những giá trị văn hóa để tạo ra sự thống nhất về nhận thức và định hướng hành vi cho mỗi nhà báo và cả cộng đồng báo chí là tất yếu, là điều 'tự nhiên nhi nhiên'.

Hệ giá trị là sự tổng hợp nhiều giá trị tích cực liên kết với nhau, phản ánh khát vọng hướng tới của con người và xã hội, với 3 chức năng là: định hướng cho suy nghĩ và hành động; hướng dẫn niềm tin của xã hội vào thực hiện các giá trị được đúc kết và công nhận; điều chỉnh các hành vi của cá nhân và xã hội để hướng vào thực hiện các giá trị tốt đẹp, xử lý các hành vi lệch chuẩn...

 Các cơ quan báo chí, truyền thông ở Hà Tĩnh nỗ lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.

Các cơ quan báo chí, truyền thông ở Hà Tĩnh nỗ lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.

Giá trị văn hóa là kết quả sáng tạo, tích lũy của một cộng đồng, dân tộc, được phản ánh trong những nguyên tắc, chuẩn mực, đạo đức, tư tưởng, tình cảm… của mỗi cá nhân và cộng đồng, được cộng đồng lựa chọn, thừa nhận và khao khát hướng tới, thông qua sự trải nghiệm lịch sử.

Vậy giá trị văn hóa báo chí, tức là những “sáng tạo, tích lũy của cộng đồng báo chí được phản ánh trong những nguyên tắc, chuẩn mực, đạo đức, tư tưởng, tình cảm… của mỗi cá nhân và cộng đồng báo giới, được cộng đồng lựa chọn, thừa nhận và khao khát hướng tới” là gì?

Trước hết phải khẳng định: Hệ giá trị văn hóa báo chí là các chuẩn mực xã hội, định hướng cho sự lựa chọn trong hành động của nhà báo, các tòa soạn và cả nền báo chí.

Những giá trị văn hóa báo chí cốt lõi là trung thực, nhân văn, hiện đại, giàu tính chiến đấu và khả năng định hướng dư luận xã hội. Với cá nhân nhà báo đó là trung thực, nhân văn, dấn thân vì lợi ích của Nhân dân, có lòng tự trọng nghề nghiệp, tôn trọng và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

Đạo đức nghề báo là một phần đạo đức xã hội, là giá trị văn hóa báo chí quan trọng. Nó vừa thể hiện những giá trị chung được toàn thể loài người, không phân biệt môi trường sinh sống, chính kiến, niềm tin, truyền thống... cùng chia sẻ, vừa phản ánh những đặc thù tiêu biểu cho đời sống văn hóa, tâm linh, lý tưởng và niềm tin của quốc gia, dân tộc nơi nền báo chí ấy ra đời.

 Báo Hà Tĩnh đến với cán bộ, chiến sỹ ở đảo Song Tử Tây.

Báo Hà Tĩnh đến với cán bộ, chiến sỹ ở đảo Song Tử Tây.

Ở nước ta, Hội nghị BCH lần thứ 5 (khóa X) Hội Nhà báo Việt Nam ngày 15/12/2015 đã thông qua Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam gồm 10 điều cụ thể mà bất cứ người làm báo nào cũng cần phải tôn trọng, tôn thờ nó như những người làm nghề y tôn thờ Lời thề Hippocrates.

Đó chính là những giá văn hóa báo chí định hướng cho suy nghĩ và hành động; hướng dẫn niềm tin, điều chỉnh các hành vi của người làm báo, để hướng vào thực hiện các giá trị tốt đẹp, xử lý các hành vi lệch chuẩn...

Từ những quy định chung của đạo đức người làm báo, từ thực tiễn hoạt động báo chí và từ sâu thẳm những xác tín nghề nghiệp của mình, tôi luôn cho rằng, một tác phẩm báo chí tốt và một nhà báo có đạo đức phải (và luôn luôn) đảm bảo tuân thủ 4 yếu tố, 4 giá trị văn hóa báo chí cốt lõi sau: thời sự - trung thực - có tính định hướng cao và phù hợp với lợi ích của Nhân dân.

Tính thời sự trong tác phẩm báo chí, trong hoạt động nghề nghiệp báo chí là điều dễ có cái nhìn thống nhất, dễ hiểu. Điều tôi muốn nhấn mạnh thêm ở đây là tính trung thực phải được hiểu là đạt đến mức độ chân thực, là phản ánh được bản chất vấn đề (khác với sự khiên cưỡng tự nhiên chủ nghĩa theo kiểu thấy gì viết nấy, chụp gì in nấy); tính định hướng cao tức là tính chính kiến, tính rõ ràng, minh bạch trong thể hiện quan điểm của nhà báo và trên hết, tất cả những điều mình nghĩ, những việc mình làm, những câu chữ mình viết… phải luôn hướng tới giá trị nhân văn, hướng tới lợi ích của Nhân dân.

 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo ban, ngành ấn nút ra mắt giao diện mới của Báo Hà Tĩnh điện tử vào tháng 4/2024.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo ban, ngành ấn nút ra mắt giao diện mới của Báo Hà Tĩnh điện tử vào tháng 4/2024.

Nhà báo phải là chỗ dựa tin cậy, vững chắc để Nhân dân tham gia vào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Không chỉ cung cấp thông tin, trách nhiệm của người viết báo còn là định hướng dư luận.

Sức sống của báo chí là thông tin nhưng sự tồn tại của báo chí, sự phân biệt “thương hiệu” của các cơ quan báo chí và mỗi nhà báo lại nằm ở chỗ anh có thể định hướng dư luận xã hội ở mức độ nào (bằng lượng thông tin trung thực, khách quan, có kiểm chứng). Vai trò định hướng dư luận là khách quan, tất yếu và không thể thay đổi của báo chí.

Báo chí ở ta ra đời là để đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, nhiệm vụ công tác tư tưởng, cho nên, không thể đặt vấn đề chỉ thông tin mà không cần hướng dẫn dư luận xã hội. Mặt khác, báo chí hướng dẫn dư luận xã hội bằng cách thông tin. Nếu bỏ một nhiệm vụ đi thì báo chí sẽ không còn là báo chí nữa.

Cá nhân tôi và những người làm báo cách mạng luôn khẳng định một cách chắc chắn bằng tất cả xác tín nghề nghiệp của mình: Báo chí không chỉ thông tin mà còn phải hướng dẫn dư luận hay nói một cách khác, báo chí hướng dẫn dư luận bằng thông tin.

Một nhà báo có đạo đức nghề nghiệp phải nghiêm túc với công việc của mình, tôn trọng công chúng. Khi nhà báo thấm nhuần được điều ấy thì sẽ tác nghiệp một cách trung thực, nhân văn với tính chính trị và nhạy cảm nghề nghiệp cao.

Nền báo chí cách mạng của chúng ta là một nền báo chí nhân văn, dựa vững chắc trên nền tảng pháp luật và đạo đức. Chính vì vậy, trách nhiệm của người làm báo là phải đi đến cùng của sự thật, phải thông tin một cách khách quan, trung thực, không thiên vị và không bị chi phối bởi các lợi ích nhóm cũng như lợi ích bên ngoài mà phải đặt lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc lên trên hết. Suy cho cùng, đó chính là vai trò định hướng dư luận xã hội của báo chí mà nếu coi nhẹ nó, báo chí sẽ tự đánh mất mình, đánh mất sự tồn tại của mình!

Để làm tốt vai trò định hướng dư luận xã hội, báo chí và nhà báo chịu sự chi phối và quyết định của rất nhiều yếu tố của giá trị văn hóa báo chí. Tuy nhiên, có 2 yếu tố quan trọng nhất là tính chính trị và sự nhạy cảm nghề nghiệp.

Nghề báo là một nghề thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội thông qua hoạt động nghiệp vụ. Tư duy báo chí thể hiện rõ tính chính trị. Nó cho phép phóng viên có thể xác định vị trí chính trị của mình trong quá trình thông tin. Bản lĩnh chính trị vững vàng là một yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi phóng viên báo chí hiện nay.

Sự nhạy cảm được coi là một trong những phẩm chất nghề nghiệp quan trọng trong hoạt động sáng tạo của một phóng viên báo chí, thể hiện rõ đạo đức báo chí. Nhạy cảm để phát hiện những nhân tố mới, điển hình mới. Nhạy cảm để nhận ra đúng bản chất đích thực của những vấn đề, con số, sự kiện...

 Chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại là mục tiêu mà Báo Hà Tĩnh đang xây dựng và hướng đến.

Chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại là mục tiêu mà Báo Hà Tĩnh đang xây dựng và hướng đến.

Có thể khẳng định, nhạy cảm nghề nghiệp là một yêu cầu quan trọng đối với phẩm chất cần có của một nhà báo. Thực tế cho thấy rằng, thông tin dù có tính chân thật cao nhưng còn phải xem thông tin đó có lợi hay hại. Đã có rất nhiều thông tin khi được ra mặt báo rất chính xác nhưng có hại cho xã hội, thiệt hại cho nhân phẩm con người hoặc cho nền kinh tế đất nước.

Như vậy, tuy tin tức đưa ra là hoàn toàn đúng nhưng đúng mà không có lợi thì vẫn chưa đủ. Chính vì thế, nhà báo phải luôn tỉnh táo và phải biết quan tâm đến cái lợi, cái hại của mỗi thông tin trước khi quyết định truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong những giá trị văn hóa báo chí đã nêu, giá trị nhân văn phải được đặc biệt coi trọng bởi đó là hồn cốt của báo chí cách mạng. Nhân văn là phẩm chất, là đặc tính và cũng là đích hướng của báo chí và người làm báo cách mạng.

Trong bối cảnh chung của báo chí hiện nay, tiêu chí chung phải là: Sản phẩm số, báo chí số nhưng nội dung của nó luôn mang đậm tính nhân văn và có sứ mệnh cao cả cổ vũ, lan truyền sự tử tế.

“Báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng: Xác thực, dẫn dắt, tiên phong, đổi mới, dấn thân. Giữ cái bất biến ấy để ứng vạn biến. Muốn đi xa thì càng phải về gần” - Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh điều này trong một bài phát biểu của mình với đội ngũ người làm báo.

Với đội ngũ người làm báo Hà Tĩnh, tôi nghĩ rằng họ phải được trang bị đủ yếu tố để phấn đấu trở thành một nhân cách. Một nhân cách được tạo nên bởi hai yếu tố bất di bất dịch, đó là phẩm chất và năng lực. Về năng lực, các nhà báo phải được trang bị đủ các kỹ năng nghề nghiệp được kiểm chứng qua các sản phẩm báo chí.

Về phẩm chất, phải đặc biệt nhắc nhở các nhà báo chú trọng rèn luyện sự nhạy cảm nghề nghiệp bởi báo chí là nghề của sự sáng tạo và sự sáng tạo tác phẩm báo chí ngoài yếu tố sức mạnh cổ vũ cái mới, đấu tranh cho cái mới thắng lợi cũng rất dễ làm tổn thương người khác!

 Báo Hà Tĩnh giành giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2022.

Báo Hà Tĩnh giành giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2022.

Với các cơ quan báo chí, cần phải hiện đại hóa tòa soạn, đổi mới để phù hợp với sự phát triển của báo chí hiện đại. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số. Trong hệ sinh thái truyền thông hiện đại, chuyển đổi số báo chí là một tất yếu.

Bởi vì, chỉ có chuyển đổi số mới có thể xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả.

Nguyễn Xuân Hải - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/cac-gia-tri-van-hoa-bao-chi-post268401.html