Các giai đoạn thi của nội dung 'Môi trường an toàn' tại Army Games 2021
Trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games), 'Môi trường an toàn' dành cho các lực lượng phòng chống vũ khí hủy diệt hàng loạt (Hóa học, Sinh học, Hạt nhân – gọi tắt là NBC) là một trong những nội dung thi đấu chính thức.
Từ năm 2017, nội dung “Môi trường an toàn” được hai nước Liên bang Nga và Trung Quốc luân phiên tổ chức. Theo quy định của hội thao, nước chủ nhà đăng cai có quyền điều chỉnh quy chế môn thi cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa điểm tổ chức. Kỳ hội thao 2021, nội dung “Môi trường an toàn” được tổ chức tại thao trường của căn cứ quân sự Korla, Tân Cương, Trung Quốc. Nhằm giúp các độc giả nắm được những nét cơ bản của nội dung “Môi trường an toàn” để thuận tiện trong quá trình theo dõi, cổ vũ đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam, Báo QĐND Điện tử xin giới thiệu một số nét cơ bản của quy chế của nội dung này.
Thành phần mỗi đội tuyển bao gồm 1 đội trưởng; 1 thành viên ban trọng tài của môn thi; 2 huấn luyện viên; 3 kíp xe với mỗi kíp xe 3 người, trong đó 2 kíp xe thi đấu chính thức và 1 kíp xe dự bị; 3 chuyên gia kỹ thuật; ngoài ra có bộ phận phụ trách các vấn đề chuyên môn khác như quân y, phiên dịch, thông tin tuyên truyền. Nước chủ nhà có trách nhiệm cung cấp phương tiện, vũ khí, khí tài, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho tất cả các đội tuyển tham gia môn thi, gồm: Xe trinh sát NBC, súng tiểu liên bộ binh, khí tài phòng da, mặt nạ phòng hô hấp, thiết bị trinh sát hóa học, máy dò tìm phóng xạ, phương tiện tiêu tẩy chuyên dụng và các trang bị khác theo biên chế.
Thao trường chính của nội dung này được thiết kế dạng khép kín, gồm đoạn đường vật cản cho xe trinh sát và bãi vật cản cá nhân với tổng chiều dài 3750m với 2 tuyến song song, độc lập với nhau dành cho 2 kíp xe cùng thi đấu 1 lúc.
Đường vật cản cho xe có chiều dài 3170m được bố trí 12 vật cản cho xe, theo thứ tự bao gồm: Vượt dốc cao 25 độ, đi qua đường hầm hẹp giới hạn về chiều ngang, đi qua khu vực có bãi mìn, vượt cầu 2 thanh song song bằng cách đi trên mặt cầu, đường hình chữ “S”; đường zic zac, đi qua khu vực có các hố bom bằng cách đánh lái lượn qua các hố bom, đi qua hào chống tăng, đi trên mặt dốc nghiêng một bên 15 độ, đưa xe vào hầm ngầm trú ẩn và thoát ra, đi qua đồi thấp, vượt qua đường mấp mô.
Dọc khu vực đường chạy vật cản xe, Ban tổ chức bố trí các khu vực làm nhiệm vụ chuyên ngành, gồm khu vực trinh sát hóa học, lấy mẫu phân tích môi trường, dò tìm nguồn phóng xạ và tiêu tẩy.
Bãi vật cản thể lực có chiều dài 580m, bao gồm 12 vật cản dành cho các thành viên kíp xe lần lượt vượt qua. Các vật cản bao gồm: Vượt tường cao, đi qua cáp treo dài 50m, chui qua lỗ hở trên hàng rào thấp, trèo qua tường lưới cao 4m, chui qua đường ống dài 4m, trèo qua thang bắc ngang, đi qua cầu treo lơ lửng, leo lên tầng 2 của tòa nhà bị phá hủy và nhảy qua cửa sổ, trèo lên và vượt qua cầu độc mộc, chui qua giao thông hào theo hình zic zac, bò qua hàng rào dây thép gai thấp, nhảy xuống hố sâu và trèo lên mặt đất.
Nội dung “Môi trường an toàn” gồm 3 giai đoạn thi chính. Cụ thể:
Giai đoạn 1: Thi kíp đơn
-Yêu cầu: Mỗi đội tuyển cử 2 kíp xe lần lượt thi đấu chính thức tham gia bốc thăm chọn tuyến đường đua và thứ tự thi. Mỗi lần thi có 2 kíp xe của 2 đội tuyển cùng thi song song.
Sau khi mỗi kíp xe với đầy đủ trang bị phòng hóa theo biên chế ngồi trên xe trinh sát NBC, xuất phát theo hiệu lệnh của trọng tài, lần lượt vượt qua 12 vật cản cho xe. Tại các điểm thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành, thành viên kíp xe độc lập thực hiện trinh sát chất độc bằng máy trinh sát hóa học sử dụng các ống trinh độc; lấy mẫu phân tích môi trường, dò tìm các nguồn phóng xạ được giấu trên một xe tải bằng máy trinh sát phóng xạ; phối hợp cùng nhau triển khai phương tiện tiêu tẩy chuyên dụng để tiêu tẩy cho mục tiêu.
Kết thúc vật cản cho xe, các vận động viên xuống xe, cơ động và lần lượt vượt qua 12 vật cản thể lực cá nhân. Vận động viên không được nhận sự trợ giúp của đồng đội hoặc có quyền bỏ qua bất kỳ vật cản nào cho đến khi về đích.
-Tiêu chí đánh giá: Thành tích của kíp xe sẽ được tính bằng tổng thời gian thực hiện bài thi từ lúc xe xuất phát đến khi vận động viên cuối cùng vượt qua vạch đích, cộng với thời gian phạt.
Thời gian phạt được quy định cụ thể cho mỗi lỗi phạm phải do chạm phải cọc tiêu giới hạn hoặc vướng phải mìn tại các vật cản, trinh sát chất độc thất bại, không tìm được nguồn phóng xạ, không lấy đủ lượng mẫu cần thiết hoặc tiêu tẩy không triệt để.
Thành tích của 2 kíp xe được tính độc lập và quy đổi ra điểm thứ hạng của phần thi, phục vụ xếp hạng đội tuyển trên bảng tổng kết.
Giai đoạn 2: Thi bắn súng
-Yêu cầu: Thao trường bắn súng được bố trí độc lập gồm 03 dải bắn. Mỗi kíp xe thực hiện bài thi bắn với 10 viên đạn và 4 quả lựu đạn. Có 3 mục tiêu bắn xuất hiện ngẫu nhiên trong khoảng thời gian 6-8 giây với khoảng cách từ 150m đến 350m.
Các thành viên của kíp với đầy đủ vũ khí trang bị theo hiệu lệnh của trọng tài bắt đầu cơ động tiến lên. Khi thấy bia xuất hiện, vận động viên nhanh chóng lấy đường ngắm và hạ gục mục tiêu. Trong bài bắn, vận động viên phải liên tục cơ động tiến lên, không được phép dừng lại hoặc đi lùi, nhưng không được vượt quá vạch giới hạn. Tổng số phát bắn tối đa để hạ gục mục tiêu là 5 lần, không được phép bắn nhiều hơn.
Sau khi bắn, vận động viên thực hiện ném lựu đạn vào mục tiêu ở khoảng cách 30m và kết thúc phần thi.
-Tiêu chí đánh giá: Điểm sẽ được cộng dựa theo số mục tiêu bắn trúng và ném lựu đạn. Nếu có 2 kíp xe có cùng số điểm thì đội nào có thời gian bắn ít hơn sẽ giành chiến thắng ở bài thi.
Nếu phạm phải các lỗi như bắn vượt số phát bắn tối đa, không duy trì cơ động lên phía trước hoặc cơ động quá vạch giới hạn, không khóa an toàn khi cơ động… sẽ bị trừ điểm trong tổng điểm của kíp.
Kết quả thi bắn của 2 kíp xe sẽ được quy đổi thành điểm thứ hạng thành phần phục vụ xếp hạng đội tuyển trên bảng tổng kết.
Giai đoạn 3: Thi tiếp sức:
-Yêu cầu: Hai kíp xe của mỗi đội tuyển sẽ thực hiện bài thi trên thao trường với quy trình giống hệt như phần Thi kíp đơn, chỉ khác là 2 kíp xe sẽ chạy nối tiếp liền nhau. Mỗi thành viên của kíp xe thứ nhất sau khi về đích sẽ trao “gậy tiếp sức” là các hộp tiếp đạn gắn trên súng cho các thành viên của kíp xe thứ hai. Sau khi cả 3 thành viên của kíp xe thứ hai nhận đủ các hộp tiếp đạn, kíp xe thứ hai sẽ nổ máy và tiến hành thực hiện phần thi của mình.
-Tiêu chí đánh giá: Kết quả phần Thi tiếp sức được tính bằng tổng thời gian từ khi kíp xe thứ nhất xuất phát theo hiệu lệnh của trọng tài đến khi thành viên cuối cùng của kíp xe thứ hai vượt qua vạch đích. Các quy định về điểm phạt giống như phần Thi kíp đơn.
Kết quả Thi tiếp sức cũng sẽ được quy ra điểm thứ hạng thành phần để đánh giá Đội tuyển trên bảng tổng kết.
Tổng kết:
Bảng tổng kết xếp hạng của các đội tuyển sẽ được cộng tổng từ điểm thứ hạng sau khi quy đổi qua các giai đoạn để quyết định giải thưởng chung cuộc. Nếu có các đội tuyển bằng điểm nhau thì căn cứ vào kết quả thi tiếp sức để quyết định đội chiến thắng cuối cùng.
Năm 2019, đội tuyển Hóa học Việt Nam đã giành Huy chương Đồng tại Korla, Tân Cương, Trung Quốc. Năm 2020 thi đấu tại Liên bang Nga, đội tuyển xếp vị trí thứ 4 toàn đoàn. Đại tá Ngô Văn Đĩnh, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học, Trường đoàn Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam cho biết, tại Army Games 2021, Đội tuyển Hóa học QĐND Việt Nam thi đấu ở Korla, Tân Cương, Trung Quốc. Đây là nơi đội tuyển đã thi đấu tốt và giành Huy chương Đồng nên với tinh thần cao nhất, toàn bộ đội tuyển sẽ cố gắng luyện tập, thi đấu thật tốt để có thể giành được thứ hạng cao tại Army Games 2021.