Các giải pháp căn cơ để triển khai hiệu quả đề án phát triển nhà ở xã hội
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, để triển khai hiệu quả về nhà ở xã hội, cùng với việc bố trí quỹ đất, rút gọn thủ tục hành chính, các tiêu chí xác định đối tượng mua nhà phải được đơn giản hóa.
Nhấn mạnh việc triển khai Đề án “Đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” là “bước thí điểm quan trọng” để hướng tới thực hiện chính sách nhà ở cho mọi người dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để rà soát, tháo gỡ các khó khăn về thủ tục hành chính, lãi suất vốn vay; khẩn trương xây dựng, đưa những điểm mới trong luật vào cuộc sống.
Bước thí điểm quan trọng
Tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” năm 2024 diễn ra trong ngày hôm nay, 22/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh thời gian qua Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc sát sao, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thực hiện đề án một cách căn cơ, bài bản.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc thực hiện đề án là “bước thí điểm quan trọng,” từ đó xác định tồn tại, khó khăn, bài học kinh nghiệm để thực hiện chính sách nhà ở cho mọi người dân.
Nhấn mạnh nhiều vướng mắc liên quan đến phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội đã được "giải quyết" trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng cùng với các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ để rà soát, tháo gỡ và khẩn trương xây dựng, đưa những điểm mới trong luật vào cuộc sống.
“Bên cạnh đó, việc xác định đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội, trình tự thủ tục đầu tư, tiếp cận vay vốn ưu đãi phải được triển khai chi tiết, cụ thể,” Phó Thủ tướng nêu rõ.
Cũng theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, để triển khai hiệu quả về nhà ở xã hội, các tiêu chí xác định đối tượng mua nhà phải được đơn giản hóa đồng thời bổ sung các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vào đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội làm ký túc xá cho công nhân. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp tham gia thống kê, đề xuất để các địa phương tổng hợp nhu cầu nhà ở.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, phục vụ nhu cầu nhà ở khi phát triển các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục, y tế, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xóa nhà tạm, chỉnh trang đô thị, nông thôn…
“Các khu nhà ở xã hội phải có đầy đủ hạ tầng thiết yếu về giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, an toàn cháy nổ… trong bức tranh chung về quy hoạch đô thị, nông thôn,” Phó Thủ tướng lưu ý và cho biết Luật Đất đai năm 2024 không hạn chế sử dụng quỹ đất, phù hợp quy hoạch có để chuyển mục đích sử dụng sang làm nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng cũng nhất trí với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị về việc duy trì nguồn tài chính ổn định để phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên ông cũng lưu ý song song với nguồn lực nhà nước, cần huy động nguồn lực ngoài nhà nước tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Với quan điểm trên, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu phương án, hỗ trợ các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng theo cơ chế thị trường.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng gợi mở phương án cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng; thành lập quỹ về nhà ở xã hội đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp tích cực đề xuất giải pháp để đưa chính sách nhà ở xã hội thực sự đi vào cuộc sống, đạt mục tiêu của đề án là bảo đảm mọi người dân.
Rút gọn các thủ tục, cân đối lại suất vốn đầu tư
Chia sẻ ý kiến tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng đề xuất đơn giản hóa, rút gọn thủ tục đầu tư cho dự án nhà ở xã hội, nhất là thủ tục liên quan đến quy hoạch chi tiết dự án (có thể thực hiện song song với điều chỉnh quy hoạch phân khu); xác định tiền sử dụng đất, thuê đất và số tiền được miễn giảm; xét tuyển các đối tượng được mua nhà ở xã hội; nâng cao chất lượng nhà ở xã hội; đề xuất bắt buộc đưa vào luật các địa phương bố trí, thu hồi đất để xây dựng nhà ở xã hội.
Đại diện Tập đoàn Hoàng Quân, Tổng Công ty Viglacera, cho rằng lợi nhuận tối đa xây dựng nhà ở xã hội là 10% nhưng vẫn cần các tiện ích xã hội như hầm, công trình công cộng vẫn cần có. Do đó, đại diện doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh, cân đối lại suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (đang thấp hơn 25% so với suất vốn đầu tư nhà ở thương mại) tương đương với suất vốn đầu tư nhà ở thương mại...
Về phía địa phương, đại diện thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong quá trình xây dựng các nghị định có quy định việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng nhà ở xã hội, được thực hiện theo quy trình đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện.
Các ý kiến địa phương cũng thống nhất với phương án về điều kiện tham gia vay ưu đãi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng đơn giản thủ tục.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị Bộ Xây dựng quy định cụ thể danh mục các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ để thu hút nhà đầu tư tham gia; nghiên cứu, quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi hơn nữa nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội để cho thuê./.