Các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp (IUU)
Để gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC), các cơ quan chức năng khuyến nghị chính quyền địa phương và chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp.
Đối với chính quyền địa phương
- Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là các địa phương ven biển phải đề cao trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống khai thác thủy sản IUU. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống khai thác thủy sản IUU; tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn hiện nay, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.
- Rà soát, hướng dẫn các chủ tàu cá hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, ghi nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản trên biển. Hoàn thành lắp đặt và duy trì hoạt động của thiết bị giám sát tàu cá (VMS) theo quy định; tổ chức vận hành hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá theo quy định.
- Bảo đảm nguồn lực, các trang thiết bị và các điều kiện cần thiết cho các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ, nhằm nâng cao năng lực, bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống khai thác thủy sản IUU.
- Tăng cường theo dõi, nắm chắc tình hình tại các địa bàn trọng điểm về khai thác thủy sản; quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu cá, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác thủy sản trên biển, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và ngư dân. Kiên quyết không cho xuậ́t bến đối với các tàu cá không đảm bảo điều kiện theo quy định; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài và vi phạm các quy định về chống khai thác thủy sản IUU dưới mọi hình thức. Điều tra, xử lý dứt điểm hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
- Thường xuyên rà soát hồ sơ, khắc phục các tồn tại trong công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, chứng nhận, xác nhận theo quy định và những tồn tại, hạn chế theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu, chỉ đạo của Thủ tướng Chỉnh phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Ban chỉ đạo về chống khai thác thủy sản IUU của các tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ngành và từng thành viên tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, bảo đảm theo quy định của pháp luật, sớm khắc phục, ngăn chặn và chấm dứt các hành vi khai thác thủy sản IUU trên địa bàn tỉnh.
- Các đơn vị truyền thông tăng thời lượng, đẩy mạnh tuyên truyên hoạt động phòng, chống khai thác thủy sản IUU; quản lý chặt chẽ hoạt động thông tin, báo chí, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi thông tin gây bất lơị̣, ảnh hưởng đến nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc khắc phục tồn tại, hạn chế, để tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và từng hộ ngư dân hiểu rõ, nắm chắc quy định và cam kết việc tuân thủ thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống khai thác thủy sản IUU.
Đối với các chủ tàu cá, thuyền trưởng, ngư dân
- Trang bị đầy đủ các trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc theo quy định (phao cứu sinh, đèn tín hiệu, cứu hỏa, cứu đắm, máy thông tin liên lạc tích hợp vệ tinh…).
- Kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ của tàu cá: giấy đăng ký tàu cá, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật (còn hạn), giấy phép khai thác thủy sản (còn hạn), sổ danh bạ thuyền viên, nhật ký khai thác, giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm cho tàu cá, các văn bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp và giấy tờ tùy thân và các giấy tờ khác theo quy định.
- Không chuyển đổi nghề sang nghề giã cào, không đóng mới, nâng cấp, mua tàu giã cào ngoại tỉnh về; không đóng mới, nhập khẩu, thuê tàu trần, cải hoán hoặc chuyển nhượng sang các nghề: kết hợp ánh sáng hoạt động tại tuyến bờ và tuyến lộng; nghề te xiệp, xịch, đáy trong sông, đáy biển; tàu lắp máy chính dưới 30CV làm các nghề.
- Kiểm tra số đăng ký tàu cá, dấu hiệu nhận biết tàu cá, trường hợp bị mờ thì kẻ lại, kiểm tra kích thước mắt lưới ở khu vực tập trung cá, nếu nhỏ hơn quy định phải thay lại cho đúng.
- Trường hợp không đủ các thủ tục giấy tờ, các điều kiện trên thì phải liên hệ với chi cục thủy sản để được hướng dẫn hoàn thiện, đáp ứng các điều kiện, quy định của pháp luật mới được phép đi biển.
- Khi đi qua cửa sông, phải chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá, phải được văn phòng ký xác nhận vào giấy kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản mới được phép đi khai thác thủy sản và giữ giấy này để nộp cho ban quản lý cảng cá khi về cảng.
- Khai thác đúng với các nội dung của giấy phép khai thác thủy sản, đặc biệt là thời gian khai thác, đối tượng khai thác, vùng biển khai thác.
- Trong quá trình khai thác vùng biển xa phải chú ý không vi phạm ranh giới vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.
- Không khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm như xung điện, chất nổ, chất độc.
- Ghi nhật ký khai thác từng chuyến theo quy định mới như tọa độ, sản lượng, loài, thời gian khai thác…
- Mở thiết bị giám sát hành trình, thông tin liên lạc để cơ quan chức năng quản lý, đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, áp thấp, bão để có phương án sản xuất, trú tránh an toàn.
- Trong quá trình khai thác nếu có sự cố (tai nạn, bị tàu lạ tấn công, hỏng máy...) phải thông tin, liên lạc với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ (trạm bờ của chi cục thủy sản, biên phòng…).
- Không hỗ trợ, tiếp tay cho các tàu cá khai thác bất hợp pháp.
- Chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.
- Sau khi kết thúc chuyến biển phải nộp nhật ký khai thác cho ban quản lý cảng cá. Chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá trong quá trình lên cá; ghi đầy đủ báo cáo khai thác vào giấy kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản và đưa cho văn phòng kiểm tra, xác nhận làm cơ sở xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản.