Các hãng công nghệ sa thải nhiều nhất tháng 12, Amazon trợ cấp ra sao cho hơn 18.000 nhân viên?
Các hãng công nghệ Mỹ dẫn đầu về cắt giảm việc làm trong tháng 12.2022, khi một số nhà tuyển dụng thu hẹp lực lượng lao động để chuẩn bị cho viễn cảnh thời kỳ kinh tế khó khăn sắp tới.
Theo báo cáo cắt giảm việc làm mới nhất từ công ty Challenger, Grey & Christmas, được công bố hôm 5.1, các nhà tuyển dụng tại Mỹ cho biết đã sa thải 43.651 nhân viên trong tháng 12.2022, giảm 43% so với con số vào tháng 11.2022.
Theo báo cáo, tốc độ sa thải theo kế hoạch vào tháng 12.2022 cao hơn nhiều so với con số 19.052 người bị sa thải được công bố vào tháng 12.2021. Trong cả năm 2022, báo cáo cho biết đã có 363.824 nhân viên bị sa thải theo kế hoạch, tăng 13% so với 2021.
Đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng và giá cổ phiếu sụt giảm, các hãng công nghệ phải gánh chịu hậu quả của đợt cắt giảm việc làm theo kế hoạch vào tháng 12, với 16.193 người.
Báo cáo cho biết các hãng công nghệ dẫn đầu việc tuyên bố cắt giảm việc làm trong cả năm 2022, với 97.171 nhân viên bị sa thải theo kế hoạch. Con số này tăng 649% so với năm 2021.
Tình trạng sa thải nhân viên đang diễn ra trong nền kinh tế Mỹ mà tăng trưởng việc làm nói chung vẫn mạnh và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,7% trong tháng 11.2022, thấp trong lịch sử.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng vào năm 2023 khi họ tiếp tục tăng lãi suất ngắn hạn để giảm bớt một số áp lực lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Có nhiều lo ngại về con đường mà Fed đang đi sẽ khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
“Nền kinh tế tổng thể vẫn đang tạo ra việc làm, dù các nhà tuyển dụng dường như đang tích cực lên kế hoạch cho cuộc suy thoái. Việc tuyển dụng đã chậm lại khi các công ty thực hiện một cách tiếp cận thận trọng khi bước vào năm 2023”, Andrew Challenger, Phó chủ tịch Challenger, Grey & Christmas, cho biết.
Chính phủ Mỹ sẽ báo cáo về mức độ tuyển dụng tháng 12.2022 vào ngày 6.1. Khi ngày đó đến gần, đã có nhiều tin tức trái chiều trên thị trường việc làm.
Hôm 4.1, Salesforce thông báo lên kế hoạch cắt giảm 10% lực lượng lao động và giảm nắm giữ bất động sản, với lý do nền kinh tế đang chậm lại. Salesforce là công ty phần mềm dựa trên đám mây của Mỹ có trụ sở tại thành phố San Francisco, bang California.
Trong một báo cáo của chính phủ Mỹ hôm 4.1, cơ hội việc làm (điều được Fed theo dõi chặt chẽ) đã giảm xuống mức thấp hơn dự kiến vào tháng 11.2022
CEO Andy Jassy nói về khoản trợ cấp khi Amazon sa thải hơn 18.000 nhân viên
Amazon sa thải hơn 18.000 nhân viên, mức giảm lớn nhất lịch sử hãng, trong dấu hiệu mới nhất cho thấy sự suy yếu của ngành công nghệ đang ngày càng sâu sắc.
Giám đốc điều hành Amazon - Andy Jassy đã công bố việc cắt giảm này (chiếm khoảng 1% lực lượng lao động Amazon) trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên hôm 4.1. Ông cho biết việc sa thải hơn 18.000 nhân viên tuân theo quy trình lập kế hoạch hàng năm của công ty.
Việc cắt giảm lao động bắt đầu vào năm ngoái và trước đó dự kiến chỉ ảnh hưởng đến khoảng 10.000 người của Amazon. Động thái này dựa trên đánh giá hiệu suất làm việc ở công ty, chủ yếu là bộ phận bán lẻ và nhân sự của Amazon, như tuyển dụng.
Andy Jassy nói: “Amazon đã vượt qua các nền kinh tế khó khăn và không chắc chắn trong quá khứ. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Những thay đổi này sẽ giúp chúng tôi theo đuổi các cơ hội dài hạn với cơ cấu chi phí mạnh mẽ hơn”.
Khả năng sa thải số lượng lớn đã xuất hiện ở Amazon trong nhiều tháng qua khi công ty thừa nhận đã thuê quá nhiều người trong thời kỳ đại dịch và tổng số nhân viên ngày càng tăng. Amazon cùng những gã khổng lồ công nghệ khác thực hiện những cắt giảm lớn.
Các cổ đông của Amazon đã đưa ra phản ứng tích cực với những nỗ lực thắt lưng buộc bụng mới nhất, đặt cược rằng nó có thể thúc đẩy lợi nhuận công ty thương mại điện tử này.
Sa thải hơn 18.000 nhân viên là sự cắt giảm lớn nhất trong các hãng công nghệ vào thời kỳ suy thoái hiện nay, nhưng Amazon cũng có lực lượng lao động lớn hơn nhiều so với các công ty cùng ngành ở Thung lũng Silicon (Mỹ).
Amazon có hơn 1,5 triệu nhân viên tính đến cuối tháng 9.2022. Công ty đã lên kế hoạch cắt giảm nhân sự từ tháng 11.2022.
Nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới đã dành thời gian cuối năm ngoái để thích nghi với sự sụt giảm mạnh trong tăng trưởng thương mại điện tử, khi người mua sắm quay trở lại thói quen trước đại dịch. Amazon trì hoãn việc mở kho hàng và tạm dừng tuyển dụng trong nhóm bán lẻ của mình. Công ty đã đóng băng tuyển dụng và sau đó bắt đầu cắt giảm nhân viên.
Giám đốc điều hành Andy Jassy đã loại bỏ hoặc cắt giảm các hoạt động kinh doanh thử nghiệm và không sinh lãi, bao gồm các nhóm làm việc về dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, robot giao hàng và thiết bị gọi điện video cho trẻ em, cùng các dự án khác.
Công ty có trụ sở tại thành phố Seattle (bang Washington, Mỹ) đang cố gắng điều chỉnh công suất dư thừa với nhu cầu làm mát hàng hóa. Ngoài ra, Amazon cũng cố gắng bán không gian dư thừa trên các máy bay chở hàng của mình, theo những người quen thuộc với vấn đề này.
Khởi đầu là cửa hàng sách trực tuyến, Amazon đang chứng kiến một phần hoạt động kinh doanh của mình chững lại. Thế nhưng, công ty vẫn tiếp tục đầu tư vào các hoạt động kinh doanh quảng cáo và điện toán đám mây cũng như truyền phát video.
Làn sóng cắt giảm đầu tiên ảnh hưởng nặng nề nhất vào nhóm Thiết bị và Dịch vụ của Amazon, nhóm xây dựng trợ lý kỹ thuật số Alexa và loa thông minh Echo, cùng các sản phẩm khác.
Người đứng đầu nhóm Alexa nói với trang Bloomberg vào tháng trước rằng tổng số người bị sa thải trong đơn vị là dưới 2.000 và Amazon vẫn cam kết với trợ lý giọng nói.
Andy Jassy nói với các nhân viên vào tháng 11.2022 rằng sẽ có nhiều đợt cắt giảm lực lượng lao động hơn vào năm 2023 tại các nhóm bán lẻ và nhân sự của mình.
Trong bản ghi nhớ hôm 4.1, Andy Jassy cho biết công ty sẽ cung cấp trợ cấp thôi việc, trợ cấp sức khỏe chuyển tiếp và giới thiệu việc làm cho những người lao động bị ảnh hưởng. Ông cũng khiển trách một nhân viên vì làm rò rỉ tin tức cắt giảm lực lượng lao động, ám chỉ đến bài viết của tờ Wall Street Journal. Andy Jassy cho biết Amazon có kế hoạch bắt đầu thảo luận với các nhân viên bị ảnh hưởng vào ngày 18.1.
Ông nói: “Các công ty tồn tại lâu dài sẽ trải qua các giai đoạn khác nhau. Họ không ở chế độ mở rộng số lượng nhân viên lớn hàng năm”.
Những tháng cuối năm 2022, một số hãng công nghệ lớn đã thực hiện sa thải hàng loạt hoặc tạm dừng tuyển dụng trong bối cảnh nước Mỹ đang vật lộn với lạm phát cao và lãi suất tăng.
Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, hôm 9.11.2022 thông báo rằng sẽ cắt giảm 13% lực lượng lao động, tức hơn 11.000 việc làm.
Tuần trước đó, công ty chia sẻ xe Lyft cho biết đã sa thải khoảng 683 nhân viên, tương đương với khoảng 13% lực lượng lao động của mình, sau khi đã cắt giảm 60 việc làm vào đầu năm 2022 và ngừng tuyển dụng từ tháng 9.
Ngày 4.11.2022, Twitter sa thải 1/2 lực lượng lao động trong tổng số khoảng 7.500 nhân viên sau khi Elon Musk tiếp quản công ty.
Đầu tháng 11, Microsoft đã sa thải khoảng 1.000 nhân viên tại một số bộ phận, trang Axios đưa tin. Trong khi Stripe cắt giảm khoảng 14% nhân sự và sẽ còn khoảng 7.000 nhân viên.
ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, đã sa thải hàng trăm nhân viên thuộc nhiều bộ phận ở Trung Quốc vào cuối năm 2022 như một phần trong nỗ lực hợp lý hóa hoạt động của công ty, theo hai người quen thuộc với vấn đề này.
Động thái đó đã ảnh hưởng đến các nhân viên tại Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc với 600 triệu người dùng hàng ngày) cũng như các hoạt động kinh doanh game và bất động sản của ByteDance, các nguồn tin giấu tên cho biết vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông.
Việc cắt giảm việc làm chỉ đại diện cho tỷ lệ nhỏ lực lượng lao động của ByteDance, một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc và có hơn 100.000 nhân viên trên toàn thế giới. Vì ByteDance thuộc sở hữu tư nhân nên không bắt buộc phải tiết lộ công khai thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình.
Việc cắt giảm việc làm thường được thực hiện dưới danh nghĩa tối ưu hóa kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc và các nhà tuyển dụng sa thải người làm việc kém hiệu quả là thông lệ phổ biến. Những gã khổng lồ internet khác của Trung Quốc, gồm cả Alibaba và Tencent, đã cắt giảm hàng ngàn việc làm vào năm 2022.
Việc sa thải tại ByteDance lần đầu tiên được hãng truyền thông Jiemian (Trung Quốc) đưa tin. Theo đó, Feishu (còn được gọi là Lark) của ByteDance là một trong những bộ phận bị cắt giảm việc làm nhiều nhất, ảnh hưởng đến khoảng 10% nhân viên.
Lark là bộ ứng dụng văn phòng tích hợp tính năng nhắn tin, quản lý lịch biểu, tài liệu cộng tác, hội nghị truyền hình và nhiều ứng dụng khác trong một nền tảng duy nhất.
Một trong những nguồn tin cho biết những người bị sa thải sẽ được bồi thường dựa trên số năm phục vụ, cộng với một tháng lương.
Song song đó, ByteDance vẫn đang tiếp tục tuyển dụng số lượng lớn. Trang web của ByteDance có danh sách khoảng 10.000 việc làm, từ kỹ thuật đến tiếp thị, tại các thành phố trên toàn thế giới, bao gồm cả Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), London (thủ đô Anh) và Mountain View (bang California, Mỹ).
Việc sa thải diễn ra sau khi Giám đốc điều hành ByteDance - Liang Rubo nói với các nhân viên vào cuối tháng 12.2022 rằng công ty cần “lấy lại vóc dáng và tăng cường cơ bắp”. Đây là một cụm từ mà Liang Rubo đã sử dụng nhiều lần trong năm qua để hợp lý hóa các hoạt động.
Liang Rubo từng đứng đầu bộ phận nhân sự trước khi tiếp quản vị trí Giám đốc điều hành ByteDance từ người sáng lập Zhang Yiming vào năm 2021.
Đây không phải là lần đầu tiên công ty gần 10 năm tuổi cắt giảm việc làm. ByteDance đã sa thải hàng ngàn người trong năm 2021 sau lệnh cấm dạy thêm của Trung Quốc và vào năm 2022 cắt giảm hàng trăm việc làm khỏi các hoạt động video game của mình ở thành phố Thượng Hải, Hàng Châu.