'Các hãng công nghệ Trung Quốc đối mặt viễn cảnh xấu ở nước ngoài khi ông Trump trở lại Nhà Trắng'

Các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động quốc tế khi tăng trưởng trong nước chậm lại, nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn, theo nhà phân tích Kenneth Fong của UBS.

UBS là tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư toàn cầu có trụ sở tại Thụy Sĩ.

Các hãng công nghệ Trung Quốc phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn khi mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài trong năm nay sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ hôm 20.1 và trở lại Nhà Trắng, với nhiều chính sách hơn dự kiến sẽ hạn chế sự mở rộng của ngành, theo nhà phân tích Kenneth Fong.

"Khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, chúng tôi dự kiến sẽ có nhiều chính sách hoặc tin tức hơn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc, gồm thương mại điện tử xuyên biên giới, trò chơi điện tử và trí tuệ nhân tạo (AI)", Kenneth Fong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu internet Trung Quốc tại UBS, cho biết trong một cuộc họp báo tại thành phố Thượng Hải hôm 13.1. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào thị trường nước ngoài bấp chấp rủi ro địa chính trị.

Bình luận của Kenneth Fong được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ thêm Tencent Holdings (công ty có giá trị nhất Trung Quốc) vào danh sách "các thực thể quân sự Trung Quốc", cùng với CATL (nhà sản xuất pin ô tô điện lớn nhất hành tinh) và SenseTime (hãng tiên phong về AI), làm dấy lên lo ngại về sự phân nhánh hơn nữa trong lĩnh vực công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Kenneth Fong, các hãng công nghệ Trung Quốc nên lo lắng về ba điều liên quan đến rủi ro địa chính trị: Khả năng các công ty Mỹ bị cấm đầu tư vào họ; các hạn chế bổ sung tiềm ẩn với việc mua chip AI; tác động của căng thẳng thương mại với các doanh nghiệp ở nước ngoài của họ.

Dù việc Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ định Tencent Holdings là "thực thể quân sự Trung Quốc" không có hậu quả pháp lý trực tiếp, các nhà phân tích nói rằng điều này có thể tạo lý do cho Bộ Tài chính Mỹ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt và hạn chế thương mại, khiến Tencent Holdings gặp khó khăn hơn trong việc mua một số sản phẩm từ các hãng công nghệ lớn Mỹ, chẳng hạn Nvidia (hãng chip AI lớn nhất thế giới).

Trong khi đó, ByteDance (Trung Quốc) đang phải vật lộn với lệnh cấm sắp xảy ra ở Mỹ với sản phẩm chủ lực của mình là nền tảng video ngắn phổ biến TikTok.

Tuần trước, Tòa án Tối cao Mỹ đã nghe các lập luận để xác định liệu TikTok có thể tiếp tục hoạt động tại quốc gia này mà không cần cắt đứt quan hệ với công ty mẹ ByteDance trước ngày 19.1 hay không.

Một đạo luật được thông qua vào tháng 4.2024 buộc ByteDance phải bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ, hiện có 170 triệu người dùng, trước ngày 19.1 hoặc ứng dụng này sẽ bị xóa khỏi Apple App Store và Google Play Store.

Luật này cho phép gia hạn một lần trong 90 ngày. Tổng thống Joe Biden không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy ông có kế hoạch sử dụng quyền gia hạn đó, nhưng Tổng thống đắc cử Trump đã yêu cầu Tòa án Tối cao trì hoãn thời hạn này.

Lệnh cấm sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới của công ty là TikTok Shop, vốn đang cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc như Temu của PDD Holdings và nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein.

Kenneth Fong cho biết một bước quan trọng với các nền tảng thương mại điện tử này vào năm 2025 là mở rộng sang các quốc gia khác nhau và xây dựng quy mô, đồng thời nói thêm rằng họ vẫn có lợi thế độc đáo về mặt thuật toán, logistics và chuỗi cung ứng.

Động lực của các hãng công nghệ lớn Trung Quốc vươn ra nước ngoài xuất phát từ việc ngành công nghiệp internet nội địa, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử, đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

UBS dự đoán mức độ cạnh tranh tổng thể trong ngành sẽ giảm vào năm 2025, trong khi các nền tảng thương mại điện tử vẫn tiếp tục chiến đấu để giành thị phần với tốc độ tăng trưởng hàng năm dự kiến chỉ là 6%.

Hôm 13.1, chính quyền Biden cho biết sẽ siết chặt hơn nữa việc xuất khẩu chip AI và công nghệ liên quan, phân chia thế giới thành các cấp để giữ quyền kiểm soát sức mạnh tính toán tiên tiến trong nước và cho các đồng minh, đồng thời tìm cách ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ này.

Các quy định mới sẽ giới hạn số lượng chip AI được xuất khẩu sang rất nhiều quốc gia, nhưng cho phép những đồng minh thân cận của Mỹ tiếp cận không hạn chế công nghệ AI, đồng thời duy trì lệnh cấm xuất khẩu sang Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên.

Các quy định dài dòng này, được công bố những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Joe Biden sắp mãn nhiệm, không chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn nhằm giúp Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI bằng cách kiểm soát công nghệ trên toàn cầu.

“Mỹ hiện dẫn đầu trong lĩnh vực AI, cả về phát triển AI lẫn thiết kế chip AI, và điều quan trọng là chúng ta phải duy trì vị thế đó”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ - Gina Raimondo phát biểu.

Quy định này đánh dấu nỗ lực kéo dài 4 năm của chính quyền Biden nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các chip tiên tiến có thể tăng cường khả năng quân sự cho cường quốc châu Á này, đồng thời tìm cách duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI bằng cách lấp các lỗ hổng và thiết lập các biện pháp kiểm soát mới để quản lý dòng chảy chip cùng sự phát triển AI toàn cầu.

Hiện chưa rõ chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ thực thi các quy định mới này ra sao, nhưng cả hai chính quyền đều có quan điểm tương đồng về mối đe dọa cạnh tranh từ Trung Quốc. Quy định này dự kiến có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi công bố, cho phép chính quyền Trump có thời gian cân nhắc.

Các giới hạn mới sẽ áp dụng với GPU (bộ xử lý đồ họa) tiên tiến, cần thiết để vận hành những trung tâm dữ liệu phục vụ đào tạo mô hình AI. Hầu hết GPU này đều của Nvidia, trong khi Advanced Micro Devices (AMD) cũng bán chip AI.

Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn như Microsoft, Google và Amazon sẽ có thể xin cấp phép toàn cầu để xây dựng trung tâm dữ liệu, một phần quan trọng trong quy định mới, giúp những dự án của họ được miễn các hạn ngạch quốc gia về chip AI.

Để nhận sự phê duyệt, các công ty được ủy quyền phải tuân thủ điều kiện và hạn chế nghiêm ngặt, gồm các yêu cầu về an ninh, báo cáo và kế hoạch hoặc hồ sơ tuân thủ quyền con người.

Quy định mới của chính quyền Biden chia thế giới thành ba cấp. Khoảng 18 quốc gia, gồm cả Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc và Hà Lan, sẽ được miễn quy định. Khoảng 120 quốc gia khác, gồm cả Singapore, Israel, Saudi Arabia và UAE, sẽ phải đối mặt với hạn ngạch quốc gia. Các quốc gia bị Mỹ cấm vận vũ khí như Nga, Trung Quốc và Iran sẽ bị cấm hoàn toàn tiếp cận công nghệ này.

Ngoài ra, các nhà cung cấp có trụ sở tại Mỹ, chẳng hạn Amazon Web Services và Microsoft, sẽ chỉ được phép triển khai 50% tổng sức mạnh điện toán AI của họ bên ngoài Mỹ, không quá 25% nằm ngoài các quốc gia cấp 1 và không quá 7% tại một nước không thuộc cấp 1.

AI có tiềm năng gia tăng khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thực phẩm, nhưng cũng có thể được sử dụng để phát triển vũ khí sinh học và các loại vũ khí khác, hỗ trợ các cuộc tấn công mạng và phục vụ giám sát hoặc vi phạm nhân quyền.

“Mỹ phải chuẩn bị cho những bước tiến nhanh chóng trong khả năng của AI những năm tới. Điều này có thể có tác động chuyển đổi đến nền kinh tế và an ninh quốc gia của chúng ta”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - Jake Sullivan nhấn mạnh.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cac-hang-cong-nghe-trung-quoc-doi-mat-vien-canh-xau-o-nuoc-ngoai-khi-ong-trump-tro-lai-nha-trang-228248.html