Đồng Nai: Phát triển hạ tầng kinh tế tỉnh theo hướng đột phá khoa học công nghệ, chuyển đổi số

Chiều 14 /1, tại Đồng Nai, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Hội nghị tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ Đề tài 'Phát triển hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai'.

Chủ trì Hội nghị là TS. Huỳnh Thanh Bình - Ủy viên ban Thường vụ tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai, Chủ tịch Hội đồng KH&CN.

Đến tham dự Hội nghị còn có đại diện các Sở Tài nguyên và - Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Ban Tuyên giáo, Đại học Kinh tế TP.HCM và Viện Nghiên cứu kinh doanh cùng GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh Đại học Kinh tế TP.HCM - Chủ nhiệm đề tài.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thách thức từ biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng kinh tế bền vững là một trong những trụ cột quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng sống. GS. TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đã thực hiện đề tài nghiên cứu "Phát triển hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu tình hình mới tỉnh Đồng Nai”.

Nội dung đề tài chủ yếu tập trung xây dựng nền tảng lý luận và đưa ra các giải pháp thực tiễn nhằm phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin - viễn thông, và năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường.

TS. Huỳnh Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai, Chủ tịch Hội đồng KH&CN

TS. Huỳnh Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai, Chủ tịch Hội đồng KH&CN

Hạ tầng giao thông và năng lượng: Nền tảng kết nối và tăng trưởng

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Võ Xuân Vinh cho biết: “Hạ tầng giao thông đóng vai trò xương sống của nền kinh tế, giúp kết nối các khu vực và thúc đẩy giao thương hiệu quả. Việc phát triển đồng bộ các loại hình giao thông bao gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không giúp Đồng Nai phát triển kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Với đường bộ, giải pháp tập trung vào việc áp dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS) với các công nghệ giám sát thời gian thực, đèn tín hiệu tự động và quản lý giao thông bằng AI. Đồng thời, khuyến khích xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp và hệ thống trạm sạc xe điện để giảm thiểu khí thải nhà kính.

Đối với đường thủy, phát triển hệ thống cảng và trung tâm logistics tích hợp, kết nối hiệu quả với các tuyến giao thông khác. Công nghệ điều phối tàu tự động và hệ thống giám sát luồng lạch được khuyến nghị nhằm tối ưu hóa vận tải hàng hóa và giảm tác động đến hệ sinh thái.

Về đường sắt, các tuyến đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị cần được xây dựng song song với mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Các tuyến đường sắt kết nối vùng và trung tâm logistics không chỉ giảm áp lực cho giao thông đường bộ mà còn nâng cao hiệu quả vận tải.

Đường hàng không được định hướng phát triển với các sân bay hiện đại, ứng dụng công nghệ AI và IoT để quản lý sân bay thông minh. Phát triển logistics hàng không và sử dụng năng lượng tái tạo tại sân bay là những giải pháp thiết yếu để đảm bảo bền vững. Cạnh đó, công nghệ thông tin và viễn thông được xem là nền tảng của kinh tế số và xã hội số, đồng thời khuyến nghị đầu tư phát triển trung tâm dữ liệu hiện đại kết hợp với hệ thống điện toán đám mây để đáp ứng nhu cầu xử lý và lưu trữ dữ liệu lớn. Ngoài ra, các giải pháp đảm bảo an ninh mạng và bảo mật dữ liệu cũng được nhấn mạnh nhằm đảm bảo tính an toàn trong môi trường số.

Trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, đầu tư xây dựng mạng lưới viễn thông tốc độ cao, đặc biệt đẩy mạnh phủ sóng 5G tại các khu vực chiến lược. Hệ thống bưu chính cũng cần được hiện đại hóa để hỗ trợ thương mại điện tử và logistics thông minh, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quản lý và vận hành.

GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh - Đại học Kinh tế TP.HCM - Chủ nhiệm đề tài

GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh - Đại học Kinh tế TP.HCM - Chủ nhiệm đề tài

Hạ tầng năng lượng được coi là yếu tố quyết định để đảm bảo an ninh năng lượng và thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững; phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và sinh khối, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Đặc biệt, các dự án điện mặt trời áp mái và điện mặt trời nổi trên mặt nước được đề xuất để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên tự nhiên và diện tích sẵn có.Xây dựng hệ thống lưu trữ năng lượng tiên tiến để đảm bảo nguồn cung ổn định, đặc biệt tại các khu vực công nghiệp và đô thị.

Chuyển đổi số: Động lực cho kinh tế xanh

Đánh giá đề tài, Ủy viên phản biện Hội đồng, PGS. TS Bùi Văn Huyền – Viện trưởng Viện Kinh tế - Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nhận định: Các đồng chí đã rất tuyệt vời khi xây dựng 6 đề tài nhằm xây dựng Nghị quyết cho Đảng bộ tỉnh. Với những gì GS.TS Võ Xuân Vinh trình bày tôi cho rằng, mặc dù thời gian gấp gáp và nguồn kinh phí hạn hẹp, nhưng đây là đề tài tôi đánh giá rất cao.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được nhiều nội dung tốt,những kết luận rút ra rất có cơ sở và GS Vinh đã làm tốt hơn những gì chúng tôi yêu cầu, gây thách thức cho những người còn lại. Tuy nhiên, tôi có thêm mấy ý, là nên cập nhật thêm một số nội dung mới, tính từ lúc nộp hồ sơ đến thời điểm này, cụ thể như Nghị quyết 57 - NQ/TW đã có vị trí và vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Bởi đây cũng là nội dung sẽ triển khai trong thời gian tới để cụ thể hóa quan điểm kinh tế nói chung và các mặt hạ tầng kinh tế nói riêng trong quá trình chuẩn bị văn kiện Đại hội. Ngoài ra, đề nghị đánh giá cụ thể hơn về hạ tầng giao thông cũng như nêu rõ một số giải pháp về qui hoạch sao cho gắn với tình hình thực tiễn địa phương để khi bắt tay vào thực hiện qui hoạch phải đi vào cuộc sống”

Ông Nguyễn Văn Kỳ - Phó chánh văn phòng Sở Giao thông vận tải

Ông Nguyễn Văn Kỳ - Phó chánh văn phòng Sở Giao thông vận tải

Góp ý cho nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Kỳ - Phó chánh văn phòng Sở Giao thông vận tải đề nghị: “Về giao thông cần kết nối làm sao để tránh tắc nghẽn hàng hóa và hành khách, để phần liên kết vùng và kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường bộ , đường hàng không được xuyên suốt. Riêng đường bộ hiện nay đang áp lực rất lớn nên chú ý tập trung mở rộng đường thủy, đường hàng không và đường sắt đô thị để đưa ra những kiến nghị cần thiết cho tỉnh”

Kết luận hội nghị, TS Huỳnh Thanh Bình – Chủ tịch Hội đồng nhận định: Đề tài đã xây dựng được một số nội dung như mong muốn, nhưng cần làm rõ khái niệm kinh tế hạ tầng sao cho ai cũng có thể hiểu được, bởi kinh tế hạ tầng không chỉ là kinh tế xã hội mà còn là kinh tế hữu hình, kinh tế vô hình, kinh tế giao thông…

Ông cũng lưu ý nhóm nghiên cứu đề tài nên đưa ra khái quát để người dân dễ hiểu, kể cả khái niệm sinh thái. Riêng ý kiến đại diện các sở ngành về mở rộng lĩnh vực nghiên cứu, do thời gian gấp gáp và kinh phí hạn hẹp nên có giới hạn và khó thể mở rộng nhiều như vậy.

Chủ tịch Hội đồng cũng thống nhất với PGS.TS Bùi Văn Huyền về việc thêm Nghị quyết 57 -NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào nội dung của đề tài, đồng thời nên định hướng phát triển logistics, nghiên cứu vận chuyển đa phương thức theo hướng phối hợp 3 tỉnh Đồng Nai - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu đổi xe bus bằng xe điện… Ông cũng hi vọng làm sao để đề tài khi triển khai mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất, và không chỉ ngừng lại ở đây mà trong năm 2025 còn nghiên cứu sâu thêm một số hướng khác...

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Với những giải pháp mang đầy tính khoa học và thực tiễn, đề tài của GS. TS. Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh Đại học Kinh tế TP.HCM đã được Hội đồng đánh giá cao và thông qua 100% với gần 2/3 phiếu đánh giá xuất sắc và nhiều phiếu đánh giá cao.

Đề tài “Phát triển hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” đã giúp xây dựng một hệ thống hạ tầng kinh tế hiện đại, thông minh và bền vững. Những định hướng này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh mà còn bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, đưa tỉnh Đồng Nai nói riêng và đưa Việt Nam nói chung trở thành hình mẫu trong xây dựng hạ tầng kinh tế xanh và thông minh trên thế giới.

Phương Thảo - Duy Trường - Cao Thi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dong-nai-phat-trien-ha-tang-kinh-te-tinh-theo-huong-dot-pha-khoa-hoc-cong-nghe-chuyen-doi-so-post537725.html