Các hãng điện thoại Trung Quốc lập liên minh thách thức Google Play
Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi đang hợp tác để tạo ra một nền tảng mới cho các nhà phát triển ở nước ngoài phân phối cùng lúc ứng dụng vào tất cả các cửa hàng ứng dụng trực tuyến.
Các nhà phân tích cho biết các hãng điện thoại di động chạy hệ điều hành Android của Trung Quốc như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi Corp đang hợp tác để tạo ra một nền tảng mới cho các nhà phát triển ở nước ngoài phân phối cùng lúc ứng dụng vào tất cả các cửa hàng ứng dụng trực tuyến, trong một bước đi được đó là thách thức với Google Play.
Bốn công ty công nghệ đang chuẩn bị sẵn sàng cho một tổ chức được gọi là Liên minh dịch vụ nhà phát triển toàn cầu (GDSA). Nền tảng này nhằm mục đích giúp các nhà phát triển ứng dụng trò chơi, âm nhạc, phim ảnh và các ứng dụng khác cho điện thoại thông minh Android dễ dàng mở rộng hơn ở các thị trường trên thế giới.
Kể từ khi cửa hàng ứng dụng Play Store của Google bị cấm ở Trung Quốc, người dùng Android đã quen với việc tải xuống ứng dụng từ nhiều cửa hàng ứng dụng khác nhau, nhiều trong số đó được duy trì bởi các hãng điện thoại như Huawei và Oppo.
Nhưng ở bên ngoài Trung Quốc, Google Play Store lại có một trị vì tối cao, cung cấp một địa điểm duy nhất thuận tiện nơi các nhà phát triển có thể tải lên ứng dụng của họ.
Sự độc quyền này có nghĩa là các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba gặp nhiều khó khăn để hỗ trợ các nhà phát triển trên phạm vi quốc tế và đó là lợi thế có thể bị thách thức bởi nền tảng GDSA.
GDSA ban đầu được nhắm mục tiêu để ra mắt vào tháng 3, mặc dù không rõ kế hoạch này sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi sự bùng phát của virus corona.
Nền tảng này ban đầu sẽ hỗ trợ 9 khu vực, bao gồm Ấn Độ, Indonesia và Nga.
Tất cả bốn hãng điện thoại thông minh lớn của Trung Quốc đều từ chối bình luận về GDSA. Oppo và Vivo đều thuộc sở hữu của nhà sản xuất Trung Quốc BBK Electronics.
Katie Williams, nhà phân tích tại Sensor Tower, cho biết, gã khổng lồ tìm kiếm trên Internet Google, có dịch vụ bị cấm ở Trung Quốc, đã kiếm được khoảng 8,8 tỷ USD trên toàn cầu từ Google Play - cửa hàng ứng dụng chính thức cho hệ điều hành Android - vào năm 2019.
Google cũng bán nội dung như phim ảnh, sách và ứng dụng trên cửa hàng ứng dụng cùng tên của mình và thu tiền hoa hồng 30%. Google, công ty con chính của tập đoàn công nghệ Alphabet, đã không có bình luận về dự án trên của các công ty Trung Quốc.
Nicole Peng, Phó Chủ tịch bộ phận nghiên cứu di động ở Canalys, nhận định: "Bằng cách thành lập liên minh này, mỗi công ty sẽ tìm cách tận dụng lợi thế của những người khác ở các khu vực khác nhau, với cơ sở người dùng mạnh mẽ của Xiaomi ở Ấn Độ, Vivo và Oppo ở Đông Nam Á và Huawei ở châu Âu."
"Thứ hai, liên minh này sẽ tạo cơ sở [để các công ty Trung Quốc] bắt đầu tạo dựng sức mạnh trong đàm phán chống lại Google."
Theo công ty nghiên cứu công nghệ IDC, Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi đã kết hợp để tạo ra 40,1% doanh số điện thoại thông minh toàn cầu trong quý 4 năm ngoái.
Trong khi Oppo, Vivo và Xiaomi có quyền truy cập đầy đủ vào các dịch vụ của Google tại các thị trường quốc tế, Huawei đã mất quyền truy cập vào các thiết bị mới từ năm ngoái sau khi bị Mỹ liệt vào danh sách đen thương mại.
Will Wong, nhà phân tích điện thoại thông minh của IDC cho biết, các hãng điện thoại Trung Quốc đang cố gắng chiếm thị phần lớn hơn về phần mềm và dịch vụ. Cửa hàng ứng dụng, ứng dụng tải trước, quảng cáo và chơi game là những lĩnh vực có thể tạo ra doanh thu mới.
Huawei đã khởi xướng nỗ lực tránh xa Google bằng cách phát triển hệ điều hành Harmony OS của riêng mình như một giải pháp thay thế./.