Các hãng hàng không đang tìm mọi cách để 'tận thu' tiền của 'thượng đế'
Phục hồi nhanh sau đại dịch là một tín hiệu đáng mừng của ngành hàng không. Tuy nhiên, việc đưa ra 'yêu sách' về giá vé cũng như 'đẻ' ra dịch vụ mới để thu tiền của khách vào thời điểm này là khó chấp nhận.
“Yêu sách” tăng trần giá vé
Ngành hàng không bắt đầu công cuộc phục hồi sau đại dịch bằng cao điểm hè 2022 đầy sôi động. Tuy nhiên, chính trong thời điểm này, các hãng hàng không bắt đầu cho thấy vấn đề với những động thái bất ngờ.
Điển hình là việc đề xuất tăng trần giá vé máy bay. Trong văn bản gửi tới Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không lập luận, giá xăng, dầu tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh. Theo tính toán của các hãng hàng không, nếu giá Jet A1 duy trì ở mức 160 USD/thùng cho 6 tháng cuối năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 4.324 tỉ đồng.
Việc chi phí nhiên liệu tăng cao nếu không được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng tới sản lượng khai thác toàn ngành, các hãng hàng không sẽ gặp khó khăn khi phục hồi, mở rộng mạng bay, thậm chí, phải đóng bớt một số đường bay do không cân đối được chi phí.
Từ đó, các hãng hàng không kiến nghị tăng giá trần vé máy bay phổ thông nội địa. Thậm chí, còn đề nghị nghiên cứu phương án gỡ bỏ quy định về giá trần và cho phép các hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho chặng bay nội địa.
Trên thực tế, “yêu sách” bỏ trần giá vé máy bay được các hãng hàng không, điển hình nhất là Vietnam Airlines đề cập đến rất nhiều lần trong những năm qua. Lý giải cho đề xuất này, Vietnam Airlines cho rằng đây là việc cần làm để thị trường tự điều tiết giá vé theo cung cầu trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam đang hội nhập với thế giới.
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, Vietnam Airlines không dưới 4 lần yêu cầu bỏ trần giá vé máy bay bất chấp việc tất cả lần đề xuất của họ, cho tới thời điểm này vẫn chưa được chấp thuận.
“Đẻ” dịch vụ mới để tận thu tiền của khách
Mới đây nhất, các hãng hàng không tiếp tục trở thành tâm điểm của dư luận khi họ “đẻ” ra dịch vụ ưu tiên làm thủ tục hàng không tại sân bay, hay gọi nôm na là dịch vụ check-in nhanh có thu phí.
Theo đó, những hành khách muốn nhanh chóng hoàn thành thủ tục hàng không tại sân bay có thể đến với dịch vụ này nếu như chấp nhận trả thêm từ 100.000 - 140.000 đồng/chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Thậm chí, các hãng bay còn đưa ra khuyến cáo rằng hành khách nên lựa chọn dịch vụ check-in nhanh, không phải xếp hàng chờ đợi.
Theo hướng dẫn của các hãng bay, hành khách có thể đăng ký dịch vụ ưu tiên làm thủ tục khi đặt vé máy bay hoặc mua bổ sung trước 3 giờ khởi hành, cho cả các chuyến bay trong nước và quốc tế. Dịch vụ này hiện chỉ áp dụng tại khu vực làm thủ tục của hãng, chưa triển khai ở các cửa an ninh, khởi hành.
Vietnam Airlines là hãng bay duy nhất không triển khai dịch vụ ưu tiên check-in này nhưng thay vào đó, họ triển khai dịch vụ gia tăng là nâng hạng với mức giá từ 399.000 đồng đến gần 1,5 triệu đồng với các chặng bay nội địa và từ 1,19 triệu đồng đến gần 12 triệu đồng với chặng bay quốc tế (tùy từng đường bay). Hành khách nâng hạng vé của Vietnam Airlines ngoài ưu tiên làm thủ tục còn được hưởng tiêu chuẩn thẻ hành lý, ưu tiên chất xếp hành lý, phục vụ suất ăn, lối đi ưu tiên tại sân bay, phòng chờ hạng thương gia.
Giới chuyên môn nhìn nhận, việc các hãng hàng không đòi tăng trần giá vé máy bay hay “đẻ” ra dịch vụ ưu tiên check-in có thu phí, trên thực tế đều nhằm tới một mục đích cuối cùng là “tận thu” nguồn lực từ chính những “thượng đế” của mình.
Trong điều kiện bình thường, việc sinh ra những dịch vụ ưu tiên có thu phí có thể chấp nhận được, bởi “phú quý sinh lễ nghĩa”, đời sống càng cao thì nhu cầu hưởng dịch vụ chất lượng cao càng lớn. Tuy nhiên, khi cả xã hội vẫn đang kiệt quệ sau đại dịch Covid-19, người dân cả nước vẫn gặp vô vàn khó khăn mà vẫn muốn “tận thu” như thế này là không thể chấp nhận được.
Cần làm rõ trách nhiệm
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không khẳng định, việc bắt hành khách trả thêm tiền để “đi tắt” qua dịch vụ check-in tại sân bay là điều vô lý và đếu để dịch vụ này triển khai sẽ tạo ra sự bất công lớn đối với những hành khách đi máy bay không sử dụng dịch vụ này.
Bởi, bản chất của việc làm thủ tục check-in tại sân bay là hoạt động diễn ra lần lượt, người nào đến trước sẽ làm trước, người nào đến sau sẽ làm sau. Miễn sao hành khách hoàn thành thủ tục check-in trong khung giờ quy định để lên máy bay đúng giờ là được.
“Bắt hành khách phải trả thêm tiền để đi “tắt”, tránh xếp hàng khi làm thủ tục check-in là chuyện rất vô lý. Động cơ chính của các hãng hàng không khi đưa ra dịch vụ này chẳng qua là muốn thu thêm tiền từ hành khách” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch vụ ưu tiên check-in nhanh này chính là một cách biến tướng để tăng giá vé trái quy định. Dịch vụ này không chỉ đẩy giá vé cuối cùng lên cao mà còn kéo theo nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi, gây bức xúc cho khách hàng.
“Thay vì vẽ thêm dịch vụ để thu phí, tại sao các hãng không nâng cao năng lực khai thác bằng cách đẩy mạnh dịch vụ check-in online? Nếu hầu hết khách hàng đều được check-in online sẽ không phải xếp hàng chờ đợi làm thủ tục tại sân bay và cũng sẽ không phải mất thêm phí để được ưu tiên" – PGS.TS Ngô Trí Long nói.
Cục Hàng không Việt Nam đã chính thức yêu cầu các hãng hàng không dừng triển khai dịch vụ check-in nhanh có thu phí này. Các chuyên gia cho rằng, động thái trên của Cục Hàng không là kịp thời và cần thiết để tránh những tiền lệ xấu . Bởi, nếu cho phép dịch vụ này triển khai, không ai dám chắc sau này các hãng hàng không sẽ còn “đẻ” ra những dịch vụ tận thu tiền của “thượng đế” tương tự khác.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, ngoài việc dừng triển khai dịch vụ check-in nhanh thu phí này cần phải làm rõ trách nhiệm quản lý thuộc của Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan. Bởi nếu không có sự tắc trách, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát của cơ quan có trách nhiệm thì các hãng hàng không sẽ không thể “đẻ” ra dịch vụ này và đưa vào hoạt động rồi mới bị phát hiện và “tuýt còi” như vậy.