Các hãng hàng không xoay sở ra sao giữa làn không kích dữ dội ở Trung Đông?

Khi các cuộc không kích dữ dội giữa Israel và các nhóm vũ trang trong khu vực chưa hạ nhiệt, nhiều chuyến bay thương mại vẫn dũng cảm bay qua không phận Trung Đông. Thậm chí, các phi công còn nhìn thấy tên lửa bay qua không trung từ buồng lái.

Máy bay của hãng hàng không Middle East Airlines bay qua vùng ngoại ô Beirut vào tháng trước. Ảnh: New York Times

Máy bay của hãng hàng không Middle East Airlines bay qua vùng ngoại ô Beirut vào tháng trước. Ảnh: New York Times

Theo trang The Al Jazeera, thiết bị bay không người lái, rocket và tên lửa đã bay khắp bầu trời kể từ khi Israel phát động cuộc tấn công ở Dải Gaza vào ngày 7/10/2023, tiếp theo là cuộc tấn công vào Liban một năm sau đó.

Những vùng trời đầy rủi ro

Ngày 1/10, Iran đã nã khoảng 200 tên lửa vào Israel để trả đũa loạt vụ ám sát mà nước này cáo buộc Israel gây ra. Các hãng hàng không trong khu vực lúc đó đều không có sự chuẩn bị, bao gồm chuyến bay Air France Paris - Dubai đang bay trên bầu trời Iraq vào thời điểm đó.

Phi công trên chuyến bay đó đã có thể nhìn thấy tên lửa lao vút qua bầu trời. Còn kiểm soát không lưu Iraq không thể làm gì hơn, ngoài việc chúc họ may mắn.

Các chuyên gia cho rằng không có nhiều lựa chọn cho một số tuyến đường bay nhất định.

Ông Ian Petchenik, Giám đốc truyền thông của Flightradar24, cho biết kể từ khi chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi năm 2014 khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng trên bầu trời miền Đông Ukraine, các tuyến bay giữa châu Âu và Đông Nam Á đã bị thu hẹp. Sự cố này khiến nhiều hãng hàng không thương mại tránh xa miền Đông Ukraine.

Khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, toàn bộ không phận Ukraine đã phải đóng cửa. Nhiều hãng hàng không phương Tây cũng lựa chọn tránh bay qua không phận Nga và Belarus.

Giờ đây, cuộc chiến của Israel ở Gaza và Liban cũng đã làm giảm thêm không phận có thể bay an toàn.

Mức độ nguy hiểm của các chuyến bay

Cảnh nhìn từ một chuyến bay thả hàng cứu trợ xuống thành phố Gaza của Không quân Hoàng gia Jordan hồi tháng 3. Chuyến bay này được hướng dẫn bay qua vùng ngoại ô Tel Aviv và dọc theo bờ biển Israel bởi kiểm soát không lưu Israel. Ảnh: Al Jazeera

Cảnh nhìn từ một chuyến bay thả hàng cứu trợ xuống thành phố Gaza của Không quân Hoàng gia Jordan hồi tháng 3. Chuyến bay này được hướng dẫn bay qua vùng ngoại ô Tel Aviv và dọc theo bờ biển Israel bởi kiểm soát không lưu Israel. Ảnh: Al Jazeera

Máy bay thương mại sẽ an toàn nếu bay trên đường bay đã được phê duyệt.

Ông Andrew Charlton, Giám đốc công ty tư vấn Aviation Advocacy, cho biết lý do là vì tất cả các nhân viên kiểm soát không lưu đều quan tâm đến lợi ích của người dân, ngay cả khi các quốc gia xung đột với nhau.

Mỗi hãng hàng không cũng sẽ tự giải quyết vấn đề riêng.

Chuyên gia hàng không Paul Beaver nói: “Các hãng hàng không có mối quan hệ rất tốt với các quốc gia mà họ bay đến và bay qua”.

Ông Beaver cũng cho biết công nghệ và các giao thức - bao gồm cả nhiên liệu dự phòng trong trường hợp chuyển hướng, sẽ đảm bảo hoạt động hàng không thương mại an toàn trong khu vực. Còn trong cuộc tấn công ngày 1/10 vừa qua, phi công chỉ cần nhấn một vài nút để thiết lập lộ trình theo một tuyến đường thay thế đã định trước.

Tuy nhiên, ông Charlton cho biết việc bay qua khu vực này vẫn bao gồm “rủi ro được tính toán” dựa trên đánh giá của nhóm an ninh hàng không.

Điều gì xảy ra khi một quốc gia đóng cửa không phận?

Câu trả lời là xác định lại tuyến đường bay, mặc dù điều đó đi kèm với nhiều vấn đề.

Ví dụ, các chuyến bay hoạt động trong thời gian căng thẳng leo thang xung quanh Israel hoặc Liban thường được chuyển hướng qua bán đảo Sinai hoặc Cairo, yêu cầu cơ quan kiểm soát không lưu Ai Cập phải xử lý.

Song ông Petchenik cho biết việc đóng cửa không phận đột ngột trên toàn khu vực có thể đe dọa gây “quá tải” năng lực quản lý không lưu của một quốc gia.

Đóng cửa không phận cũng có tác động về mặt tài chính, khiến các quốc gia mất nguồn thu thuế quan trọng và có nguy cơ khiến các hãng hàng không sợ bay đến các điểm đến trong biên giới của họ.

Kiểm soát không phận cũng có thể là một công cụ chính trị. Ví dụ, hôm 17/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Israel Isaac Herzog về việc sử dụng không phận của nước này cho chuyến bay của ông để tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Baku, Azerbaijan.

Tên lửa có phải là mối đe dọa duy nhất?

Hiện nay, Israel đang sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giả để truyền tín hiệu sai đến máy bay. Nếu bạn ở trong khu vực này, việc vị trí GPS của bạn đột nhiên hiển thị bạn ở thành phố hoặc quốc gia nào khác là điều không có gì bất thường.

Việc sử dụng GPS giả chỉ đơn giản là gửi dữ liệu sai đến một trình theo dõi GPS thay vì lấn át tín hiệu, điều này xảy ra khi gây nhiễu GPS.

Ông Petchenik cho biết các hãng hàng không hiện đã quen với hoạt động này và sử dụng các hệ thống dẫn đường thay thế khi sự cố xảy ra. Tuy nhiên, điều này đã gây ra một số báo động khi nó có thể gây nhầm lẫn cho các hệ thống máy bay và kích hoạt cảnh báo địa hình sai.

Israel đã trang bị cho máy bay thương mại của nước này hệ thống chống tên lửa kể từ năm 2004. Hệ thống “bảo vệ chuyến bay” này bao gồm một công cụ radar phát hiện tên lửa đang bay tới và bắn pháo sáng để đánh lạc hướng chúng. Theo tờ Haaretz của Israel, mỗi hệ thống này có giá khoảng 1 triệu USD.

Các hãng hàng không và máy bay khác được cho là cũng sử dụng hệ thống tương tự trên máy bay, đặc biệt là máy bay chở nguyên thủ quốc gia và các nhân vật quan trọng khác, nhưng không rõ số lượng.

MEA - Hãng hàng không quốc gia “dũng cảm”

Trong cuộc xung đột với Israel, hãng hàng không Middle East Airlines (MEA) của Liban vẫn tiếp tục bay hàng ngày. Nhiều người dân Liban bày tỏ sự ngưỡng mộ và coi MEA là niềm tự hào quốc gia.

Trong những tuần qua, các phi công của MEA được ca ngợi là “anh hùng” vì có thể xoay xở giữa các cuộc không kích của Israel.

MEA hiện là hãng hàng không duy nhất phục vụ các chuyến bay đến và rời khỏi Liban, giúp hàng chục nghìn hành khách đi đến nơi an toàn và mang về hàng viện trợ quý giá cho quốc gia.

MEA duy trì hoạt động bay từ sân bay thương mại duy nhất ở miền Nam thủ đô Beirut - nơi rất gần với các khu vực bị Israel ném bom dữ dội trong những tuần gần đây.

Mặc dù lưu lượng hành khách tại sân bay giảm còn 30% so với mức trung bình trước thời chiến, MEA vẫn khai thác khoảng 40 chuyến bay mỗi ngày. Các chuyến rời Liban thường chật kín khách, còn chiều đi về thì có đến hơn 60% ghế trống.

Đám khói bốc lên gần Sân bay quốc tế Beirut. Ảnh: X

Đám khói bốc lên gần Sân bay quốc tế Beirut. Ảnh: X

Thực tế đó cho thấy số người Liban muốn rời đến nơi an toàn nhiều hơn hẳn con số đến đây làm việc hoặc thăm hỏi gia đình.

Những hình ảnh ấn tượng về những chiếc máy bay MEA cất cánh và hạ cánh từ Sân bay quốc tế Beirut - Rafic Hariri giữa khói lửa dày đặc do các cuộc không kích của Israel gây ra đã lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Cơ trưởng Mohammed Aziz của MEA cho biết các giám đốc điều hành cấp cao phải dành khoảng 5 giờ mỗi ngày để xác định việc bay đến và đi khỏi Beirut có an toàn hay không.

“Mục đích của chúng tôi lúc này không phải kiếm tiền, mà là giữ cho sân bay mở cửa và duy trì hoạt động cho đất nước. Chúng tôi đã nhận được một số lời đảm bảo rất tốt từ chính phủ, từ các đại sứ quán nước ngoài lớn, rằng sân bay Beirut, miễn là được sử dụng cho mục đích dân sự, sẽ được tách khỏi cuộc xung đột”, ông nói.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo AJ, FT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cac-hang-hang-khong-xoay-so-ra-sao-giua-lan-khong-kich-du-doi-o-trung-dong-20241121215113554.htm