Bộ tư lệnh không quân Ukraine cho biết Nga sáng 21/11 tấn công các doanh nghiệp và hạ tầng thiết yếu ở thành phố Dnipro bằng nhiều loại tên lửa, trong đó có một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) phóng từ tỉnh Astrakhan, một tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và 7 tên lửa hành trình tầm xa Kh-101.
"Lực lượng Nga đã tấn công thành phố Dnipro bằng nhiều loại tên lửa khác nhau trong khoảng thời gian từ 5-7h sáng ngày 21/11. Cụ thể, một tên lửa đạn đạo liên lục địa đã được phóng từ tỉnh Astrakhan của Nga", thông báo viết.
Giới chức Ukraine không nêu chủng loại ICBM và mục tiêu cụ thể. "Các đơn vị phòng không đã bắn hạ 6 quả đạn Kh-101. Những tên lửa khác không gây hậu quả đáng kể. Chưa có thông tin về thương vong", cơ quan này cho hay.
Nga chưa bình luận về cáo buộc của Ukraine, nhưng Reuters cho biết, nếu đây là thông tin chính xác, thì nó sẽ là lần đầu tiên mà Moscow sử dụng một tên lửa tầm xa mạnh mẽ như vậy trong cuộc chiến đã vượt qua mốc 1.000 ngày.
Kênh Telegram Truka lớn nhất Ukraine với hơn 2,7 triệu người theo dõi cùng ngày đăng video cho thấy hàng loạt vệt sáng lao xuống thành phố Dnipro, mô tả đó là "các đầu đạn của ICBM Nga" đang tập kích mục tiêu.
Đây là lần đầu xuất hiện thông tin Nga triển khai ICBM để tập kích mục tiêu tại Ukraine. Động thái diễn ra một ngày sau khi quân đội Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow do Mỹ, Anh viện trợ để tập kích mục tiêu nằm trong lãnh thổ tỉnh Kursk và Bryansk của Nga.
Trước đó đã xuất hiện thông tin cho biết Nga đã di chuyển tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh từ một địa điểm ở thành phố Astrakhan bên bờ Biển Caspi.
Một số đại sứ quán phương Tây tại Kiev đã đóng cửa do lo ngại Moscow sẽ tập kích sau khi Ukraine dùng tên lửa phương Tây tập kết vào lãnh thổ Nga.
ICBM là tên lửa đạn đạo có tầm bắn trên 5.500 km, được thiết kế chủ yếu để tấn công mục tiêu chiến lược bằng một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân có sức công phá lớn.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng có thể mang đầu đạn nổ thông thường nặng tới 1,5 tấn và vũ khí sinh hóa, nhưng các loại đầu đạn này chưa từng được triển khai trong thực tế.
Bên phòng thủ cũng gần như không thể phân biệt được đâu là ICBM thông thường, đâu là vũ khí mang đầu đạn hạt nhân.
Các dòng ICBM đời đầu có độ chính xác thấp và thường chỉ dùng để tấn công mục tiêu cỡ lớn như đô thị. Tuy nhiên, các thế hệ ICBM mới nhất của Nga và Mỹ đã cải thiện đáng kể khả năng tấn công, cho phép nhắm vào những mục tiêu đơn lẻ với độ chính xác cao.
RS-26 là một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Nga, rất khác so với tên lửa đạn đạo của các quốc gia khác trên thế giới.
Tên lửa RS-26 có chiều dài khoảng 12m, đường kính 1,8m, trọng lượng phóng khoảng 36 tấn và do Viện Công nghệ nhiệt Moscow nghiên cứu và thiết kế vào thập niên 2010.
Điểm đặc biệt trên RS-26 là mỗi đầu đạn của nó bay theo quỹ đạo đối thủ không đoán trước được với tốc độ vượt âm. Vì thế, đối phương không thể vô hiệu hóa đầu đạn bằng bất cứ thứ vũ khí gì, cả vũ khí có triển vọng nhất.
Là tên lửa mới nên những thông tin về RS-26 vẫn được Nga giữ kín, tuy nhiên theo một số thông tin ít ỏi được tiết lộ, tên lửa RS-26 được chế tạo trên cơ sở RS-24 Yars.
RS-26 chủ yếu trang bị trên bệ phóng di động, tuy nhiên nó cũng có thể bắn từ hầm phóng. Tên lửa đạn đạo (ICBM) RS-26 được trang bị đầu đạn tân tiến nhất, hoàn toàn mới và có khả năng tự phân tách (MIRV).
Dòng tên lửa này có thể mang theo nhiều đầu đạn có tốc độ siêu cao và cơ động. Tên lửa RS-26 được trang bị công nghệ tiên tiến như kỹ thuật dẫn đường đa phương thức, chủ động giúp tăng mức độ tấn công chính xác mục tiêu và độ bảo mật tốt hơn.
RS-26 sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn và hệ điều khiển quán tính truyền thống.
Khi tấn công mục tiêu, các đầu đạn của RS-26 được tách ra khỏi tầng cuối cùng của tên lửa, quỹ đạo bay của các đầu đạn với vận tốc siêu nhanh khiến cho các hệ thống đánh chặn không thể xác định được.
Đầu đạn cơ động cao của RS-26 Rubezh bay với tốc độ 6,7 km/s và liên tục thay đổi quỹ đạo trong hành trình, trong khi Patriot chỉ có khả năng bắn trúng mục tiêu với tốc độ 3,5 km/s.
Ngoài ra thời gian triển khai phóng RS-26 cực kỳ nhanh, khi tên lửa được lên không vượt quá 5 phút. Hệ thống phòng thủ dưới mặt đất thậm chí không kịp để định vị.
Việt Hùng
Theo Reuters, Militarnyi, Telegraph.