Các hãng ô tô đưa nút bấm vật lý trở lại sau cuộc đua màn hình cảm ứng
Sau nhiều năm chạy theo xu hướng tích hợp mọi chức năng vào màn hình cảm ứng, các hãng xe trên thế giới đang dần đưa trở lại các nút bấm vật lý, trước sức ép từ người dùng và quy định an toàn mới.

Các hãng sản xuất ô tô đang quay lại với các nút bấm vật lý. Ảnh: wired
Khi Tesla ra mắt Model S với khoang nội thất gần như không có nút bấm, chỉ sử dụng một màn hình cảm ứng cỡ lớn, nhiều hãng ô tô nhanh chóng làm theo. Từ xe sedan phổ thông đến bán tải hạng sang, bảng táp-lô dần được tối giản, thay thế cụm điều khiển truyền thống bằng giao diện màn hình như điện thoại thông minh.
Không chỉ mang đến vẻ hiện đại, việc sử dụng màn hình cảm ứng còn giúp các nhà sản xuất tiết kiệm chi phí, khi không phải thiết kế và lắp đặt hàng chục nút bấm cơ học. Một màn hình trung tâm có thể tích hợp hàng loạt chức năng như điều hòa, âm thanh, bản đồ, đèn chiếu sáng hay điều chỉnh ghế.
Tuy nhiên, sau giai đoạn ban đầu tạo hứng khởi, trải nghiệm thực tế lại dấy lên làn sóng phản đối. Người dùng cho rằng việc thao tác với màn hình cảm ứng khiến họ phải mất thời gian tìm kiếm và thực hiện các chức năng cơ bản, gây mất tập trung khi lái xe. Một nghiên cứu của Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA) năm 2017 chỉ ra rằng, tài xế mất trung bình 40 giây để điều chỉnh một tính năng qua màn hình, đủ để xe chạy hơn 500 m mà người lái không quan sát đường.
“Việc lạm dụng màn hình cảm ứng là vấn đề chung của toàn ngành. Tài xế bị buộc phải rời mắt khỏi đường, làm tăng nguy cơ tai nạn”, ông Matthew Avery, Giám đốc chiến lược của Euro NCAP chia sẻ với tờ Times (Anh).
Những cảnh báo về an toàn dần chuyển thành quy định. Euro NCAP đã thay đổi tiêu chuẩn đánh giá an toàn cho ô tô từ năm 2024, yêu cầu các mẫu xe muốn đạt 5 sao phải có nút bấm vật lý cho ít nhất 5 chức năng gồm: còi, đèn báo rẽ, đèn cảnh báo nguy hiểm, cần gạt mưa và nút SOS. Quy định này sẽ có hiệu lực bắt buộc từ năm 2026.
Tại Mỹ, Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia (NHTSA) từng đề xuất cập nhật tiêu chuẩn an toàn liên quan đến mất tập trung do giao diện màn hình, nhưng từ năm 2022 đến nay vẫn chưa có tiến triển rõ ràng.
Trong khi đó, các hãng xe châu Âu và Hàn Quốc đã bắt đầu điều chỉnh. Volkswagen từng hứng chịu làn sóng chỉ trích khi loại bỏ nút vật lý trên các dòng xe điện ID.3 và ID.4. CEO Thomas Schaffer sau đó thừa nhận đây là “một quyết định gây thiệt hại lớn” và tuyên bố hãng sẽ đưa các nút cơ học trở lại, bắt đầu với mẫu Golf và Taos.
Hyundai cũng điều chỉnh thiết kế dựa trên phản hồi người dùng. Trưởng bộ phận thiết kế của hãng, ông SangYup Lee, chia sẻ: “Nếu một tính năng không thực sự giúp ích cho người dùng, thì đó không phải là một tính năng tốt”.
Porsche, hãng xe thể thao Đức, giữ lại các núm xoay vật lý ở một số chức năng trên mẫu Cayenne mới, trong khi Mercedes-Benz - hãng từng gây tiếng vang với hệ thống màn hình Hyperscreen - cũng bắt đầu đánh giá lại vai trò của nút điều khiển vật lý trong thiết kế nội thất xe.
Tại Trung Quốc, nơi công nghệ xe điện và màn hình cảm ứng phát triển mạnh, nhiều hãng xe vẫn theo đuổi xu hướng tích hợp toàn bộ chức năng vào màn hình trung tâm. Tuy nhiên, phản ứng tiêu cực từ người tiêu dùng chưa rõ ràng như tại Mỹ và châu Âu.
Việc các nhà sản xuất đưa nút bấm vật lý trở lại cho thấy một xu hướng thiết kế mới: công nghệ trong xe hơi không chỉ cần hiện đại, mà còn phải thuận tiện, an toàn và thân thiện với người lái.