Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có thể bị áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả nào?

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là một trong những loại vi phạm hành chính đã và đang xảy ra, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là một trong những biện pháp pháp lý quan trọng của Nhà nước nhằm ngăn ngừa, hạn chế tiến tới loại bỏ hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Cán bộ Đồn Biên phòng Roòn, BĐBP Quảng Bình phát tờ rơi, tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành các quy định khi khai thác hải sản trên biển. Ảnh: Châu Thành

Cán bộ Đồn Biên phòng Roòn, BĐBP Quảng Bình phát tờ rơi, tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chấp hành các quy định khi khai thác hải sản trên biển. Ảnh: Châu Thành

Ngày 5/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, có hiệu lực từ ngày 20/5/2024 và thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ. Theo đó, đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có thể bị áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

Thứ nhất, về hình thức xử phạt chính:

Nghị định quy định 01 hình thức xử phạt chính áp dụng trong lĩnh vực thủy sản là phạt tiền (mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện là 1.000.000.000 đồng, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân).

Thứ hai, về hình thức xử phạt bổ sung:

Nghị định quy định 2 hình thức xử phạt bổ sung áp dụng trong lĩnh vực thủy sản, bao gồm: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Thứ ba, về biện pháp khắc phục hậu quả:

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, d, đ, e và g, khoản 1, Điều 28, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Nghị định này quy định 16 biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng trong lĩnh vực thủy sản, bao gồm:

(1) Buộc thả thủy sản, giống thủy sản còn sống trở lại môi trường sống của chúng;

(2) Buộc chuyển giao thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm đã chết cho cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm là loài thủy sản có phần lớn hay cả vòng đời sống trong môi trường nước, có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học, y tế, sinh thái, cảnh quan và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được phân thành hai nhóm, gồm Nhóm I và Nhóm II. Loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm I khi đáp ứng các tiêu chí sau: Mang nguồn gen quý, hiếm để bảo tồn, chọn giống phục vụ nuôi trồng thủy sản hoặc chứa chất hoặc hoạt chất có tác dụng sinh học đặc hiệu được sử dụng làm nguyên liệu điều chế các sản phẩm thuốc phục vụ ngành y tế hoặc có khả năng sinh lợi cao khi được thương mại hóa hoặc giữ vai trò quyết định trong việc duy trì sự cân bằng của các loài khác trong quần xã hoặc có tính đại diện hay tính độc đáo của khu vực địa lý tự nhiên; số lượng còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn được xác định bằng mức độ suy giảm quần thể ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 5 năm tiếp theo. Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (Nhóm I) đã được quy định cụ thể tại Phụ lục II (ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản).

(3) Buộc thả bổ sung loài thủy sản theo quy định;

(4) Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng loài thủy sản hoặc giống thủy sản hoặc thức ăn thủy sản hoặc sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, trường hợp không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi thì buộc tiêu hủy thủy sản hoặc giống thủy sản hoặc thức ăn thủy sản hoặc sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

(5) Buộc chủ tàu cá chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ, xử lý về nước;

(6) Buộc nộp lại giấy chứng nhận, xác nhận, giấy phép, văn bản chấp thuận, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung;

(7) Buộc vây bắt, tiêu diệt loài thủy sản sống bị thoát ra môi trường tự nhiên hoặc thủy sản được cho sinh sản trái phép từ loài thủy sản sống;

(8) Buộc thu hồi thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

(9) Buộc hủy bỏ kết quả đăng kiểm;

(10) Buộc di dời hoặc phá dỡ công trình nuôi trồng thủy sản;

(11) Buộc tái xuất tàu cá nhập khẩu, trường hợp không thể tái xuất tàu cá thì buộc chuyển đổi mục đích sử dụng tàu cá hoặc phá dỡ tàu cá hoặc đánh đắm tàu cá;

(12) Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng tàu cá hoặc phá dỡ tàu cá;

(13) Buộc treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc cờ quốc tịch theo quy định;

(14) Buộc tàu cá nước ngoài (trừ tàu Công ten nơ) vận chuyển thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh vào Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;

(15) Buộc trả lại diện tích đã lấn chiếm;

(16) Buộc tái xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu, trường hợp không thể tái xuất thì buộc tiêu hủy.

Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế (Học viện Biên phòng)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cac-hanh-vi-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-thuy-san-co-the-bi-ap-dung-hinh-thuc-xu-phat-va-bien-phap-khac-phuc-hau-qua-nao-post478277.html