Các hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp khó khăn ứng dụng công nghệ cao

Chia sẻ tại Diễn đàn Nông nghiệp 2024 với chủ đề 'Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0', chiều ngày 23/7, ông Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao nhấn mạnh, các hộ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp của Việt Nam chưa có điều kiện và năng lực để ứng dụng công nghệ cao.

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất. Qua đó, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

“Với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm”, ông Phòng chia sẻ.

Diễn đàn Nông nghiệp 2024 tập trung thảo luận giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cho sản xuất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, việc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng là rất cấp thiết.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế. Trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp dễ tổn thương và chịu nhiều tác động của sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp.

Bởi vậy, cần tiếp cận theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao, chứ không đơn thuần chỉ là phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

“Nói cách khác, nông nghiệp ứng dụng công nghệ 5.0 gợi mở tầm nhìn về một nền nông nghiệp hiệu quả, năng suất cao, trong đó sự hợp tác của con người với khoa học - công nghệ được đề cao.

Với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng công nghệ 5.0 với khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất, hàng chục triệu nông dân sẽ được tiếp cận, đào tạo kỹ năng để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị cho nền nông nghiệp bền vững”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ông Đặng Kim Sơn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao cho biết, lực lượng chủ lực trong sản xuất, kinh doanh nông lâm ngư nghiệp ở Việt Nam vẫn là khoảng 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ và vài triệu hộ kinh doanh nông nghiệp.

“Với quy mô đất đai manh mún và nguồn vốn nhỏ bé, trình độ chuyên môn kỹ thuật hạn chế, các hộ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp của Việt Nam chưa có điều kiện và năng lực để ứng dụng công nghệ cao”, ông Sơn chỉ rõ.

Ông Đặng Kim Sơn cho rằng, các hộ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp còn hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Ông Đặng Kim Sơn cho rằng, các hộ sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp còn hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Theo đó, chỉ khoảng 1 - 2 % doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và trong số đó chỉ khoảng dưới 50 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Khoảng dưới 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chưa tới 3% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp).

Để hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao, ông Sơn đề xuất Chính phủ cần hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao (khu NNCNC), vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực.

Đồng thời, áp dụng những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Nhanh chóng đổi mới cơ chế và hoàn thiện hệ thống tổ chức của các viện nghiên cứu và trường đại học, thực sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo. Tạo động lực để cán bộ khoa học tập trung vào sáng tạo, quan tâm đến hiệu quả cuối cùng của sản phẩm khoa học.

“Cần đổi mới căn bản thủ tục hình thành, cơ chế quản lý và chính sách hỗ trợ để hình thành các khu NNCNC, vùng NNCNC tạo ra các cụm liên kết ngành, tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao, công viên nông nghiệp công nghệ cao, vườn ươm khởi nghiệp sáng tạo đối tác công-tư”, ông Sơn khuyến nghị.

Ngân Hà

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/cac-ho-san-xuat-kinh-doanh-nong-nghiep-kho-khan-ung-dung-cong-nghe-cao/20240723043349027