Các hoạt động của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12) tại Thụy Sỹ
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12 (MC12) của Tổ chức Thương mại thế giới diễn ra ngày 12-15 tháng 6 năm năm 2022 tại Geneva, Thụy Sỹ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có các cuộc gặp song phương với một số đối tác bao gồm Ít-xra-en, Costa Rica, Ốt-xtrây-lia, Xinh-ga-po và Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA).
Đối với Ít-xra-en, Bộ trưởng đã có cuộc gặp với Cao ủy Thương mại Ohad Cohen. Hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ song phương đã phát triển hết sức tốt đẹp, đặc biệt sau cuộc điện đàm gữa Thủ tướng Chính phủ hai nước vào tháng 7 năm 2021 và chuyến thăm Ít-xra-en của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, vào tháng 5 năm 2022. Để triển khai các chủ trương đã được lãnh đạo hai bên thống nhất, hai Bộ trưởng đã thống nhất nhiều chương trình hợp tác và các giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, hai bên thống nhất thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương Việt Nam - Ít-xra-en để có thể kết thúc đàm phán ngay trong năm nay và sau đó trình các cấp có thẩm quyền quyết định. Thứ hai, hai bên thống nhất cần đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương để đón đầu khi Hiệp định FTA song phương được ký kết, phê duyệt và đưa vào thực thi.
Cụ thể, hai bên thống nhất thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp áp dụng hàm lượng khoa học và công nghệ cao, khởi nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp v.v... để thúc đẩy thương mại song phương vốn còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với Bộ trưởng Ngoại thương Costa Rica Manuel Tovar Rivera, hai bên cũng trao đổi về các biện pháp để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Việt Nam sẵn sàng là cầu nối để Costa Rica tăng cường hợp tác với các nước ASEAN nói riêng và các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Đối với nguyện vọng của Costa Rica về việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự quan tâm của Costa Rica đối với Hiệp định CPTPP và cho biết Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Costa Rica trong việc tìm hiểu quy trình, thủ tục gia nhập Hiệp định này.
Hai bên thống nhất cần thúc đẩy các hoạt động giao thương ngay trong năm nay khi nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi và cả hai bên đã mở cửa trở lại sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Bộ trưởng Costa Rica cho biết sẽ sớm tổ chức đoàn với các cơ quan xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp hàng đầu sang tìm hiểu thị trường Việt Nam cũng như tìm thêm các cơ hội mua hàng từ doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là nơi cung ứng hàng hóa ổn định và có chất lượng, được nhiều đối tác tin cậy.
Tại phiên họp song phương với Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Ốt- xtrây-lia Don Farrel, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thảo luận về một số khuôn khổ hợp tác đa phương, khu vực và song phương. Phía Ốt- xtrây-lia đánh giá cao các đóng góp tích cực của Việt Nam vào các nội dung thảo luận của nhóm các nước xuất khẩu nông sản trong WTO (nhóm Cairns).
Với tư cách là Chủ tịch của Nhóm Cairns, Ốt- xtrây-lia sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để giải quyết một số bất bình đẳng trong thương mại hàng nông sản trong phạm vi toàn cầu như vấn đề trợ cấp nông sản của các nước hay các biện pháp phi thuế và hàng rào kỹ thuật ở nhiều nơi làm ảnh hưởng đến thương mại hàng nông sản.
Về quan hệ hợp tác song phương, hai bên thống nhất thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho các ngành sản xuất trong bối cảnh các chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy vì tác động của đại dịch Covid-19 và những căng thẳng địa chính trị trong thời gian qua, đặc biệt là than và một số nguyên liệu cơ bản. Hai bên cũng trao đổi về hợp tác trong các khuôn khổ thương mại khu vực như Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ốt-xtrây-lia và Niu Di-lân và Hiệp định CPTPP. Hai bên thống nhất mục tiêu hợp tác với các nước ASEAN để thực hiện mục tiêu sớm kết thúc đàm phán ngay trong Quý III năm nay. Đối với các vấn đề cụ thể, hai Bộ trưởng thống nhất thiết lập đường dây nóng để có thể giải quyết ngay các vấn đề phát sinh, sớm đạt được các kết quả cụ thể.
Tiếp Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Xinh-ga-po Gan Kim Yong, hai Bộ trưởng thống nhất các khuôn khổ hợp tác chặt chẽ đã được thống nhất trong chuyến thăm chính thức Xing-ga-po của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong tháng 2 vừa qua.
Hai bên đã trao đổi và thống nhất về các giải pháp cụ thể để triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế, thương mại đã được ký giữa hai Bộ trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Xinh-ga-po, trong đó có các biện pháp hoàn thành trong năm nay và các biện pháp hoàn thành trong thời gian tới.
Về hợp tác khu vực, hai bên thống nhất thúc đẩy vị trí và vai trò của ASEAN trong các diễn đàn quốc tế, trong đó có Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trên cơ sở đó, hai bên đã thống nhất lập trường với một số vấn đề để có thể cùng các nước ASEAN khác có đóng góp thiết thực vào các kết quả của Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12). Về Hiệp định CPTPP, Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến của Xinh-ga-po về kinh tế xanh và kinh tế số và đề nghị cấp kỹ thuật hai bên tiếp tục hợp tác, trao đổi để triển khai các sáng kiến này.
Bên lề MC12, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng có cuộc gặp song phương với đoàn của Ủy ban Thương mại quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu do Nghị sỹ Geert Bourgeois (Báo cáo viên về quan hệ thương mại với Việt Nam) và bà Margarida Marques (Phó Chủ tịch Ủy ban Ngân sách của Nghị viện Châu Âu) dẫn đầu. Hai bên đã trao đổi về tình hình thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng như các kết quả của chuyến thăm EU của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.
Phía Việt Nam vui mừng thông báo đã giải quyết hoặc thống nhất hướng giải quyết đối với tất cả các nội dung phía INTA quan tâm và nêu với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, đặc biệt là đối với các vấn đề liên quan đến dược phẩm (Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết và các cơ quan liên quan đã triển khai thực thi đồng bộ). Phía EU đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam và kỳ vọng quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - EU sẽ còn được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Các Nghị sỹ EU cũng hứa sẽ thúc đẩy để các Thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) Việt Nam - EU để có thể làm toàn diện hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên. Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy tiến trình thảo luận tại WTO về các sáng kiến cải cách tổ chức này, mang lại lợi ích cân bằng cho hệ thống thương mại đa phương nói chung và các nước thành viên nói riêng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nhóm Cairns bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12) tại Geneva, Thụy Sỹ
Trưa ngày 12 tháng 6 năm 2022 theo giờ Giơ-ne-vơ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham dự phiên họp Bộ trưởng Nhóm các nước xuất khẩu nông sản (nhóm Cairns) bên lề Hội nghị Bộ trưởng MC12 để thảo luận và thống nhất một số nội dung liên quan đến đàm phán nông nghiệp trong khuôn khổ WTO. Phiên họp được chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Ốt-xtrây-li-a Don Farrel. Tham gia Phiên họp này có Bộ trưởng và Trưởng đoàn của 19 quốc gia thành viên, bao gồm: Ác-hen-ti-na, Ốt-xtrây-li-a, Bờ-ra-xin, Ca-na-đa, Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Cốt-xơ-ta Ri-ca, Gua-tê-mala, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Niu-di-lân, Pa-kít-xơ-tan, Pa-ra-guay, Pê-ru, Phi-líp-pin, Nam Phi, Thái Lan, U-ru-gu-ay, Việt Nam. U-crai-na tham dự cuộc họp với tư cách quan sát viên.
Nhóm Cairns là một liên minh gồm 19 nước xuất khẩu hàng nông sản, chiếm 25% giá trị xuất khẩu nông sản trên thế giới, được thành lập tại thành phố Cairns, Ốt-xtrây-li-a năm 1986. Mục đích của Hội nghị Bộ trưởng nhóm Cairns là để các nước có cơ hội thảo luận và thống nhất những nội dung trọng tâm và ưu tiên trong đàm phán nông nghiệp, nhằm đạt được kết quả cụ thể tại Hội nghị Bộ trưởng MC12.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nêu lên 3 vấn đề được nhiều nước quan tâm và các Thành viên WTO cần ưu tiên hợp tác để giải quyết, bao gồm: (i) tình trạng áp dụng các biện pháp trợ cấp hoặc hỗ trợ trong nước có tính bóp méo thương mại, ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng quan trọng như đường và các nông sản thiết yếu khác; (ii) việc áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt trong nông nghiệp dẫn đến việc bất bình đẳng trong thương mại nông sản; và (iii) các biện pháp được một số nước áp dụng gần đây sau những căng thẳng địa chính trị và chuỗi cung ứng, đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực toàn cầu và có thể dẫn đến một số phản ứng dây chuyền. Bộ trưởng nhấn mạnh 2 mục tiêu chính mà các thành viên Nhóm Cairns nói riêng và các thành viên WTO nói chung cần đồng thuận trong thời gian tới là giữ cho thương mại được thông suốt, bất kể các khó khăn từ dịch bệnh hay địa chính trị; và giảm thiểu các biện pháp mang tính bóp méo thị trường.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thống nhất việc cần nhau hợp tác để thúc đẩy đàm phán nông nghiệp trong WTO cũng như giải quyết các vấn đề cấp bách trong thương mại hàng nông nghiệp trên phạm vi toàn cầu như đứt gãy chuỗi cung ứng đối với hàng nông sản, an ninh lượng thực, quan hệ giữa nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu v.v.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận và thông qua Tuyên bố chung của Nhóm liên quan đến các cải cách WTO cần thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự phiên thảo luận về thương mại và biến đổi khí hậu bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12)
Nhận lời mời của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis; Bộ trưởng Sản xuất, Ngoại thương, Đầu tư và Thủy sản Ecuador Julio Jose Prado; Bộ trưởng Công nghiệp hóa, Thương mại và Phát triển Doanh nghiệp Kenya Betty Maina; và Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Xuất khẩu New Zealand Damien O’Connor, ngày 13 tháng 6 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham dự và có bài phát biểu tại Phiên thảo luận về thương mại và biến đổi khí hậu được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12). Tham dự sự kiện có Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala và khoảng 20 Bộ trưởng thương mại của các nước thành viên WTO.
Các đại biểu đã thảo luận về các ưu tiên hợp tác hàng đầu trong các lĩnh vực giao thoa giữa khí hậu, thương mại và phát triển bền vững, cũng như sự tham gia của cấp Bộ trưởng trong các lĩnh vực nói trên. Các đại biểu cũng nêu quan điểm về khả năng thành lập một liên minh cấp Bộ trưởng thương mại trong lĩnh vực khí hậu, và cách thức duy trì các cuộc đối thoại thường xuyên và bao trùm trong cơ chế này.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết chống biến đổi khí hậu là mục tiêu quan trọng nhằm đạt được phát triển công bằng trên phạm vi toàn cầu, và nhận định vấn đề mấu chốt là cần đạt được mục tiêu trung hòa các-bon trong khi vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế và cải thiện điều kiện sống cho mọi người, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh việc thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động ở một số lĩnh vực thông qua việc:
(i) lồng ghép các yếu tố liên quan đến môi trường và chống biến đổi khí hậu trong các cam kết tại các hiệp định thương mại;
(ii) thúc đẩy các cuộc đàm phán trong WTO ở những lĩnh vực có khả năng mang lại lợi ích thiết thực cho môi trường và biến đổi khí hậu, ví dụ như đàm phán về hàng hóa và dịch vụ môi trường; và
(iii) thúc đẩy các hoạt động trong các lĩnh vực có tác động hoặc chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như nông nghiệp, an ninh lương thực v.v.. Bộ trưởng cũng đã nêu quan điểm của Việt Nam về việc cần đặc biệt lưu ý, quan tâm đến điều kiện cụ thể của mỗi nước, tránh áp dụng máy móc các tiêu chuẩn môi trường ở các nước phát triển sang các nước đang phát triển, dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc thành lập một liên minh các Bộ trưởng thương mại trong lĩnh vực khí hậu có thể là một trong những cách thức để hiện thực hóa các mục tiêu nói trên. Do vậy, các Bộ trưởng cần tăng cường hợp tác, trao đổi thường xuyên không những trong khuôn khổ WTO mà cả ở những khuôn khổ khu vực và song phương.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã thống nhất việc thúc đẩy các mục tiêu về môi trường và chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, các Bộ trưởng cũng thống nhất việc thành lập liên minh cấp Bộ trưởng nhằm mục đích tăng cường trao đổi và hợp tác trong các nội dung liên quan đến thương mại, môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12)
Nhận lời mời của Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala, Chủ tịch Đại hội đồng WTO Didier Chambovey và Phó Chánh Văn phòng thứ nhất của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Timur Suleimenov, từ ngày 10 – 17/6/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diễn dẫn đầu đoàn công tác của Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12) tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ. Thành phần đoàn công tác bao gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hội nghị MC12 diễn ra trong bối cảnh các quốc gia đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như xử lý hậu quả của dịch Covid-19 và phục hồi nền kinh tế, thương mại sau đại dịch; căng thẳng địa – chính trị quốc tế dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với an ninh lương thực và nền kinh tế thế giới.
Tại Hội nghị MC12 lần này, các Bộ trưởng thảo luận nhiều nội dung quan trọng, cấp bách như: giải pháp của WTO để đối phó với đại dịch Covid-19 (bao gồm cả đề xuất tạm miễn TRIPS – Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ), nông nghiệp, trợ cấp thủy sản, nông nghiệp, cải cách WTO, an ninh lương thực, thương mại điện tử, v.v…
Tại Hội nghị MC12, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có bài phát biểu khẳng định sự ủng hộ đối với hệ thống thương mại đa phương cũng như khẳng định nỗ lực cùng với các Thành viên chung tay ứng phó với các thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối.
Bền lề Hội nghị MC12, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng tham dự một số phiên họp của Nhóm các nước xuất khẩu nông sản (Nhóm Cairns), phiên họp về Thương mại và Khí hậu; cũng như các cuộc tiếp xúc song phương với một số đối tác như EU, Ốt-xtrây-li-a, Xinh-ga-po, Israel... nhằm củng cố, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương.
Một số hình ảnh tại Hội nghị: