Các hợp tác xã chủ động nguồn hàng đón Tết
Tranh thủ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm tăng cao, thời điểm này, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; giữ chân khách hàng bằng chất lượng sản phẩm.
Đưa hàng hóa đến các thị trường mới
Ngoài sản xuất, kinh doanh mật ong rừng, nước đóng bình, từ giữa năm 2023, HTX Ong mật hữu cơ Sơn Động, xã Tuấn Đạo (Sơn Động) có thêm mặt hàng hương truyền thống. Thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại, sàn giao dịch điện tử, các sản phẩm hương (hương nến và hương bài) của HTX được nhiều người biết đến hơn. Ngoài các thị trường quen thuộc như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh… năm nay, HTX có thêm thị trường tiêu thụ mới là tỉnh Nghệ An.
Thời điểm này, các thành viên trong HTX tập trung nhân lực, nguyên liệu sản xuất. Trung bình mỗi ngày, người lao động sản xuất hơn 5 vạn nén hương các loại (nhiều gấp 3 lần so với những tháng đầu năm và giữa năm). Nguyên liệu chính gồm nhựa trám; gốc cây bài, than hoa nghiền nhỏ; tăm tre. Hương được làm thủ công có mùi thơm đặc trưng, không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng tới sức khỏe. Hiện HTX đang hoàn tất các thủ tục để đăng ký chứng nhận OCOP 3 sao đối với sản phẩm hương nến.
Ông Nông Văn Tân, Phó Giám đốc HTX cho biết thêm: “Đơn vị dự kiến cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2024 khoảng 200 vạn nén hương các loại. Để bảo đảm số lượng, chúng tôi duy trì liên kết sản xuất giữa các hộ; hướng dẫn, đào tạo tay nghề cho một số lao động trẻ và chủ động mở rộng diện tích trồng cây bài từ trước để bảo đảm nguyên liệu phục vụ sản xuất”.
HTX Nông nghiệp Tân Thanh (Lạng Giang) có 12 thành viên chuyên trồng và tiêu thụ nấm rơm. Chị Nguyễn Thị Liên, phụ trách đầu ra cho sản phẩm chia sẻ: Mỗi ngày, HTX tiêu thụ 150-300 kg nấm rơm, duy trì giá bán ổn định từ 90-100 nghìn đồng/kg. Ngoài thị trường chính ở Hà Nội, vài năm gần đây, sản phẩm nấm rơm của HTX còn có mặt tại các tỉnh Lào Cai, Thái Bình, Yên Bái…
Dự báo cuối năm, lượng hàng tiêu thụ lớn, HTX đã hướng dẫn các thành viên trồng nấm luân phiên, gối vụ, bảo đảm thường xuyên có sản phẩm phục vụ khách hàng. Nhiều hộ gia đình đã mở rộng diện tích trồng nấm. Hiện tổng diện tích trồng nấm của toàn HTX là 3,5 nghìn m2 (tăng khoảng 1 nghìn m2 so với năm 2022).
Nhiều đơn vị khác cũng chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường, tạo đột phá về doanh thu trong những tháng cuối năm. Như HTX Dược liệu Thiện Tâm (Yên Thế) phối hợp mở nhiều gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm cao dược liệu trên cả nước. Riêng tại tỉnh Sơn La, HTX có hơn 50 đại lý nhỏ lẻ và một nhà phân phối độc quyền…
Nâng chất lượng sản phẩm
Toàn tỉnh có hơn 1,1 nghìn HTX. Trong đó, 724 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; 358 HTX phi nông nghiệp; còn lại là Quỹ tín dụng nhân dân. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các HTX ngày càng có xu hướng đa dạng hóa ngành nghề, dịch vụ; nhanh nhạy với thị trường, nhất là những “thời điểm vàng” khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng mạnh. Nhằm hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên duy trì hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy kết nối cung-cầu. Những tháng cuối năm, hoạt động này được tăng cường hơn.
Toàn tỉnh có hơn 1,1 nghìn HTX, trong đó có 724 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, các HTX ngày càng có xu hướng đa dạng hóa ngành nghề, dịch vụ; nhanh nhạy với thị trường, nhất là những “thời điểm vàng” khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng mạnh.
Như tháng 11/2023, Liên minh giúp nhiều HTX tham gia hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối giao thương sản phẩm ở nhiều tỉnh như Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Kạn. Tham dự các hội nghị này, HTX chăn nuôi và dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm (TP Bắc Giang) đã ký thêm được thỏa thuận hợp tác tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ thịt lợn với một số cửa hàng, đại lý bán lẻ tại TP Hà Nội.
Từ nay đến hết năm 2023, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tổ chức cho nhiều HTX tham gia hội nghị xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại các tỉnh Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng.
Thị trường rộng mở là đòn bẩy cho các HTX phát triển sản xuất, tăng doanh thu. Với mục đích khẳng định uy tín, giữ chân khách hàng, các HTX luôn quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện toàn tỉnh có 281 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên (nhiều hơn 76 sản phẩm so với năm 2022), trong đó khoảng 85% sản phẩm là của các HTX, tổ hợp tác.
Đây là điều kiện giúp việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp của HTX thuận lợi, ổn định. Đơn cử như HTX Phú Cường, xã Vân Sơn (Sơn Động) chăn nuôi 2-3 nghìn con gà 6 ngón thương phẩm và hơn 1 nghìn con gà bố mẹ mỗi năm. Sản phẩm trứng gà 6 ngón vừa đạt OCOP 3 sao, giá bán cao hơn khoảng 15% so với trứng gà thường. HTX đang chuẩn bị cung cấp ra thị trường Tết gần 2 tấn gà thương phẩm, gấp đôi so với năm 2022.
Anh Vi Văn Giới, Giám đốc HTX Phú Cường cho hay, thời gian tới, HTX tiếp tục phát triển thêm đàn gà bố mẹ; chuẩn bị các điều kiện đưa sản phẩm gà 6 ngón tham gia đánh giá, phân hạng vào năm 2024. Đồng thời tiến hành quy trình sản xuất khép kín từ cung cấp giống đến tiêu thụ, đầu tư công nghệ để có thêm những sản phẩm chế biến từ loại gà đặc sản này.
Ông Nguyễn Hữu Thống, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhấn mạnh, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các HTX cần không ngừng đổi mới, nâng cao hoạt động sản xuất; xây dựng thương hiệu; nắm bắt thị trường; đưa hàng hóa vào kênh tiêu thụ hiện đại; xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng, đối tác. Bên cạnh đó, khuyến khích HTX vận động kết nạp thành viên, nhất là các hộ gia đình có vốn, đất sản xuất, công nghệ tiên tiến nhằm hướng tới sản xuất quy mô lớn, ổn định, bền vững.
Bài, ảnh: Mạc Yến