Các khinh khí cầu Mỹ bắn hạ gần đây có thể là gì?

Các nhà khoa học và chuyên gia khí quyển cho biết các vật thể bay mà Mỹ bắn hạ gần đây không nhất định liên quan đến quân sự, chúng có thể là khí cầu thời tiết, máy bay không người lái dân sự và thiết bị hàng không phi quân sự.

Đến nay, cả Mỹ và Canada đều cung cấp rất ít thông tin chi tiết về 3 vật thể bay mà Washington đã bắn hạ gần đây ở bang Alaska (Mỹ), tây bắc Canada và Hồ Huron (Mỹ).

Các nhà khoa học và chuyên gia khí quyển cho biết các vật thể bí ẩn này không nhất định liên quan đến quân sự, chúng có thể là khí cầu thời tiết, máy bay không người lái dân sự và thiết bị hàng không phi quân sự.

Cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều thừa nhận rằng có nhiều điều họ không biết về các vật thể bay này, bao gồm cả cách chúng hoạt động, nguồn gốc và liệu có phải chúng đang thu thập thông tin tình báo hay không.

Các quan chức quân sự Mỹ nói rằng chỉ đến khi phục hồi thành công các mảnh vỡ từ vật thể bay bị bắn hạ mới có thể xác định chắc chắn nó là gì.

Ngày 14-2, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói rằng cộng đồng tình báo Mỹ đang xem xét khả năng các vật thể bay này “gắn với một số mục đích thương mại hoặc vô hại”.

Theo hãng tin Reuters, rõ ràng là có rất nhiều vật thể phi quân sự đang trôi dạt trong bầu khí quyển.

Mỹ bắn hạ khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Surfside Beach, bang South Carolina (Mỹ) ngày 4-2. Ảnh: REUTERS

Mỹ bắn hạ khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển Surfside Beach, bang South Carolina (Mỹ) ngày 4-2. Ảnh: REUTERS

Nhà vật lý khí quyển Raymond Shaw - giáo sư tại Đại học Công nghệ Michigan (Mỹ) cho biết: “Trên toàn thế giới, có hàng trăm, có thể là gần 1.000 khinh khí cầu được phóng mỗi ngày để quan sát khí tượng cho các quốc gia. Đó là một cách hay để thực hiện các phép đo khí quyển mà không tốn nhiều tiền”.

Các nhà khoa học sử dụng khí cầu để nghiên cứu các kiểu gió, chất lượng không khí và các khía cạnh khác của khí quyển Trái đất. Các khí cầu có nhiều kích cỡ, từ đường kính dưới 1m đến vài mét, có thể bay tới độ cao trên 30 km và di chuyển hàng trăm km.

Tuy nhiên, vẫn không chắc chắn các vật thể bay này là khí cầu “vô hại”. Vật thể bị bắn hạ ở Canada ngày 11-2 trông giống khí cầu nhưng 2 vật thể còn lại thì hoàn toàn khác.

Một quan chức Mỹ đã mô tả vật thể xuất hiện trên Hồ Huron hôm 12-2 có hình bát giác.

Nhà vật lý Alex Kostinski tại Đại học Công nghệ Michigan cho biết: “Lầu Năm Góc bắn một vật thể hình bát giác? Đó không thể là một quả khí cầu bởi vì hình dáng khí cầu phải nhẵn”.

Nhà nghiên cứu khí hậu Bắc Cực tại Đại học Alaska Fairbanks - John Walsh cho biết ở Alaska - nơi phát hiện 1 trong số 3 vật thể gần đây - các nhà khoa học thường tổ chức các chương trình thực địa để triển khai khinh khí cầu nghiên cứu.

“Nhưng tôi không nghĩ rằng có một chương trình thực địa đang diễn ra ngay bây giờ, thế nên những gì Mỹ bắn hạ trong tuần trước không thể giải thích theo hướng này” - ông nói.

Có rất ít thông tin về vật thể bay trên bầu trời Alaska. Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc mô tả vật thể này có kích thước bằng một chiếc ô tô nhỏ và bay ở độ cao khoảng 12 km so với mặt đất.

Tuy nhiên, dù có kích thước như trên thì vật thể tại Alaska cũng ít có khả năng là máy bay không người lái thương mại, bởi vì các loại máy bay này khó có thể đạt tới độ cao 12 km.

Sau các sự cố khinh khí cầu, quân đội Mỹ đã điều chỉnh cách kiểm tra dữ liệu radar để có thể phát hiện các vật thể nhỏ hơn, chuyển động chậm hơn. Điều đó chắc chắn dẫn tới nhiều lần phát hiện thậm chí là nhiều vụ bắn hạ vật thể bay hơn nữa trong tương lai. Khả năng có thêm thông tin về chúng cũng tăng lên.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-khinh-khi-cau-my-ban-ha-gan-day-co-the-la-gi-post720100.html