Các khu chế xuất, khu công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh: Đồng bộ nhiều giải pháp chống dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn chủ động phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ, góp phần kiểm soát, hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm an toàn sản xuất.
Căng tin công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam tuân thủ khoảng cách và bố trí giờ ăn lệch ca.
Áp dụng bộ Chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19 trong doanh nghiệp (bộ Chỉ số). Trên cơ sở này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập 6 đội kiểm tra, giám sát, đánh giá bộ Chỉ số tại các khu chế xuất, khu công nghiệp... Kết quả, trong hai ngày 14 và 15-4, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân) đã phải tạm ngưng hoạt động vì chỉ số rủi ro lây nhiễm đến 81%. Đến ngày 16-4, kết quả đánh giá lại theo bộ Chỉ số đạt mức 42%, Công ty đã được phép hoạt động trở lại. "Công ty đã sắp xếp 70% công nhân làm việc bình thường, còn 30% tạm nghỉ việc đến ngày 30-4 để cách ly xã hội. Đồng thời thực hiện các phương án khắc phục theo hướng dẫn của Sở Y tế..”, ông Cù Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho biết.
Căn cứ vào bộ Chỉ số, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện, các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại 1.687 doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy. Kết quả, 44,9% doanh nghiệp có mức rất ít rủi ro lây nhiễm, 53,1% có mức rủi ro thấp và 2% có mức rủi ro trung bình. HCDC còn kiểm tra, thẩm định riêng đối với 22 doanh nghiệp có trên 3.000 lao động, kết quả có 45,5% đơn vị có mức rủi ro lây nhiễm thấp, số còn lại có mức rủi ro trung bình.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc HCDC cho biết, doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh các chỉ số, nếu không đạt sẽ phải đóng cửa, mục tiêu cuối cùng là không để dịch bệnh xảy ra. “Đối với các đơn vị có mức rủi ro cao, phải sắp xếp lại nhà ăn cho công nhân; không được xếp bàn ngồi ăn đối diện mà phải ngồi ăn cùng hướng, thậm chí có vách ngăn nhằm giảm rủi ro”, bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành nói.
Quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19
Mỗi buổi sáng đến Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam (FAPV; Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) làm việc, chị H.T.H. được đo thân nhiệt bằng camera hồng ngoại ngay từ cổng vào. Chị H. cho biết, nếu không đeo khẩu trang, sẽ không được vào làm việc. Nếu đeo không đúng cách, sẽ được hướng dẫn lại. Lúc ra về phải xếp hàng để đợi xe đưa đón, giữ khoảng cách theo vạch sơn 2m.
Công ty FAPV có hơn 7.000 công nhân làm việc trong 5 nhà máy khác nhau. Căng tin ở mỗi nhà máy đều bố trí lệch giờ ăn theo từng phòng, ban, không để công nhân ngồi đối diện nhau và sử dụng tấm ngăn ở bàn ăn để ngăn tiếp xúc. Ngay cả việc xếp hàng chờ ăn cơm cũng phải tuân thủ khoảng cách 2m được quy định bằng vạch sơn, công nhân không được nói chuyện và vẫn phải đeo khẩu trang. Tại căng tin, thường xuyên có phát thanh, chiếu clip tuyên truyền về cách thức phòng tránh dịch Covid-19, trang bị nước rửa tay diệt khuẩn...
Tương tự, Công ty TNHH Vexos Việt Nam (quận 7) chia 3 ca làm việc trong ngày để giữ khoảng cách 2m giữa các công nhân. Công ty cũng bố trí lệch ca để số lượng nhân viên ăn tại nhà ăn giảm xuống cùng một thời điểm. Công ty cũng trang bị bồn rửa tay, nước khử khuẩn cho người lao động… Qua đánh giá của ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù số lượng công nhân lớn nhưng tỷ lệ rủi ro lây nhiễm của công ty đạt mức thấp, dưới 30%.
Theo Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HEPZA), thành phố hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là hơn 1.000 doanh nghiệp, hơn 274.600 lao động. Thời gian qua, HEPZA đã đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch... Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Trưởng phòng Quản lý lao động HEPZA cho biết, HEPZA đã lập các đoàn thẩm định lại bản tự đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19 của doanh nghiệp; hướng dẫn các giải pháp kéo giảm chỉ số thành phần ở mức cao xuống ngưỡng an toàn. Đến nay, chưa có doanh nghiệp nào tại các khu chế xuất, khu công nghiệp phải giảm lao động vì không đáp ứng được bộ tiêu chí thành phố đưa ra.
Là quận có nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trên địa bàn và có Khu chế xuất Linh Trung 1, Khu chế xuất Linh Trung 2, Khu công nghiệp Bình Chiểu,... ông Nguyễn Đức Trung, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Thủ Đức cho biết: "Qua khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp tích cực thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Có những doanh nghiệp chưa biết, mình góp ý là họ đều tuân thủ và thực hiện ngay. Chủ doanh nghiệp đều nói rằng việc tích cực thực hiện phòng, chống dịch là góp phần bảo vệ người lao động và quyền lợi của doanh nghiệp”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chính nhờ bộ Chỉ số, các doanh nghiệp có căn cứ cụ thể để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, qua đó có thể tiếp tục tổ chức hoạt động, sản xuất trong điều kiện môi trường nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thấp. "Phát triển kinh tế phải bảo đảm an toàn, không gây rủi ro cho người dân. Các ngành, lĩnh vực khác tại thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ có bộ Chỉ số cho riêng mình để vừa phòng, chống dịch tốt, vừa duy trì các hoạt động", Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.