Các khu đô thị theo mô hình mới
Phát triển đô thị theo các mô hình đô thị mới như đô thị sinh thái, đô thị bền vững; khai thác và duy trì các giá trị thiên nhiên, sinh thái đặc trưng là định hướng chính được Đồng Nai xác định trong phát triển đô thị trên địa bàn Đồng Nai thời gian tới.
Mục tiêu của Đồng Nai là thu hút đầu tư để hình thành những khu đô thị bền vững, xứng tầm vị thế và phục vụ tốt nhất đời sống của cư dân.
Phát triển bền vững các đô thị
Đồng Nai là địa phương có tốc độ đô thị hóa cao của vùng Đông Nam Bộ cũng như của cả nước. Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, Đồng Nai có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực phát triển đô thị. Trong “dòng chảy” đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, trên địa bàn Đồng Nai dần hình thành các khu đô thị mới, tạo không gian sống tốt và diện mạo mới về cảnh quan, kiến trúc cho tỉnh.
Trên thực tế, mô hình đô thị sinh thái với định hướng khai thác, duy trì các giá trị thiên nhiên, sinh thái đặc trưng đã phát triển khá mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đặc biệt là tại thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch. Đây là những địa phương được ưu ái bởi vị trí địa lý cũng như địa hình khi khu vực ven đoạn sông Đồng Nai qua các địa bàn này có địa hình bằng phẳng, phù hợp để đầu tư xây dựng các khu đô thị ven sông.
Theo quy mô dự kiến, các dự án khu đô thị mà Đồng Nai kêu gọi đầu tư thời gian tới có quy mô sử dụng đất hơn 4 ngàn hécta.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho rằng ít tỉnh, thành nào có sông dài, địa hình bằng phẳng, mặt sông rộng và dòng chảy hiền hòa như sông Đồng Nai, nhất là đoạn qua thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch. Các yếu tố này là điều kiện thuận lợi để bố trí công trình kiến trúc, hạ tầng đô thị dọc sông, phát triển du lịch sinh thái.
Hiện nay, không khó để điểm qua những khu đô thị ngàn tỷ phát triển theo xu hướng đô thị sinh thái trên địa bàn thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch.
Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng tại xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa thời gian qua đã hình thành các dự án: Aqua City, Waterfront City… Khu đô thị Long Hưng được gọi với danh xưng “kỳ quan sông nước” khi phần lớn diện tích được bao bọc bởi dòng sông Đồng Nai hiền hòa và thơ mộng.
Tương tự, Khu đô thị sinh thái Đại Phước với diện tích hơn 400 hécta, đa chức năng, có nhà chung cư, khách sạn, biệt thự; các công trình nghỉ dưỡng, giải trí… cũng được xem là “đảo ngọc” của vùng đất Nhơn Trạch.
Kêu gọi đầu tư 7 dự án phát triển các khu đô thị
Trong định hướng phát triển các khu đô thị thời gian tới, Đồng Nai chọn mục tiêu phát triển bền vững, khai thác và duy trì các giá trị thiên nhiên để hình thành các khu đô thị đẳng cấp, đáng sống.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, tương lai Đồng Nai sẽ là vùng đất đáng sống, tỉnh cần thêm những khu đô thị mới từ nhà đầu tư lớn. Việc làm tốt công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ đất đai, xây dựng, môi trường và kết hợp khai thác hiệu quả các lợi thế đất đai, vị trí địa lý, địa hình, nguồn nhân lực là giải pháp để có các đô thị đạt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng cuộc sống với những tiện ích hiện đại.
Theo Đồ án Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong số các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư đối với 7 dự án phát triển các khu đô thị gồm: Chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven sông (Khu đô thị Hiệp Hòa); Chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven sông Đồng Nai (Khu phức hợp đô thị công nghiệp dịch vụ Long Thành); Chuỗi đô thị - dịch vụ du lịch ven sông trên địa bàn huyện Nhơn Trạch; Chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch sinh thái ven hồ Trị An trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Định Quán; Chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven Suối Tre, thành phố Long Khánh; Chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven núi Chứa Chan huyện Xuân Lộc và dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1 tại phường An Bình, thành phố Biên Hòa.
Có thể thấy, trong danh sách mời gọi đầu tư, các dự án phát triển các khu đô thị mới đều gắn với lợi thế, tiềm năng, thế mạnh cảnh quan của các địa phương từ hệ thống sông, hồ đến núi non. Đồng thời, hầu hết các dự án này đều có quy mô cũng như nguồn vốn đầu tư lớn. Trong đó, Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa với tổng vốn đầu tư hơn 72 ngàn tỷ đồng là một trong những dự án phát triển khu đô thị lớn bậc nhất không chỉ của tỉnh mà còn của cả nước.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cho hay, việc mời gọi các nhà đầu tư tham gia vào các dự án trên lĩnh vực phát triển các chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven sông, chuỗi đô thị - dịch vụ - du lịch ven sông Đồng Nai là những lĩnh vực mới mà tỉnh muốn các nhà đầu tư tham gia.