'Cửa sáng' cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Trong khi Phố Wall và các thị trường lớn liên tục phá kỷ lục, VN-Index vẫn loanh quanh vùng giá 1.200-1.300 điểm - mức điểm xác lập từ hơn thập kỷ trước. Giải pháp để thị trường bứt phá, theo giới phân tích, nằm ở sự đa dạng, từ quy mô nhà đầu tư tới cấu trúc hàng hóa thị trường.

“Cửa sáng” cho sự tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam có thể từ câu chuyện nâng hạng và tăng tính đa dạng trên thị trường. Ảnh tư liệu

“Cửa sáng” cho sự tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam có thể từ câu chuyện nâng hạng và tăng tính đa dạng trên thị trường. Ảnh tư liệu

Tại sao VN-Index đi ngang?

Là thị trường thường được các quỹ ngoại đánh giá hấp dẫn hàng đầu khu vực, nhưng chứng khoán Việt Nam gần hai thập kỷ đi ngang. Đến giữa tháng 11/2024, VN-Index vẫn chỉ loanh quanh vùng giá 1.240 - 1.250 điểm. Nếu so với mức đáy sau khủng hoảng kinh tế 2008, chứng khoán Việt Nam đã phục hồi, nhưng nếu so với chính mức đỉnh trước, VN-Index gần như "giậm chân tại chỗ".

Ngược lại, các thị trường lớn đều ghi nhận mức tăng bằng lần. Sau khi chạm đáy kể từ khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, các chỉ số chính Phố Wall đều lập kỷ lục mới. Down Jones tăng từ 7.700 điểm lên mức đỉnh hiện tại gần 44.000 điểm, mức này gấp hơn ba lần so với trước khủng hoảng tài chính. S&P 500 vọt lên gần 6.000 điểm tính tới cuối phiên 13/11, so với vùng hơn 1.000 điểm vào đầu năm 2009.

Theo StockQ, Nasdaq và S&P 500 của Phố Wall cũng đứng trong nhóm những chỉ số tăng cao nhất tính từ đầu năm 2024. Trong đó, Nasdaq tăng hơn 28% so với thời điểm đầu năm 2024 và tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, S&P 500 cũng tăng thêm 25,8% so với đầu năm và 35,9% so với môt năm trước. Trong khi đó, VN-Index của sàn HoSE đến phiên gần nhất chỉ đạt gần 1.250 điểm, tăng hơn 7%.

Tại các thị trường chứng khoán châu Á, mức tăng nhiều thị trường cũng tương tự. Nikkei 225 của Nhật Bản chạm đáy 7.400 điểm vào tháng 2/2019, hiện đạt hơn 39.600 điểm. Kospi của Hàn Quốc tăng từ 1.100 lên hơn 2.600 điểm.

Sự chênh lệch về hiệu suất của VN-Index và các thị trường khác, theo các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, đến từ sự đa dạng, gồm cả hàng hóa, sản phẩm đầu tư và nhóm nhà đầu tư tham gia thị trường.

Ở khía cạnh đầu tiên, theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta, một đặc điểm của các thị trường lớn trong giai đoạn vừa qua là được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu công nghệ, đặc biệt là giai đoạn AI “làm mưa, làm gió” trên thị trường.

Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, hai nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng áp đảo trong rổ vốn hóa là ngân hàng và bất động sản, vốn đã giữ vị thế này từ khi thị trường đi vào hoạt động.

“Dòng tiền luôn tìm kiếm những cơ hội mới, nhưng trên thị trường Việt Nam, việc lựa chọn cổ phiếu ngoài nhóm ngân hàng và bất động sản là tương đối hạn chế” - ông Minh nhận xét. Như giai đoạn đầu năm nay, nhóm công nghệ trên sàn chứng khoán chỉ có vài trường hợp nổi bật, dẫn tới sự đóng góp gần như không đáng kể. “Nếu cổ phiếu ngân hàng và bất động sản không tăng, VN-Index gần như sẽ không thể bứt phá mạnh”, chuyên gia này nhận xét.

Không chỉ hàng hóa, các sản phẩm đầu tư và cấu trúc nhà đầu tư cũng hạn chế nếu so với các thị trường khác. Các sản phẩm phái sinh hiện tại chủ yếu là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và chứng quyền một số mã cổ phiếu bluechip, theo ông Minh, chưa thể đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là phòng vệ rủi ro.

Những thiếu hụt này cũng khiến khối ngoại, nhà đầu tư lớn “kém gắn bó” với thị trường, dẫn tới tỷ trọng các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức tham gia vẫn còn hạn chế. Quy mô thanh khoản phụ thuộc phần nhiều vào nhà đầu tư cá nhân, vốn là nhóm dễ bị yếu tố tâm lý ảnh hưởng.

Tìm động lực bứt phá

Định vị ở nhóm cận biên khiến Việt Nam chỉ xếp ở nhóm thị trường đầu cơ, theo ông Nguyễn Thế Minh, khối ngoại khó có thể đặt kỳ vọng dài hạn, đầu tư ổn định vào một thị trường xếp ở nhóm này. Trong khi đó, cấu trúc thị trường, loại hàng hóa cũng không đủ phong phú để giữ chân các quỹ đầu tư lớn. Đặc biệt là sự thiếu vắng sự đa dạng cổ phiếu bluechip và các loại sản phẩm tài chính.

Theo đó, “cửa sáng” cho sự tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam có thể từ câu chuyện nâng hạng và tăng tính đa dạng trên thị trường.

Trong buổi làm việc và trao đổi thông tin với đoàn công tác của FTSE Russell và Morgan Stanley về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, đại diện Morgan Stanley cho rằng, trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng có thể thu hút 800 triệu USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE, và 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động dùng bộ chỉ số khác. Đồng thời, các quỹ chủ động sẽ tham gia tích cực hơn, dự kiến sẽ có khoảng 4 - 6 tỷ USD vào Việt Nam.

Theo Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta, để “giữ chân” khối ngoại, cơ quan quản lý có thể tăng các giải pháp khuyến khích những doanh nghiệp mới lên sàn, đặc biệt là những doanh nghiệp trong các lĩnh vực đang được chú ý như công nghệ. Đồng thời, việc có thêm những bluechip trong lĩnh vực khác ngoài nhóm ngân hàng và bất động sản cũng tạo cơ hội cho dòng vốn lớn tham gia thị trường.

Việt Nam có thể thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới

Theo Công ty chứng khoán ACB, việc nâng hạng lên “Thị trường mới nổi” sẽ là cột mốc đáng kể để thị trường Việt Nam được công nhận là thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dự kiến, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7-0,9% danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500-600 triệu USD từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động. Theo ước tính của WorldBank, thị trường Việt Nam có thể thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới đến năm 2030.

Minh Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cua-sang-cho-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-164056-164056.html