Các KOL tô vẽ cuộc sống phi thực tế
Bằng lối sống xa xỉ và các bài đăng đầy hào nhoáng, những người có tầm ảnh hưởng lớn với mức thu nhập khủng đã tạo nên bức tranh không đầy đủ về ngành sáng tạo nội dung, theo CNA.
Theo Influencer Marketing Hub, có hơn 50 triệu người sáng tạo trên toàn thế giới tham gia thị trường sáng tạo nội dung. Thu nhập và lợi nhuận của những người này trên các nền tảng họ sử dụng có trị giá khoảng 104 tỷ USD.
Rohith Murthy, Tổng giám đốc của Creatory, nền tảng dành cho người sáng tạo, cho biết mặc dù có tiềm năng lớn, với người làm nội dung, việc xây dựng một sự nghiệp ổn định lại không hề dễ dàng.
Chính điều này cũng khiến họ dễ bị đánh giá thấp. Tại châu Á, không ít người phải đối mặt với sự kỳ thị từ gia đình vì lo lắng không biết khi nào họ mới nhận được một “công việc thực sự”.
Thành quả không xứng
“Đối với những người làm nội dung, khi họ đạt đến lượng người theo dõi ở quy mô nhất định, nhu cầu từ khán giả sẽ tăng lên. Nội dung cần được đăng tải thường xuyên hơn, chỉnh sửa kỹ lưỡng và đầu tư chất lượng tốt hơn. Điều này đồng nghĩa với việc họ cần nhiều tiền hơn để có thể gắn bó lâu dài với công việc”, Murthy nói.
Ông cho biết để kiếm tiền, phương pháp truyền thống là hợp tác với các nền tảng mạng xã hội, đồng thời đưa quảng cáo vào các nội dung đăng tải.
Thế nhưng doanh thu quảng cáo lại thường bị các nền tảng cắt khoảng 45-50%, do đó thu nhập kiếm được từ các kênh này thường không bền vững đối với người có tầm ảnh hưởng không quá lớn.
Lúc này, việc tạo quan hệ đối tác với thương hiệu là cách giúp đa dạng hóa nguồn doanh thu. Thông qua giới thiệu và quảng bá sản phẩm, những người làm nội dung sẽ nhận được tiền và hàng mẫu miễn phí.
Tuy nhiên, sự hợp tác này cần được xem xét kỹ càng dựa trên phong cách cá nhân của người sáng tạo, để tránh gây khó chịu cho người theo dõi.
Thêm vào đó, nhiều người không nắm bắt được cách định giá dịch vụ khi làm việc với các nhãn hàng. Điều này có thể khiến họ bị thiệt thòi khi số tiền thu về lại không tương xứng với công sức bỏ ra.
“Thành thật mà nói, khi mới bắt đầu hợp tác với các thương hiệu, tôi chỉ đoán mò để đưa ra một cái giá. Những cuộc đàm phán luôn là điều khó khăn. Ngân sách của nhãn hàng và chi phí marketing luôn biến đổi”, YouTuber Georgia Caney chia sẻ.
Do nghề sáng tạo nội dung chưa được thực sự coi là một công việc chính thức, nhiều người không nhận được sự công nhận xứng đáng cho những gì mình bỏ ra.
Khi người tạo ra nội dung không có được một nguồn tiền ổn định, họ thường sẵn sàng làm mọi thứ để kiếm thêm thu nhập. Đây trở thành nguyên nhân khiến cho các công ty trả giá ngày càng thấp còn họ phải làm ngày càng nhiều để kiếm sống.
Không được thừa nhận
Murthy chỉ ra mục tiêu chính của nhiều người làm sáng tạo là phát triển thêm nội dung với chất lượng tốt hơn. Điều này đòi hỏi nhiều thời gian và sức lực.
"Tuy nhiên, giữa công sức bỏ ra cho các nội dung và số tiền kiếm được lại có sự chênh lệch”, ông nói.
Georgia Caney, một người nước ngoài sống tại Singapore, đã bắt đầu tạo các video trên YouTube, khi nhận thấy nhiều người ngoại quốc cũng không biết về cuộc sống ở đây giống mình.
Video của cô có nội dung giống như nhật ký ghi lại cuộc sống hàng ngày kết hợp với giới thiệu về du lịch, ẩm thực và văn hóa địa phương.
Tương tự với Georgia, vì từng bị trầm cảm năm 20 tuổi, John Lim quyết định làm nội dung chia sẻ kinh nghiệm của mình để động viên và truyền cảm hứng cho mọi người. Nhiều người đã tìm tới trang web Live Young and Well của anh để tìm kiếm hướng đi cho mình.
Murthy nhận định sự thay đổi chỉ có thể xảy ra khi các nhãn hàng thừa nhận sức mạnh của người có tầm ảnh hưởng trong kết nối với người tiêu dùng.
Một nghiên cứu của Nielsen và Rakuten được công bố vào tháng 9 cho thấy 89% người dùng mạng xã hội trên khắp châu Á đang theo dõi những người có ảnh hưởng.
Trong đó, 4/5 số người nói rằng khả năng họ mua các sản phẩm do influencer giới thiệu là khá cao. Có thể thấy rằng, trước khi quyết định mua hàng, người tiêu dùng thường có xu hướng tìm tới các influencer.
Ngay cả chính phủ cũng đang tích cực hợp tác với những người có tầm ảnh hưởng để thúc đẩy các chương trình, chính sách.
Từ năm 2017 đến năm 2020, chính phủ Indonesia đã chi 6,3 triệu USD cho việc marketing thông qua người có ảnh hưởng.
Vào tháng 11/2021, Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm của Singapore (IMDA) đã công bố một kế hoạch đào tạo những người sáng tạo học các kỹ năng về tiếp thị nội dung, thu hút khán giả và phân tích dữ liệu nhằm mục đích kiếm tiền và mở rộng tầm ảnh hưởng ra nước ngoài.
Murthy cho rằng: “Các vấn đề pháp lý liên quan sẽ sớm được cải thiện khi lĩnh vực này phát triển hơn nữa. Theo thời gian, sáng tạo nội dung sẽ có đầy đủ điều kiện để phát triển và được công nhận như một công việc thực thụ”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-kol-to-ve-cuoc-song-phi-thuc-te-post1357830.html