Các KOLs mở 'xưởng' livestream ngay trên hội trường để hướng dẫn thanh niên bán hàng
Vừa qua, 11 nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội đã hội tụ tại huyện sông Mã, tỉnh Sơn La để livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Sơn La.
Chương trình do T.Ư Đoàn tổ chức nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời hỗ trợ thanh niên nông thôn, chủ thể OCOP tỉnh Sơn La chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ nông sản, có cơ hội để dễ dàng tiếp cận đến nhiều người tiêu dùng, từ đó phát triển kinh tế địa phương.
Chỉ trong 4 tiếng đồng hồ, các KOL (những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) với 12 phiên livestream đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, 572.180 lượt vào xem livestream, 5 tấn nhãn Sông Mã cùng 2.350 đơn hàng nông sản được bán, mang về 467 triệu đồng doanh thu. Qua đó góp phần giới thiệu, lan tỏa hình ảnh quê hương Sơn La với nhiều sản phẩm đặc trưng đến đông đảo người tiêu dùng trong nước.
Tại chương trình hơn 200 đoàn viên, thanh niên, chủ thể OCOP là thanh niên, Hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh của thanh niên tại tỉnh Sơn La được tập huấn kỹ năng bán các sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử xã hội.
Đoàn viên, thanh niên cùng các TikToker, nhà bán uy tín hàng đầu tham gia livestream trực tiếp bán sản phẩm nông sản địa phương; bên cạnh đó hội nghị được phát sóng trực tiếp trên toàn quốc qua fanpage Thanh niên nông thôn. Các TikToker nổi tiếng hướng dẫn thanh niên là chủ thể có sản phẩm OCOP thực hành kỹ năng bán hàng trực tiếp.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Vân - Trưởng Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn, thương mại điện tử góp phần tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và hiệu quả. Khi tham gia thương mại điện tử thì đoàn viên, thanh niên, chủ thể OCOP là thanh niên, hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh của thanh niên tại địa bàn xa xôi (tỉnh Sơn La) cũng có cơ hội như ở đồng bằng; đều có thể tìm kiếm khách hàng và trực tiếp bán hàng, trao đổi với khách hàng và trực tiếp bán các sản phẩm của mình, không còn lo thương lái ép giá.
Thanh niên có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Việc hỗ trợ người dân bán nông sản trên thương mại điện tử giúp tạo ra một kênh mới cho nông dân và nhà sản xuất nông sản tiếp cận một số lượng lớn khách hàng tiềm năng, không chỉ ở trong nước mà còn trên toàn cầu.
Thanh niên hỗ trợ người dân bán nông sản trên thương mại điện tử cũng giúp tiết kiệm thời gian và chi phí giao tiếp, giảm bớt sự phụ thuộc vào trung gian và giúp giảm các rủi ro liên quan đến việc vận chuyển và bảo quản hàng hóa.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Vân, thời gian qua, T.Ư Đoàn xác định rõ vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ thanh niên nông thôn áp dụng công nghệ cao và ứng dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu.
Trong bối cảnh những tác động rất lớn của dịch bệnh COVID-19, sự biến đổi rất lớn về nhu cầu tiêu dùng và thị trường, việc áp dụng chuyển đổi số là tất yếu, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại sản phẩm nông sản, trong đó có sản phẩm OCOP.
“Thông qua lớp tập huấn này thanh niên nông thôn hiểu rõ hơn về thương mại điện tử, đặc biệt là kỹ năng livestream và bán hàng gắn với chuyển đổi số, góp phần đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, thuận lợi nhất. T.Ư Đoàn sẽ luôn đồng hành với các tỉnh, thành Đoàn trên cả nước, tổ chức các đợt tập huấn chuyên sâu hơn nữa, trong đó có nội dung chuyển đổi số”, chị Nguyễn Thị Thu Vân nhấn mạnh.