Các kỳ đại hội của Đảng và những dấu ấn lịch sử - Đại hội lần thứ VII: Đổi mới toàn diện và đồng bộ, đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu

Diễn ra trong bối cảnh hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng toàn diện, trầm trọng và sâu sắc, Đại hội VII có ý nghĩa to lớn khi lần đầu tiên thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội chủ trương tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, vững chắc.

Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đứng trước tình hình quốc tế và khu vực hết sức phức tạp.

Đặc biệt, tháng 12-1991, Liên Xô chính thức tan rã, làm chấn động và bàng hoàng dư luận tiến bộ thế giới, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa. Đối với Việt Nam, trong hơn 60 năm, Liên Xô có vai trò quan trọng. Liên Xô không còn, câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có đứng vững, tiếp tục quá độ lên chủ nghĩa xã hội được không? Phong trào cộng sản, công nhân quốc tế liệu có tồn tại?

Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa của các nước Đông Âu và Liên Xô đã làm cho Việt Nam và các quốc gia quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng như những người cách mạng trên thế giới sáng suốt hơn, nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội; độc lập, tự chủ, sáng tạo và bản lĩnh hơn trong hoạch định đường lối, quyết tâm đổi mới đất nước mình theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với lịch sử, điều kiện cụ thể của mỗi nước.

Với bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần quyết tâm vượt qua khó khăn, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam kiên trì đường lối đổi mới, ra sức phấn đấu, nhằm đạt những mục tiêu đề ra.

Tư tưởng chỉ đạo là giữ cho nền kinh tế trong các năm 1991-1992 không bị đảo lộn đột ngột, để dần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, không để kẻ thù lợi dụng khó khăn, gây bạo loạn, lật đổ chế độ, đẩy lùi tiêu cực và giảm bất công xã hội.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Lạm phát năm 1991 là 67,1%. Giá vàng, USD tiếp tục tăng. Nạn "chảy máu" vàng, USD qua biên giới chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tích lũy từ nội bộ nền kinh tế còn nhỏ bé. Mức tăng dân số còn cao. Số người thất nghiệp và thiếu việc làm tăng thêm. Đời sống của một bộ phận khá đông nhân dân rất khó khăn. Tình trạng vi phạm pháp luật, mất trật tự an ninh xã hội diễn ra có lúc, có nơi rất nghiêm trọng. Tệ tham nhũng, sách nhiễu nhân dân, nạn buôn lậu, làm hàng giả, thu nhập phi pháp, cùng với sự lan tràn văn hóa độc hại và các tệ nạn xã hội gây nhiều lo ngại trong nhân dân. Các thế lực phản động ra sức lợi dụng, khoét sâu các khó khăn, sơ hở của ta, nhằm phá hoại công cuộc đổi mới của Việt Nam. Mỹ duy trì chính sách thù địch, không những trực tiếp cấm vận, mà còn ngăn cản các nước, các tổ chức quốc tế muốn có quan hệ trao đổi kinh tế với Việt Nam.

Tình hình thế giới và trong nước đặt ra nhiệm vụ cho Đảng, mà trước mắt là Đại hội lần thứ VII của Đảng phải làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn các vấn đề sau: Tiếp tục thúc đẩy, nâng cao và đi vào chiều sâu của công cuộc đổi mới, tìm thêm giải pháp đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội; đồng thời, ngăn chặn những ảnh hưởng bất lợi từ sự sụp đổ của mô hình và chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô, khẳng định phát triển đường lối đổi mới, hình thành rõ nét con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

 Quang cảnh Đại hội VII của Đảng. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh Đại hội VII của Đảng. Ảnh: TTXVN

Sau một thời gian chuẩn bị, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng họp từ ngày 17 đến 27-6-1991 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội có 2 bước: Đại hội nội bộ và Đại hội chính thức. Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư.

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa VI nhận định: Công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Tình hình chính trị của đất nước ổn định. Nền kinh tế có những chuyển biến tích cực. Sinh hoạt dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy. Quốc phòng được giữ vững, an ninh quốc gia được đảm bảo. Những thành tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới do Đại hội VI đề ra và những chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là đúng đắn, bước đi của công cuộc đổi mới về cơ bản là phù hợp với thực tế. Nhân tố quyết định đem lại những thành tựu đổi mới là sự lãnh đạo kiên định, vững vàng, độc lập, sáng tạo của Đảng, tinh thần cách mạng và sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân.

Báo cáo Chính trị chỉ rõ những mặt yếu kém, những khó khăn lớn. Đất nước chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, công cuộc đổi mới còn những mặt hạn chế, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội nóng bỏng chưa được giải quyết. Pháp luật, kỷ cương chưa được chấp hành nghiêm, còn nhiều hiện tượng phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội. Vẫn có những nhân tố có thể gây mất ổn định chính trị. Bộ máy đảng, nhà nước, đoàn thể nhân dân còn cồng kềnh, phương pháp công tác và quản lý còn kém hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, đảng viên không đủ năng lực và phẩm chất cách mạng để đảm đương nhiệm vụ hoặc bị thoái hóa, biến chất.

Mục tiêu tổng quát và phương châm chỉ đạo 5 năm 1991 - 1995 là: Vượt qua khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa đất nước cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng.

Đại hội thông qua Nghị quyết về các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2000; Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa VI về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu 5 năm 1991-1995; Báo cáo xây dựng Đảng và Điều lệ Đảng (sửa đổi).

Đồng chí Đỗ Mười và các đại biểu dự Đại hội VII của Đảng. Ảnh: TTXVN

Đồng chí Đỗ Mười và các đại biểu dự Đại hội VII của Đảng. Ảnh: TTXVN

Trong diễn văn bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư Đỗ Mười đánh giá: “Đại hội đánh dấu bước trưởng thành mới của Đảng, cột mốc mới trong tiến trình cách mạng nước ta”, đáp ứng ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, đáp ứng lòng mong đợi và sự tin cậy của bạn bè gần xa trên thế giới. Để hoàn thành sự nghiệp đổi mới, bản thân Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, vươn lên ngang tầm đòi hỏi của hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại hội VII có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử của Đảng.

Khẳng định những định hướng đúng đắn của Đại hội VI, Đại hội VII đã hình thành rõ nét con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm Việt Nam. Với cương lĩnh, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và những chủ trương, giải pháp cụ thể, Đại hội VII đặt một mốc son mới, nhằm đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng về kinh tế - xã hội; làm sáng rõ con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Tổng kết những kinh nghiệm bước đầu của công cuộc đổi mới và đề xuất bổ sung những giải pháp tiếp tục khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, Đại hội VII đã tạo ra tiền đề làm cho đất nướctrụ vững trước ảnh hưởng bất lợi của sự sụp đổ của Liên Xô, đồng thời cũng là sự mở đầu quá trình đưa nền kinh tế đất nước ra khỏi khủng hoảng.

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được thực tiễn tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh, song những nét căn bản về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội VII vạch ra là một thực tế sinh động cho nhiều lực lượng cách mạng trên thế giới nghiên cứu, xem xét và gửigắm lòng tin vào tiền đề của sự nghiệp cách mạng mà Các Mác, Fh. Ăng-ghen, V.I. Lênin và Hồ Chí Minh để lại.

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/cac-ky-dai-hoi-cua-dang-va-nhung-dau-an-lich-su-dai-hoi-lan-thu-vii-doi-moi-toan-dien-va-dong-bo-dua-cong-cuoc-doi-moi-di-vao-chieu-sau-813844