Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh - Nhà lãnh đạo chủ chốt, tài năng của Đảng
Đồng chí Nông Đức Mạnh sinh ra và trưởng thành từ một vùng quê miền núi phía Bắc, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác từ cơ sở đến Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Quốc hội các khóa IX, X và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IX (2001-2006), khóa X (2006-2011).
Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trưởng thành từ cơ sở đến người đứng đầu Nhà nước
Đồng chí Nông Đức Mạnh bí danh là Việt Thanh, sinh năm 1940, tại xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, xuất thân trong một gia đình nông dân, dân tộc Tày. Tháng 4-1958, đồng chí Nông Đức Mạnh bắt đầu tham gia cách mạng(1). Từ năm 1958 đến năm 1961, học trường Trung cấp Nông lâm Trung ương Hà Nội.
Từ năm 1962 đến 1963, là công nhân lâm nghiệp thuộc Ty Lâm nghiệp Bắc Kạn. Đồng chí làm Đội trưởng, Bí thư Chi đoàn Đội khai thác gỗ, từng ở và làm việc tại nhà ông Lương Đức Tưởng (2) ở Nà Rào, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông. Ngày 5-7-1963, đồng chí được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Từ năm 1964 đến 1966, là kỹ thuật viên điều tra quy hoạch rừng Ty Lâm nghiệp Bắc Kạn, Đội phó Đội khai thác gỗ Bạch Thông.
Từ cuối thập kỷ 70, theo Hiệp định Hợp tác toàn diện và triệt để với Liên Xô được ký kết, Liên Xô không những giúp đỡ toàn diện cho Việt Nam về vật chất, mà còn giúp Việt Nam trong việc đào tạo cán bộ. Trong đó có cả các cán bộ quản lý cao cấp. Trong thế hệ tham gia các lớp này, có các đồng chí Nông Đức Mạnh, Phan Diễn...
Đồng chí Nông Đức Mạnh là sinh viên Học viện Lâm nghiệp Lêningrat (Liên Xô), từ năm 1966 đến 1971. Sau khi tốt nghiệp về nước, đồng chí được phân công giữ chức Phó ban Thanh tra Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái từ năm 1972 đến 1973.
Từ năm 1973 đến 1974, đồng chí được bổ nhiệm làm Giám đốc Lâm trường Phú Lương (tỉnh Bắc Thái, nay là tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên). Từ năm 1974 đến 1976, đồng chí là học viên Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc(3) (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Từ năm 1976 đến 1980, là Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái kiêm Chủ nhiệm Công ty xây dựng lâm nghiệp, sau đó là Trưởng Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái. Từ năm 1980 đến năm 1983, được bầu là Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái. Từ năm 1984 đến tháng 10-1986 đồng chí được bầu giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy(4), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Thái.
Từ ngày 21 đến ngày 25-10 năm 1986, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Thái khóa V (lần thứ XII của tỉnh Thái Nguyên), đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái, khóa V (1986-1991)(5). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Cuối tháng 3-1989, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu (khóa VI), đồng chí Nông Đức Mạnh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái, được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng chính thức(6).
Tháng 8-1989, đồng chí được phân công làm Trưởng ban Dân tộc Trung ương. Tháng 11-1989, đồng chí được bầu bổ sung làm Đại biểu Quốc hội khóa VIII và được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Trưởng Ban Dân tộc Trung ương Nông Đức Mạnh và Ban Dân tộc Trung ương đã cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, chuẩn bị nội dung để Bộ Chính trị ra quyết định ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TW, ngày 27-11-1989 về một số chủ trương chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Ở thời điểm ấy, đây là một vấn đề “rất nhạy cảm và phức tạp”, “nảy sinh những nhận thức khác nhau”…(7)
Trên cương vị lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu Đảng và Nhà nước
Tháng 6-1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu vào Bộ Chính trị. Ngày 19-9-1992, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa IX khai mạc (tại Hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội). Sáng 23-9-1992, Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Kết quả, đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Chủ tịch Quốc hội(8).
Tháng 6-1996, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh tiếp tục được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị. Ngày 10-8-1996, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 02-QĐ/TW về phân công các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, được phân công phụ trách vấn đề dân tộc(9).
Ngày 20-9-1997, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa X đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Ngày 24-9-1997, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội..., đồng chí Nông Đức Mạnh được tín nhiệm bầu lại làm Chủ tịch Quốc hội khóa X(10). Tháng 1-1998, đồng chí được phân công làm Thường vụ Bộ Chính trị.
Tháng 4-2001, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong diễn văn bế mạc Đại hội IX, đồng chí Nông Đức Mạnh khẳng định nguyện đem hết sức mình, đồng tâm hiệp lực, gương mẫu trong sinh hoạt và công tác, không ngừng nâng cao bản lĩnh và trí tuệ, nói đi đôi với làm, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội(11).
Tháng 4-2006, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và tiếp tục được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trong thời gian kể từ khi nhận nhiệm vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đến khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2, khóa X (từ năm 2001 đến năm 2011), đồng chí Nông Đức Mạnh đã có những đóng góp tích cực trong việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, bảo đảm sự ổn định, phát triển và tiếp tục công cuộc Đổi mới của đất nước, mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới...
Đồng chí Nông Đức Mạnh đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng (từ khi Đổi mới năm 1986 đến năm 2011), công lao trong xây dựng và củng cố bộ máy Nhà nước vững mạnh, góp phần quan trọng vào công cuộc Đổi mới đất nước. Đồng chí có nhiều khóa làm đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, giữ nhiều cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và đã có những cống hiến quan trọng trong việc lãnh đạo công cuộc Đổi mới đất nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, xây dựng và không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.
Trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nông Đức Mạnh đã có nhiều đóng góp trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trên cương vị là Tổng Bí thư, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, đồng chí Nông Đức Mạnh luôn luôn có tác phong gần gũi với quần chúng, giữ nguyên tắc, tôn trọng và giữ mối quan hệ đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ đi sau. Đánh giá về vai trò và công lao của đồng chí Nông Đức Mạnh, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Những thành tựu đạt được của đất nước ta trong thời gian qua… có công lao to lớn của đồng chí Nông Đức Mạnh trên cương vị trọng trách Tổng Bí thư”.(12)
------------------------------------------------------
(1) Văn kiện Quốc hội toàn tập: 1992-1997, quyển 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, 1652.
(2) Đồng Khắc Thọ, Theo chân người đi tìm vàng, Nxb Lao động, Hà Nội, 2003, tr.234.
(3) Tiểu sử Chủ tịch Quốc hội khóa IX - Nông Đức Mạnh, Tạp chí Cộng sản, số 10-1992, tr.13-14.
(4) Theo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, tập II (1965-2000), tái bản lần thứ nhất, có chỉnh lý, bổ sung, xuất bản năm 2021, tr.323 viết đồng chí Nông Đức Mạnh làm Phó bí thư Tỉnh ủy, từ tháng 9-1983.
(5) Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Thái Nguyên, Địa chí Thái Nguyên, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.1076. Đồng chí Nông Đức Mạnh làm đến năm 1989.
(6) Thông báo của Ban Bí thư, số 132-TB/TW, ngày 13 tháng 4 năm 1989, về việc bầu bổ sung Ủy viên Trung ương chính thức, in trong Văn kiện Đảng toàn tập, tập 49, Nxb Chính quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.680.
(7) Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Tài liệu nghiên cứu các Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.34.
(8) Văn phòng Quốc hội, Lịch sử Quốc hội Việt Nam, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.27.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 55, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.559.
(10) Văn phòng Quốc hội, Lịch sử Quốc hội Việt Nam, tập 4.
(11) Diễn văn bế mạc do đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đọc, Tạp chí Cộng sản, số 9 (5-2001), tr.31.
(12) Nguyễn Phú Trọng, Vững bước trên con đường đổi mới, tập 1 (2011-2014), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.31-32.