Các kỳ đại hội của Đảng và những dấu ấn lịch sử - Đại hội lần thứ XII: Đẩy mạnh công cuộc đổi mới, sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra từ ngày 20 đến 28-1-2016, có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước. Nhân dân đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, phù hợp của Đảng, để phát huy thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững. Đại hội XII thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ, đúng đắn của Đảng.
Đại hội có chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Đánh giá kết quả 30 năm đổi mới, đề ra nhiệm vụ cho 5 năm tiếp theo
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng: Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước phát triển; an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả quan trọng...
Nhìn lại kết quả thực hiện 30 năm đổi mới (1986-2016), Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định: Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.... Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.
Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế, xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên…
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”, ý thức trách nhiệm cao trước Tổ quốc, trước sứ mệnh của Đảng, nhân dân và đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2016-2020: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
![Ảnh minh họa / Vietnamplus](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_16_51416657/cce768e850a6b9f8e0b7.jpg)
Ảnh minh họa / Vietnamplus
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, trên cơ sở quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực đã nêu trong Báo cáo chính trị và Báo cáo kinh tế - xã hội, cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đặc biệt chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Hai là, xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Ba là, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công.
Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Năm là, thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sáu là, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Dành nhiều thời gian thảo luận về công tác nhân sự
Đây là Đại hội đầu tiên Đảng ta thực hiện Đề án: “Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2020 và các nhiệm kỳ tiếp theo”.
Trên cơ sở Đề án Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2020 được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, bài bản, khoa học, thận trọng và thực sự phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, tạo được sự thống nhất cao của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và của các đại biểu dự Đại hội.
Đại hội dành nhiều thời gian thảo luận về công tác nhân sự, việc ứng cử, đề cử ở các đoàn và trên hội trường. Đại hội thảo luận dân chủ và bỏ phiếu kín đối với những trường hợp xin rút khỏi danh sách bầu cử với sự thống nhất cao, trước khi chốt danh sách bầu cử. Đại hội chỉ bầu một lần đủ số lượng Ban Chấp hành Trung ương khóa XII gồm 200 đồng chí với số phiếu tập trung cao (đồng chí trúng cử có số phiếu thấp nhất cũng hơn 62%), trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.
Đây cũng là nhiệm kỳ Đại hội bầu số lượng ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiều nhất từ trước đến nay, tăng 5 đồng chí so với nhiệm kỳ Đại hội XI. Trong số các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có 52% tái cử; 10% nữ; 8,5% là người dân tộc thiểu số; 21% dưới 50 tuổi và tuổi bình quân chung của Ban Chấp hành Trung ương là 53 tuổi.
Ngày 27-1-2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp Hội nghị lần thứ Nhất, đã bầu Bộ Chính trị gồm 19 đồng chí; bầu Ban Bí thư gồm 13 đồng chí; bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương 21 đồng chí và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tái cử chức vụ Tổng Bí thư của Đảng nhiệm kỳ khóa XII với số phiếu tập trung rất cao. Trong số các Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII có 12 đồng chí mới, 3 đồng chí nữ, 1 đồng chí là người dân tộc thiểu số và 1 đồng chí dưới 50 tuổi.
Được tổ chức sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), những quyết sách tại Đại hội lần thứ XII của Đảng là phương hướng phát triển đất nước trong thời kỳ mới.