Các làng nghề khẩn trương vào vụ tết
Người dân làng nghề bó chổi Mỹ Thành (thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) tập trung làm chổi chuẩn bị bán tết. Ảnh: VÕ PHÊ
Chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão, các làng nghề truyền thống trong tỉnh rộn ràng chuẩn bị hàng hóa phục vụ người dân mua sắm tết.
Tất bật sản xuất
Tại làng nghề bó chổi Mỹ Thành (thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), hằng ngày, bà con tập trung đến các cơ sở làm chổi, tỉ mẩn từng công đoạn để làm ra những chiếc chổi chất lượng, chuẩn bị bán tết. Theo bà Võ Thị Tuyết, chủ một cơ sở làm chổi, vào cuối năm, các gia đình đều mua vài cây chổi mới để thay những cây đã cũ, nên sản phẩm chổi làm ra thường được tiêu thụ hết, có năm không đủ cung cấp. Do vậy những ngày qua, cơ sở tất bật làm chổi dự trữ để bán trong dịp tết.
Cũng theo bà Tuyết, nhờ có công lao động thường xuyên nên mỗi tháng cơ sở của bà làm khoảng 10.000-12.000 cái chổi. Tất cả đều được bán cho thương lái các tỉnh. Hiện tại, giá mỗi sản phẩm bán sỉ ra thị trường dao động 17.000-25.000 đồng/cái.
Ghi nhận tại làng nghề bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An), từ đầu tháng 11 âm lịch đến nay, các cơ sở chế biến bánh tráng liên tục hoạt động. Những cơ sở làm bánh có quy mô đều huy động nhân công làm cả ngày lẫn đêm. Theo một số hộ làm bánh tráng ở xã này, nhờ mấy ngày qua trời nắng đẹp, các gia đình tranh thủ nâng công suất để có hàng bán tết. Giá bánh tráng phụ thuộc vào giá gạo, trấu và nhu cầu thị trường; tại thời điểm này là 120.000-140.000/100 bánh, đến tết có thể tăng cao nếu giá nguyên liệu tăng, hay nguồn hàng thiếu hụt.
Chị Phùng Thị Kim Phương (thôn Phú Long, xã An Mỹ) chia sẻ: Gia đình tôi làm bánh thủ công nên ngày thường làm khoảng 500-600 bánh, còn từ nay đến tết tăng khoảng 1.000 bánh/ngày.
Chú trọng chất lượng, bao bì, nhãn mác
Với nghề làm nước mắm truyền thống, hiện phần lớn cơ sở làm mắm ở An Phú, An Chấn, Gành Đỏ… đều đã cho ra những lứa mắm mới để bán tết. Các cơ sở cho biết, nếu bán cho người dân cả trong và ngoài tỉnh thì bình quân mỗi cơ sở chuẩn bị 3.000-5.000 lít mới đủ cung cấp. Ngoài số lượng thì chất lượng, bao bì, nhãn mác cũng được các cơ sở chú trọng.
Bà Nguyễn Thị Mai (xã An Phú, TP Tuy Hòa) cho biết: Mắm truyền thống có nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 30.000-150.000 đồng/lít. Tuy nhiên trong dịp tết, các gia đình thường chọn mua loại ngon để dùng hoặc tặng người thân. Hiện khách đã đặt hàng trước để làm quà tặng nên chúng tôi chuẩn bị hộp mới, bao bì đẹp để phục vụ nhu cầu của khách.
Không khí sản xuất tất bật không chỉ có ở các làng nghề bánh tráng, nước mắm, chổi đót, mà cả làng nghề làm rượu tằm Hòa Phong (huyện Tây Hòa), rượu Quán Đế (TX Sông Cầu)… cũng nhộn nhịp không kém. Ông Nguyễn Nghị, chủ một cơ sở làm rượu ở xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu) nói: Mỗi năm một lần tết nên chúng tôi cố gắng làm số lượng nhiều để bán cho người tiêu dùng. Ngoài các thành viên trong gia đình, chúng tôi phải thuê thêm công để phụ giúp. Để có những mẻ rượu ngon, bán cho khách hàng trong dịp tết thì chúng tôi làm rượu mới, chất lượng và bao bì, đóng chai cũng phải bắt mắt hơn, đặt phụ kiện bao gói, hộp hay đổi mẫu chai để thu hút khách mua làm quà tặng.
Theo nhiều người, sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở Phú Yên cơ bản đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, đối với hàng hóa, thực phẩm thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng rất cần được các cơ sở quan tâm nhiều hơn nữa để bảo vệ sức khỏe cũng như lợi ích người dùng; góp phần nâng giá trị, uy tín sản phẩm làng nghề của tỉnh.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/290969/cac-lang-nghe-khan-truong-vao-vu-tet.html