Các lãnh đạo thế giới nói gì về kết quả bầu cử 'lịch sử' tại Italia?
Nếu như Mỹ và Nga bày tỏ việc sẵn sàng phát triển quan hệ với chính phủ liên minh trung hữu vừa giành chiến thắng của Italia trong cuộc bầu cử được coi là lịch sử của nước này hôm 25/9, nhiều lãnh đạo châu Âu vẫn tỏ ra hoài nghi về lập trường của liên minh, đừng đầu bởi lãnh đạo đảng Anh em Italia (FDI) Giorgia Meloni – người từng gia nhập tổ chức thanh niên của đảng tân phát xít Phong trào Xã hội Italia (MSI) từ năm 15 tuổi.
Chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sớm tại Italia hôm 25/9 đã gọi tên liên minh trung hữu gồm đảng Anh em Italia (FDI) của bà Giorgia Meloni (26%), đảng Liên đoàn (Lega) của ông Matteo Salvini (9%) và đảng Tiếng lên Italia (Forza Italia) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi (8%). Như vậy, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, Italia sẽ có một chính phủ theo đường lỗi cựu hữu.
Sau khi kết quả được công bố, nhiều lãnh đạo thế giới đã lên tiếng bày tỏ quan điểm của họ về chiến thắng của liên minh trung hữu, bởi Italia là nền kinh tế lớn thứ ba trong Liên minh châu Âu (EU), mọi thay đổi trên chính trường này không chỉ tác động tới người dân Italia mà còn tới cả “lục địa già”.
Nhà Trắng tối 26/9 (giờ địa phương) ra thông cáo cho biết sẵn sàng trao đổi với chính phủ mới ở Italia về một loạt các thách thức toàn cầu. Đặc biệt, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nêu rõ sẽ làm việc với liên minh trung hữu cầm quyền về những mục tiêu chung, trong đó có việc ủng hộ Ukraine tự do và độc lập, tôn trọng nhân quyền và xây dựng một tương lai kinh tế bền vững.
Trong một tuyên bố ngay sau đó, Điện Kremlin nhấn mạnh sẵn sàng phát triển quan hệ mang tính xây dựng và thiện chí với liên minh trung hữu của Italia, đứng đầu bởi nữ lãnh đạo Giorgia Meloni.
Về phía các lãnh đạo châu Âu, tân Thủ tướng Anh Liz Truss đã gửi lời chúc mừng tới bà Giorgia Meloni, đồng thời khẳng định Anh và Italia là hai đồng minh thân thiết. “Xin chúc mừng Georgia Meloni về thành công của FDI trong cuộc bầu cử tại Italia. Từ việc hỗ trợ Ukraine đến giải quyết các thách thức kinh tế toàn cầu, Anh và Italia chắc chắn là đồng minh thân thiết".
Tổng thống Pháp Emmanuel cũng khẳng định tôn trọng việc người dân Italia đã đưa ra lựa chọn và đề nghị hai bên có những hợp tác sâu rộng.
Tuy nhiên, chính giới nước Đức lại tỏ ra hết sức quan ngại về chính phủ sắp tới của Italia. Ông Wolfgang Buechner, Phát ngôn viên Thủ tướng Đức đánh giá: "Italia là một quốc gia rất thân thiện với châu Âu, những công dân Italia cũng rất thân thiện. Chúng tôi không mong đợi điều này sẽ thay đổi sau khi một chính phủ cánh hữu lên nắm quyền”.
Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Katharina Barley, thành viên đảng Dân chủ xã hội trung tả (SPD) của Thủ tướng Scholz lo ngại rằng, bà Meloni có thể sẽ gây dựng một chính phủ giống như Hungary, ủng hộ Ukraine nhưng phản đối trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt, hay thậm chí là xung đột với EU về các vấn đề pháp quyền như Ba Lan. Được biết, hai lãnh đạo đảng khác trong liên minh của bà là ông Matteo Salvini và ông Silvio Berlusconi, từng tìm kiếm mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo truyền thông Italia, quốc hội mới dự kiến sẽ được triệu tập vào ngày 13/10 để bầu ra Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện. Sau đó, Tổng thống Sergio Mattarella sẽ bắt đầu tham vấn với các lãnh đạo đảng để thảo luận về chính phủ mới. Thủ tướng được bổ nhiệm sẽ đưa ra một danh sách các bộ trưởng và cần được Tổng thống phê chuẩn, cũng như bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội.