Các lệnh trừng phạt đối với dầu khí Iran không thật sự hiệu quả

Mỹ và Vương quốc Anh đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran vào thứ Năm tuần này, ngày 18/4, sau cuộc tấn công của Iran vào Israel vào cuối tuần trước. Liên minh châu Âu cũng đang chuẩn bị làm điều tương tự. Hầu hết các biện pháp trừng phạt có hiệu lực đối với Iran là các biện pháp của Mỹ liên quan đến dầu mỏ và nước này đang cố tìm cách lách trừng phạt.

Hình minh họa

Hình minh họa

Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng các lệnh trừng phạt của Washington nhắm vào "16 người và hai thực thể sản xuất máy bay không người lái của Iran", bao gồm cả Shaheds, "được sử dụng trong vụ tấn công ngày 13/4". Lệnh trừng phạt cũng liên quan đến ba công ty con của Tập đoàn sản xuất ô tô Iran Bahman và Bộ Quốc phòng Iran.

Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ tiếp tục buộc Iran phải “chịu trách nhiệm” với các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Cộng hòa Hồi giáo này. Theo thông cáo báo chí của Nhà Trắng, các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích “hạn chế các chương trình quân sự gây bất ổn của Iran”.

Các lệnh trừng phạt do London áp đặt nhắm vào “một số tổ chức quân sự, cá nhân và thực thể của Iran có liên quan đến ngành công nghiệp tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái”.

Lệnh trừng phạt

Heloïse Fayet, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Ifri, cho biết những lệnh trừng phạt của Mỹ và Anh, thêm vào một loạt các lệnh trừng phạt khác của phương Tây. “Iran là đối tượng của nhiều lệnh trừng phạt do chương trình hạt nhân của nước này - do đó Mỹ và châu Âu đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với việc xuất khẩu vũ khí của nước này sang Nga vì Iran bán máy bay không người lái cho Nga và có khả năng là tên lửa đạn đạo. Có khả năng một số công ty và cá nhân nhất định đã bị nhắm mục tiêu”, bà Fayet nhận định.

Heloïse Fayet tin rằng những biện pháp trừng phạt này hiện chưa chứng tỏ được tính hiệu quả của chúng. Bà lưu ý “các biện pháp trừng phạt không phải lúc nào cũng hiệu quả vì Iran vẫn có thể làm giàu từ uranium và tiếp tục sản xuất tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái cùng tên lửa hành trình”. “Các chế tài này không ảnh hưởng đến chính phủ Iran, đặc biệt là Lực lượng Vệ binh Cách mạng, do có thị trường chợ đen và khả năng tránh các lệnh trừng phạt quan trọng. Và rõ ràng, cuộc tấn công trả đũa ngày 13/4 của Iran vào Israel là nhân chứng rõ nhất cho thấy các chiến lược gây áp lực tối đa không có tác dụng”.

Lách trừng phạt

Điều tương tự cũng xảy ra với những biện pháp nhắm vào dầu mỏ của Iran. Có hiệu lực từ năm 2018, lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran đã góp phần khiến xuất khẩu dầu của nước này giảm mạnh. Nhưng chúng vẫn chưa giảm xuống mức 0. Trong hai năm, chúng thậm chí còn tăng lên. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào tháng 3, Iran đã sản xuất 3,25 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Và hiện tại, Tehran thành công xuất khẩu khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Iran đã tìm được đối tác tiềm năng ở châu Á để có thể vượt qua khủng hoảng. Khách hàng chính của họ là Trung Quốc: các nhà máy lọc hóa dầu ngoài quốc doanh của Trung Quốc mua dầu của Iran với giá rất thấp.

Các chuyên gia giải thích rằng Iran, thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nắm giữ trữ lượng dầu lớn thứ ba thế giới sau Venezuela và Ả Rập Saudi, đã trở thành bậc thầy trong việc lách lệnh trừng phạt. Đặc biệt, chính các trung gian châu Á đã bán dầu Iran cho người mua ở Đông Á. Hành vi này đã giúp hoạt động xuất khẩu của Cộng hòa Hồi giáo phục hồi.

Đến năm 2023, xuất khẩu dầu thô của Iran đã đạt đến tầm cao mới, tạo ra doanh thu ấn tượng 35 tỷ USD mỗi năm.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cac-lenh-trung-phat-doi-voi-dau-khi-iran-khong-that-su-hieu-qua-709754.html