Các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực

Ngày 30/7, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 7 năm 2024 với chủ đề “Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ tháng 8 năm 2024”.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh (kể cả vốn năm 2023 kéo dài chuyển sang) là 6.929,543 tỷ đồng. Đến ngày 15/7/2024, giải ngân được 2.810,172 tỷ đồng, đạt 40,55% so với kế hoạch của Hội đồng nhân dân tỉnh giao và đạt 41,27% so với kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ giải ngân của tỉnh cao hơn mức giải ngân bình quân chung của cả nước.

Bà Võ Phương Thủy – Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại phiên họp

Bà Võ Phương Thủy – Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại phiên họp

7 tháng đầu năm 2024, tỉnh có 365 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 2.641,23 tỷ đồng, đạt gần 57% kế hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp thu hút đầu tư tư nhân, tiếp và làm việc với nhiều đoàn đến thăm, làm việc và tìm hiểu đầu tư tại Đồng Tháp. Từ đầu năm đến ngày 19/7/2024, toàn tỉnh thu hút được 6 dự án đầu tư.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản ổn định, hầu hết người sản xuất đều có lợi nhuận. Vụ thu đông 2024 xuống giống 87.863ha/120.000ha, đạt 73,2% so với kế hoạch. Giá thành sản xuất lúa dao động 3.721 - 3.841 đồng/kg (tăng 28-71 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2023), lợi nhuận dao động 24 - 28,3 triệu đồng/ha (tăng từ 5,1 - 10,2 triệu đồng/ha so với cùng kỳ).

Giá bán các mặt hàng hoa màu đa số tăng so với tháng trước. Lợi nhuận tăng từ 18 - 140 triệu đồng/ha tùy từng loại. Tổng diện tích trồng cây ăn trái là 43.825ha, giảm 222ha so với tháng trước và tăng 958ha so với cùng kỳ. Tình hình giá bán các sản phẩm cây ăn trái chủ lực giảm nhẹ so với tháng trước. Trong tháng, cấp mã số cho 140 vùng trồng với diện tích 17.631,36ha.

Tình hình nuôi trồng thủy sản tiếp tục duy trì. Diện tích thả nuôi đến 17/7 là 4.778ha, tổng sản lượng thủy sản thu hoạch đạt 307.336 tấn, trong đó, sản lượng cá tra thâm canh đạt khoảng 252.650 tấn. Giá thành sản xuất cá tra trung bình 26.504 đồng/kg (giảm 548 đồng/kg so với cùng kỳ), người nuôi lời khoảng 107,8 triệu đồng/ha, các loại thủy sản khác duy trì lợi nhuận.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 115 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) (đạt 100%) và 38 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 3 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Sa Đéc, Cao Lãnh, Hồng Ngự), 3 huyện đạt chuẩn NTM (Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành). Đối với huyện Lai Vung và huyện Lấp Vò, UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ theo góp ý của các Bộ, ngành Trung ương và đã thông qua Hội đồng thẩm định Trung ương.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng từ những tháng đầu năm 2024. Trong tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 14,3% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 11.885 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 15,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 161,6 triệu USD, tăng 2% so với tháng trước, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Riêng 7 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.071,4 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 76,5% so với kế hoạch.

Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị còn tập trung chia sẻ các nội dung liên quan đến tình hình triển khai các thủ tục, dự án phát triển hạ tầng công nghiệp; dự báo tình hình mưa, bão và mực nước lũ năm 2024; công tác triển khai các công trình giao thông trọng điểm; bảo đảm vật tư, thiết bị y tế và phòng, chống dịch bệnh...

 Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu kết luận, chỉ đạo tại phiên họp

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa phát biểu kết luận, chỉ đạo tại phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tạo tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2024. Hầu hết các lĩnh vực tiếp tục có nhiều khởi sắc, chuyển biến tích cực.

Trong tháng 8 và những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục bám sát các nhiệm vụ đề ra, triển khai thực hiện đồng bộ các luật, nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh. Đây là những động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, phát huy lợi thế của từng ngành. Trong đó, ngành nông nghiệp đảm bảo ăn chắc vụ lúa thu đông; khai thác lợi thế mùa lũ; tạo điều kiện cho các vùng nuôi thủy sản phát triển ổn định, không để đứt gãy nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến.

Ngành công thương hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp gia tăng công suất hoạt động, phục hồi các hợp đồng, đơn hàng xuất khẩu; thúc đẩy các dự án nhà máy sản xuất công nghiệp trọng điểm sớm đi vào hoạt động; đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, mở rộng thị trường xuất khẩu...

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các ngành, địa phương xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cần phải tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ có hiệu quả. Bên cạnh đó, đẩy mạnh dự án kêu gọi đầu tư tư nhân; tập trung chuẩn bị chu đáo cho các sự kiện quan trọng của tỉnh; đẩy mạnh, kết nối lao động với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; kiềm chế tai nạn giao thông, đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn...

Y Du

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/cac-linh-vuc-kinh-te-tiep-tuc-co-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-124362.aspx