Các loại thuốc điều trị ung thư thực quản
Ung thư thực quản có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Do đó người bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị đúng cách, kịp thời…
Hiện nay, có nhiều thuốc được dùng trong điều trị ung thư thực quản. Tùy vào từng giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp.
Một số loại thuốc phổ biến được sử dụng trong điều trị ung thư thực quản:
1. Hóa trị
Tác dụng: Hóa trị liên quan đến việc sử dụng thuốc để tấn công các tế bào ung thư. Các thuốc hóa trị có thể được sử dụng trước/sau khi phẫu thuật, cũng có thể đi kèm với việc sử dụng xạ trị.
Ở những người bị ung thư giai đoạn muộn đã lan ra ngoài thực quản, hóa trị có thể được sử dụng đơn thuần để giúp giảm các triệu chứng do ung thư gây ra.
Một số thuốc được sử dụng như: Cisplatin, carboplatin, 5-fluorouracil, capecitabine.
Tác dụng phụ: Bao gồm mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón, rụng tóc, lở miệng, chán ăn, buồn nôn và nôn, nguy cơ thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính.
2. Thuốc nhắm mục tiêu điều trị ung thư thực quản
Tác dụng: Nhiều trường hợp có quá nhiều protein HER2, một protein kích thích tế bào ung thư phát triển, trên bề mặt tế bào. Các thuốc được sử dụng để nhắm mục tiêu (thuốc nhắm trúng đích) vào protein HER2 ngăn sự nhân lên của các tế bào ung thư.
Thuốc nhắm mục tiêu có thể được kết hợp với hóa trị liệu trong trường hợp các bệnh ung thư giai đoạn muộn không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật hoặc đối với các bệnh ung thư tái phát sau khi điều trị.
Các loại thuốc nhắm mục tiêu được sử dụng bao gồm: Trastuzumab, fam-trastuzumab deruxtecan, ramucirumab, entrectinib, larotrectinib.
Tác dụng phụ: Tùy theo từng loại thuốc được sử dụng, chúng có thể gây ra các ảnh hưởng khác nhau trên cơ thể: Có thể bị sốt và ớn lạnh, ho, nhức đầu, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, chán ăn, sốt, cảm thấy mệt mỏi, rụng tóc…
Lưu ý: Một số liệu pháp nhắm mục tiêu chỉ có tác dụng ở những người có tế bào ung thư có những thay đổi DNA nhất định.
Hiện nay, có nhiều thuốc được dùng trong điều trị ung thư thực quản. Tùy vào từng giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp.
3. Liệu pháp miễn dịch
Tác dụng: Phương pháp điều trị này bao gồm các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch giúp khôi phục phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với các tế bào ung thư thực quản, bao gồm các thuốc như: Pembrolizumab, nivolumab, ipilimumab…
Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ thường gặp như: Mệt mỏi, ho, sốt, buồn nôn, ngứa, phát ban da, chán ăn, táo bón, tiêu chảy, đau cơ hoặc khớp. Ngoài ra, có thể gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng khác: Sốt, ớn lạnh, đỏ bừng mặt, phát ban, ngứa da, cảm thấy chóng mặt, thở khò khè và khó thở.
Lưu ý: Liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật, được sử dụng cho các bệnh ung thư giai đoạn muộn không thể cắt bỏ bằng phẫu thuật hoặc cho các bệnh ung thư tái phát sau khi điều trị.
Các thuốc này có thể làm hệ thống miễn dịch tấn công các bộ phận khác của cơ thể (như phổi, ruột, gan, thận, da…) gây nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó, nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng, cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
4. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị ung thư thực quản
- Tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
- Tuyệt đối không được tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời,
- Người bệnh khi điều trị ung thư thực quản có thể bị sụt cân, mất vị giác, khó nuốt, buồn nôn, nôn… Do đó cần có chế độ ăn uống phù hợp: Ăn các bữa nhỏ sau mỗi 2 - 3 giờ, ăn mọi thức ăn có thể.
- Có thể dùng các chất bổ sung, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.