Các lỗi vi phạm giao thông phổ biến đã giảm sâu

Thực hiện Nghị định 168, người dân tham gia giao thông an toàn hơn, từ đó xây dựng văn hóa giao thông, nhất là tại các thành phố lớn, văn minh hơn, an toàn hơn.

Tại họp báo Chính phủ chiều 5-2, liên quan đến việc thực hiện Nghị định 168 (quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ) thời gian qua, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an thông tin, dịp Tết Nguyên đán 2025, lần đầu tiên, an toàn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí (đều giảm ở 2 con số).

Cụ thể, trong 9 ngày tết, tai nạn giao thông giảm 258 vụ, giảm 36,6% so với dịp nghỉ tết cùng kỳ năm trước; giảm 128 người chết, giảm 37,6%; giảm 232 người bị thương, giảm 38,3%.

Đối với việc thực hiện Nghị định 168, sau hơn 1 tháng triển khai, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho rằng, tính nghiêm túc của người dân trong việc chấp hành các quy định an toàn giao thông rất cao. Ở các ngã ba, ngã tư…, ngay cả khi không có cảnh sát giao thông, người dân chấp hành rất nghiêm túc, đặc biệt là tín hiệu đèn giao thông, đi đúng làn đường, không đi vào đường cấm…

 Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: QUANG PHÚC

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: QUANG PHÚC

So với tháng liền kề trước đó, nhiều lỗi vi phạm rất phổ biến thì nay đã giảm sâu. Ví dụ, vi phạm về nồng độ cồn giảm 13%, vi phạm về tốc độ giảm 21%, vi phạm về quá tải, quá khổ giảm 44%; số trường hợp tham gia giao thông trên đường mà cơ thể có chất ma túy giảm 21,5%; không chấp hành tín hiệu đèn giao thông giảm 36,7%; vi phạm đội mũ bảo hiểm giảm 23,8%... Đây là những chỉ số rất tích cực cho thấy người dân tham gia giao thông an toàn hơn, từ đó xây dựng văn hóa giao thông, nhất là tại các thành phố lớn, văn minh hơn, an toàn hơn.

Về công tác phòng chống tội phạm, trong thời gian trước và trong tết, tội phạm mạng, đặc biệt là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, phát triển rất đa dạng với nhiều hình thức tinh vi. Trước tình hình đó, Bộ Công an đã có kế hoạch trấn áp tội phạm, tập trung vào tội phạm công nghệ cao. Ngay trước tết và trong tết, các cơ quan của Bộ Công an đã phát hiện và xử lý 2 vụ việc rất lớn.

Cụ thể, Công an tỉnh Bắc Ninh phát hiện lừa đảo trên không gian mạng, chiếm đoạt tài sản của người dân gần 1.000 tỷ đồng. Công an Đà Nẵng phát hiện vụ lừa đảo có tính chất quốc tế, lừa đảo khoảng 800 nạn nhân với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân xung quanh các phương thức thủ đoạn, hình thức lừa đảo trên không gian mạng để người dân biết; phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là lĩnh vực ngân hàng và viễn thông để hạn chế, khắc phục những lỗ hổng trong việc quản lý sim rác, tài khoản ảo… để sử dụng lừa đảo trên không gian mạng.

 Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Văn Hồi. Ảnh: QUANG PHÚC

Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Văn Hồi. Ảnh: QUANG PHÚC

Về vấn đề người lao động trở lại thị trường lao động sau tết, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Văn Hồi thông tin, lực lượng lao động tham gia thị trường lao động lớn, khoảng 52 triệu người. Thông thường sau tết, có một bộ phận người lao động vì một số lý do như nghỉ phép thêm, chuyển việc, hoặc thay đổi chỗ ở, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số nhà máy và một số địa phương. Ngay từ trước tết, Bộ LĐTB-XH đã dự báo tình hình và hướng dẫn các địa phương nắm chắc, dự báo chắc diễn biến về người lao động, thị trường lao động tại các nhà máy, xí nghiệp tại địa phương của mình để bảo đảm ổn định thị trường.

Công đoàn các cấp cũng đã tổ chức nhiều chuyến xe đưa đón người lao động, góp phần cùng doanh nghiệp ổn định thị trường. Tính đến thời điểm này, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các địa phương như: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, TPHCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương…, người lao động đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết, nhiều địa phương đạt 97-98%, có nơi đến 100%.

Cũng theo đại diện Bộ LĐTB-XH, bình quân tiền lương của người lao động năm 2024 đạt gần 9 triệu đồng/tháng, tăng so với năm 2023 và mức thưởng bình quân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Dịp Tết Ất Tỵ 2025, toàn quốc đã hỗ trợ, tặng quà tết cho trên 13,5 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí khoảng 8.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương chi 711 tỷ đồng; ngân sách địa phương là gần 4.452 tỷ đồng...

LÂM NGUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cac-loi-vi-pham-giao-thong-pho-bien-da-giam-sau-post780674.html